Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã gây nên nhiều tranh cãi cũng như dẫn đến biểu tình phản đối ở nhiều nơi thuộc lãnh thổ Nhà nước Palestine. Quyết định của ông Trump đã đảo ngược chính sách của Mỹ trong 7 thập kỷ qua và khiến tiến trình hòa bình Trung Đông vốn bế tắc lại càng thêm rắc rối.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai hiện sống và làm việc tại Hà Lan. Ảnh: NVCC. |
Từ Hà Lan, PGS.TS Nguyễn Phương Mai - giảng viên Trung Đông học, tác giả cuốn "Con đường Hồi giáo" - chia sẻ với Zing.vn quan điểm về sự kiện này. Chị tin rằng quyết định của ông Trump bắt nguồn từ một thỏa thuận ngầm giữa Mỹ, Israel và Saudi Arabia, để Palestine trở thành "vật hy sinh".
Chị cũng cho rằng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngay từ đầu đã đi ngược lại hiến chương của mình trong quyết định phân chia vùng đất Palestine lịch sử.
- Có thông tin nói rằng quyết định của ông Trump là thỏa thuận giữa Mỹ, Israel và Saudi Arabia, trong khi Palestine trở thành "vật hy sinh", như chị cũng từng đề cập. Nhìn lại phản ứng của các bên cho đến nay, chị sẽ nói gì? Chị có tự tin vào nhận định của mình?
- Cho đến bây giờ thì tôi hoàn toàn cho rằng nhận định của mình là chính xác. Các nguồn tin trong những ngày gần đây liên tục khẳng định thái tử Saudi đã gợi ý dùng một thị trấn nhỏ gần lãnh thổ Palestine để người Palestine làm thủ đô, chứng tỏ Saudi đứng sau rèm cùng lên kế hoạch với Mỹ về việc đá bật Palestine khỏi Jerusalem.
Chứng cứ thứ hai cho giả thuyết này là hội nghị của các nước trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hai ngày trước (ngày 13/12 - PV). Saudi, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain chỉ gửi đến các đại biểu cấp bộ ngành. Động thái này chứng tỏ liên minh của ba nước Trung Đông này biết rõ họ sẽ gặp phải sự kháng cự quyết liệt của các nước Hồi giáo trong khu vực vì chuyện Jerusalem nên không dám cho lãnh đạo cấp cao đứng đầu nhà nước tham dự.
Theo các nguồn tin khác nhau, Ai Cập và Saudi thậm chí còn bí mật ngăn cản vua Jordan và lãnh đạo Palestine tham dự hội nghị này bằng cách gọi họ tới Cairo và Jeddah để thuyết phục, nhưng thất bại.
Từ trái qua: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Getty. |
- Tại sao xung đột Israel - Palestine từ năm 1947 đến nay vẫn chưa thể giải quyết được?
- Có ba yếu tố dẫn đến sự bế tắc của tiến trình hòa bình. Thứ nhất là quyết định của LHQ khi chia vùng đất Palestine lịch sử làm hai phần, một cho người Hồi Palestine, một cho người Do Thái Palestine. Một trong những lý do quan trọng nhất để người Palestine phản đối ngay từ đầu là LHQ đã đi ngược lại chính hiến chương của mình khi không tính đến quyền tự quyết dân tộc của người dân trong vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Là một tổ chức quốc tế, LHQ không có quyền hạn giải quyết các vấn đề đường biên và chủ quyền, nhưng LHQ đã lạm quyền thay vì đưa vấn đề ra tòa quốc tế phân xử.
Lý do thứ hai để xung đột nổ ra ngay từ năm 1947 là quyết định của LHQ khá vội vàng, có phần cảm tính, không có tính toán kỹ đến lịch sử của vùng đất này. Ví dụ, người Do Thái lập quốc ở Palestine 3.000 năm trước, nhưng sau đó phần lớn đã bỏ quê hương và sống ở nơi khác, số dân còn lại ở Palestine chỉ còn chừng 3%. Phong trào trở về miền đất hứa cuối thế kỷ 19 (Zionism) khiến hàng trăm nghìn người Do Thái khắp nơi đổ về mua đất, làm số lượng dân đột ngột tăng chóng mặt. Đây là điều khiến dân Arab trong vùng cảm thấy bất an và kịch liệt phản đối.
Vào thời điểm LHQ chia Palestine, người Do Thái ở đây chủ yếu là dân di cư, lúc đó đã mua lại chừng 6% đất và có dân số khoảng 33%. Tuy nhiên, LHQ lại chia cho 33% dân số một phần đất lớn hơn là 56%. Theo cách nhìn của người Palestine bản địa, LHQ đã chia đất đai quê hương của họ cho một nhóm người di cư có số dân nhỏ hơn một phần bánh lớn hơn. Với họ, đó là sự bất công không thể chấp nhận.
