AFP đưa tin Ai Cập là nước trình dự thảo nghị quyết hôm 16/12 và các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) có thể bỏ phiếu thông qua sớm nhất vào ngày 18/12.
Bất chấp sự đồng thuận quốc tế cũng như thông lệ tại Mỹ 70 năm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây. Quyết định này đã gây ra làn sóng tranh cãi và phản đối dữ dội, đặc biệt từ thế giới Arab.
Biểu tình phản đối quyết định của ông Trump tại khu Bờ Tây hôm 16/12. Ảnh: AFP. |
Dự thảo nghị quyết nhấn mạnh Jerusalem là một vấn đề "phải được giải quyết thông qua đàm phán" và bày tỏ "sự hối tiếc sâu sắc về những quyết định gần đây liên quan đến địa vị của Jerusalem", không đề cập cụ thể động thái của ông Trump.
"Bất cứ quyết định và hành động nào nhằm mục đích thay đổi bản chất, địa vị hay thành phần nhân khẩu học" của Jerusalem "đều không có hiệu lực pháp lý, vô giá trị và phải bị hủy bỏ", dự thảo viết.
Các nhà ngoại giao nói họ dự đoán Mỹ sẽ dùng quyền phủ quyết (veto) để ngăn cản việc thông qua nghị quyết dù 14 thành viên còn lại của HĐBA LHQ được cho là sẽ ủng hộ.
Jerusalem là trọng tâm trong cuộc xung đột giữa người Israel và người Palestine. Đồ họa: Al Jazeera. |
Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi tất cả các nước không mở sứ quán tại Jerusalem, phản ánh mối quan ngại về việc các chính phủ có thể làm theo Mỹ. Các nước được yêu cầu không công nhận bất cứ hành động nào trái với các nghị quyết của LHQ về thành phố này, vốn là trọng tâm trong cuộc xung đột Israel - Palestine.
Israel đã kiểm soát nốt phần phía đông của Jerusalem từ năm 1967 sau Chiến tranh 6 ngày và xem toàn bộ thành phố là thủ đô không thể chia cắt của nước này. Người Palestine xem phần phía đông của thành phố là thủ đô nhà nước tương lai của họ.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence dự kiến thăm Jerusalem vào ngày 20/12. Người Palestine đã kêu gọi các cuộc biểu tình phản đối chuyến đi.