Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thái Lan và Việt Nam đều có những cầu thủ đẳng cấp'

Nhờ có bệ đỡ vững chắc và khao khát mãnh liệt muốn ra nước ngoài thi đấu, các cầu thủ Thái Lan dễ dàng tìm được cơ hội xuất ngoại. Đây là điều bóng đá Việt Nam còn thiếu.

Chia sẻ với Zing.vn, HLV Steve Darby, người từng dẫn dắt U23 Thái Lan, đánh giá cao năng lực cầu thủ Thái Lan và Việt Nam. Ông nhìn nhận không hề có sự thua kém về trình độ chơi bóng giữa tài năng của hai quốc gia. Thế nhưng, Thái Lan lại đi trước Việt Nam trên phương diện xuất khẩu cầu thủ.

Theo chiến lược gia người Anh, các cầu thủ Thái Lan có bệ đỡ vững chắc. Họ được truyền thông hậu thuẫn nhiều. Việc giải Thai League chất lượng hơn cũng giúp nền bóng đá ở xứ chùa Vàng ghi điểm trong mắt tuyển trạch viên tại quốc gia có nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Viet Nam anh 1

Chanathip là ngôi sao hay nhất của Thái Lan. Anh đang thi đấu tại Nhật Bản. Ảnh: Getty Images.

- Thái Lan đi đầu trên phương diện xuất khẩu cầu thủ sang Nhật Bản. Vậy theo ông, đây có phải là bằng chứng cho thấy chấn lượng cầu thủ của họ vẫn đứng đầu khu vực Đông Nam Á?

- Việc có nhiều cầu thủ thi đấu ở các giải hàng đầu châu lục cho thấy Thái Lan đang có những cầu thủ xuất sắc. Tuy vậy, một yếu tố cũng cần đề cập tới là họ có mạng lưới truyền thông sử dụng tiếng Anh rất tốt. Điều này giúp danh tiếng các cầu thủ dễ dàng lan ra nước ngoài.

Việt Nam sẽ cần cải thiện điều này nếu muốn những quốc gia ở châu Á biết đến họ nhiều hơn. Tại Thái Lan, các trận đấu cũng được diễn ra trên những sân với đông khán giả, điều kiện thi đấu của nhiều CLB cũng hiện đại, điều đó rất bắt mắt với người xem khi các trận đấu được phát sóng trên truyền hình.

Ở phương diện này, giải V.League vẫn chưa thể so được với Thai.League.

- Ông có nghĩ trình độ cầu thủ Thái Lan hơn Việt Nam?

- Tôi cho rằng Thái Lan và Việt Nam đều có những cầu thủ đẳng cấp. Đây là về phương diện cá nhân từng con người, không phải một quốc gia. Ở đâu tại Đông Nam Á thì cũng có những cầu thủ giỏi. Vấn đề là các phương tiện truyền thông phải làm cách nào để truyền tải thông tin đến người hâm mộ.

- Các cầu thủ Việt Nam vẫn còn hạn chế về mặt ngoại ngữ, vậy ông có nghĩ điều này ảnh hưởng tới cơ hội xuất ngoại của họ?

- Đúng vậy. Khi cầu thủ còn ở cấp độ trẻ, họ cần sớm được tăng cường khả năng ngoại ngữ. Điều này hữu ích cho tương lai khi cầu thủ ấy có cơ hội xuất ngoại. Nhờ vốn ngoại ngữ tốt, họ có thể thích nghi với môi trường mới nhanh hơn.

Trường hợp của thủ thành Kawin Thamsatchanan (Thái Lan) là ví dụ rõ nhất. Từ đầu, anh ấy đã đặt mục tiêu ra nước ngoài thi đấu. Vì vậy, Kawin tham gia khóa học ngoại ngữ rất sớm, đồng thời áp dụng chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt. Cơm không còn là thực đơn chính trong bữa ăn của anh ấy. Nó được thay bằng mì sợi.

- Khi còn làm việc ở Thái Lan, ông thấy thái độ phát triển nghề nghiệp của những cầu thủ ở đây thế nào?

- Tôi làm việc lần đầu tiên với những cầu thủ Thái Lan là tại Singapore vào đầu những năm 2000. Khi ấy, tôi thấy bóng đá Thái Lan có hai cầu thủ rất hay là Kiatisak Senamuang và Totchtawan Sripan. Lúc dẫn dắt Home United, tôi ký hợp đồng với ba cầu thủ gồm Sutee Suksomkit, Surachai Jaturapattarapong và Anurak Srikerd. Ấn tượng của tôi về những cầu thủ này là họ nói tiếng Anh cơ bản rất giỏi.

Lối sống của các cầu thủ Thái Lan trong và ngoài sân cỏ rất chuyên nghiệp. Trên sân tập, họ tỏ ra rất chăm chỉ. Tôi chưa thấy những cầu thủ này hút thuốc hay uống rượu bia bao giờ.