Lý do thứ ba khiến xung đột khó giải quyết là quyết định sai lầm của liên minh Arab khi châm ngòi xung đột bằng vũ lực. Khi họ thua trận, vùng đất mà LHQ chia cho Palestine lúc đầu bé hơn trước rất nhiều. Sự căm hận và dè chừng đến từ cả hai phía khiến tiến trình hòa bình hoàn toàn bế tắc. Không ai tin kẻ ngồi bên kia bàn đàm phán thực lòng mong muốn hòa bình. Lòng tin là một thứ vắng mặt, và khi không có lòng tin thì không một lời hứa nào có khả năng tồn tại.
- Việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel vốn được yêu cầu trong một đạo luật đã được quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1995. Tại sao bây giờ Tổng thống Trump lại vấp phải sự phản đối?
- Quyết định năm 1995 về bản chất không liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông mà chỉ là một món đòn chính trị nội bộ trong thời gian bầu cử để thu hút viện trợ từ các nhà tài phiệt gốc Do Thái. Chính vì vậy, dù được thông qua, cứ sáu tháng một lần, các tổng thống Mỹ lại theo lệ cũ ký một sắc lệnh trì hoãn công nhận Jerusalem là thủ đô Israel vì lý do an ninh. Ai cũng hiểu rằng quyết định này không giúp gì cho tiến trình hòa bình nếu không muốn nói là khơi mào xung đột.
Jerusalem theo quyết định của LHQ sẽ là vùng quốc tế quản lý. Tuy nhiên, lịch sử xung đột đã dẫn đến một khả năng khác. Cho đến bây giờ, Jerusalem mặc định sẽ được chia làm hai phần. Phía Tây là thủ đô của Israel, phía Đông là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai. Trump ra tuyên bố mà không nói rõ Đông - Tây ám chỉ việc người Palestine sẽ mất quyền coi Đông Jerusalem là thủ đô. Với những di tích lịch sử và tôn giáo hàng đầu của người Hồi giáo tại đây, thật dễ hiểu tại sao người Palestine và cộng đồng Hồi giáo khắp nơi nổi giận.
- Liệu quyết định của ông Trump có tạo ra thay đổi mạnh mẽ trong khu vực?
- Quyết định của ông Trump đã và sẽ gây ra nhiều xung đột, dù khó có khả năng bùng nổ lớn, nhưng sẽ là một ngòi nổ nguy hiểm. Với quyết định này, Mỹ chính thức xoá bỏ tên mình khỏi bàn đàm phán với tư cách người điều phối. Không ai tin Mỹ có thể công bằng sau khi đã có một quyết định thiên vị như vậy.
Tuyên bố của Tổng thống Trump đã dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối của người Palestine ở khắp nơi thuộc Bờ Tây và Dải Gaza. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, tôi cho rằng thay đổi lớn nhất do hậu quả của quyết định này là sự đổi chiều của liên minh trong khu vực. Trong hội nghị OIC, Jordan và Palestine từ vị trí thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đồng minh, từ vị trí đồng minh với Mỹ trở thành người kịch liệt lên án.
Quyết định của Trump cũng đưa một đất nước ít ai ngờ nhất lên vị trí người hùng của Trung Đông: Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan đã khiến người ta mau chóng quên đi chính sách độc tài, phi dân chủ, ủng hộ Hồi giáo thủ cựu của mình khi ông không ngại ngần lớn tiếng thẳng thừng phản đối Mỹ và tuyên bố đứng về phía Palestine. Ông hiện là “ngôi sao” của hàng triệu người Hồi giáo.
Quyết định của Trump đã khiến hội nghị OIC năm nay thành công rực rỡ khi các nước Hồi giáo lần đầu tiên có thể bỏ qua những xung đột và khác biệt của mình để cùng hợp tác đưa ra một tiếng nói chung, chống lại một mối hiểm nguy chung. Đối lập lại với tuyên bố của Trump, OIC hôm 13/12 đã đồng thanh tuyên bố Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine.
- Việc Hội đồng Bảo an bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết phản đối quyết định của Trump có ý nghĩa gì vì ai cũng biết rằng Mỹ có quyền phủ quyết và chắc chắn sẽ phủ quyết?
- Việc bỏ phiếu ngày 18/12 chỉ là hành động tượng trưng. Tuy nhiên, hành động tượng trưng này thể hiện thái độ cô lập với quyết định của Trump và sự ủng hộ của LHQ cho việc công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.
- Xin chân thành cảm ơn chị!
PSG.TS Nguyễn Phương Mai (sinh tại Hà Nội) hiện là giảng viên ngành quản trị đa văn hóa và Trung Đông học tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Chị là tác giả cuốn sách du ký "Con đường Hồi giáo" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhã Nam liên kết phát hành năm 2014) ghi lại hành trình đi dọc Trung Đông, xuyên qua lịch sử đạo Hồi ngay trong thời kỳ Mùa xuân Arab đầy biến động.