Đến khi dẫn dắt tuyển Thái Lan, tôi cũng thấy một điều tương tự trong các cầu thủ. Họ cũng khát khao được ra nước ngoài thi đấu và luôn nỗ lực để hoàn thành mục tiêu. Đôi lúc, một số thứ thay đổi. Các CLB của Thái Lan dùng rất nhiều tiền để giữ chân các cầu thủ. Tuy vậy, những người hay nhất luôn muốn được trải nghiệm cảm giác thi đấu ở nước ngoài.

Viet Nam anh 2

Quang Hải đang được nhiều CLB để mắt tới. Ảnh: Minh Chiến.

- Chanathip Songkrasin được xem là cầu thủ Thái Lan thành công nhất khi xuất ngoại. Ông có nghĩ chính điều đó giúp Thái Lan trở thành bến đỗ lý tưởng cho các tuyển trạch viên Nhật Bản thị phạm cầu thủ sau này?

- Đầu tiên, các tuyển trạch viên sẽ đến với những quốc gia nào thuận tiện nhất cho công việc của họ. Tiếp theo, nếu một cầu gặt hái được những thành tựu to lớn khi xuất ngoại, anh ấy sẽ trở thành "người dẫn lối" cho những cầu thủ tiếp theo. Điều này từng xuất hiện vào những năm 80 tại Australia.

Lúc đó, tiền vệ Craig Johnston từng thi đấu rất hay trong màu áo Liverpool. Điều này giúp cầu thủ Australia thu hút các CLB tại xứ sở sương mù. Sau này, chúng ta thấy có thêm Mark Viduka, Harry Kewell, Mark Schwarzer... được nhiều CLB Anh săn đón.

Nếu Chanathip thu được những thành công tại giải J.League, bóng đá Thái Lan sẽ được các tuyển trạch viên Nhật Bản chú ý đến nhiều hơn. Tôi cũng từng làm việc với Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan và Kawin, đây toàn những cầu thủ tài năng và chăm chỉ. Lẽ ra Dangda nên sang Nhật sớm hơn, nhưng anh ấy lại cảm thấy hài lòng với cuộc sống tại Thái Lan.

- Cựu danh thủ Christian Karembeu của Real Madrid từng nói: "Tuyển Việt Nam càng gặt hái được những thành công trên đấu trường quốc tế, thì cầu thủ sẽ lại có nhiều cơ hội thu hút tuyển trạch viên từ các CLB lớn. Ông nghĩ sao về điều này?

- Đúng vậy. Trong bóng đá, "những lời truyền miệng" đôi khi quan trọng. Nếu một cầu thủ ghi nhiều bàn thắng, truyền thông sẽ nhắc tới anh ấy nhiều và điều đó lan đến tai các tuyển trạch viên.

- Việt Nam từng có một số cầu thủ xuất ngoại nhưng không thành công. Vậy ông nghĩ thế nào về phương diện xuất khẩu cầu thủ bóng đá?

- Tôi tôn trọng bất kỳ cầu thủ Việt Nam nào dám thử sức ở nước ngoài. Dù có được thi đấu hay không, lúc trở vệ nước, họ sẽ mạnh mẽ, trở nên chuyên nghiệp và trở thành cầu thủ tốt hơn.

Với bất kỳ cầu thủ nào thì không hề dễ dàng để có thể thi đấu ở nước ngoài. Chính tôi ngày trước cũng vậy. Để giành lấy cơ hội ra sân, bạn phải giỏi hơn những đối thủ bản địa ở CLB và chứng minh được mình xứng đáng với số tiền chuyển nhượng đội bóng đã bỏ ra.

Nhưng hơn hết, khi xuất ngoại, một cầu thủ cần có được bản lĩnh thật sự vững vàng. Đó phải là người không ngại khó khăn, và sẵn sàng thích nghi được với mọi điều kiện ngoại cảnh, như khí hậu, thức ăn và ngôn ngữ. Tôi biết đây không phải thách thức có thể chinh phục được nếu thiếu đi sự trợ giúp từ chính CLB chủ quản.

Vượt qua được những khó khăn trên, cầu thủ Việt Nam khi trở về nước sẽ trở nên mạnh mẽ, biến thành một con người khác. Những CLB Việt Nam cũng cần có được tầm nhìn xa trước khi đưa ra quyết định cho phép cầu thủ tìm đến một vùng đất mới.

- Theo ông, cầu thủ Việt Nam cần ưu tiên cho những gì trước khi quyết định xuất ngoại?

- Đó chắc chắn là vấn đề ngoại ngữ. Tiếp theo, hãy lạc quan và tin tưởng vào năng lực bản thân, sau cùng mới là chuyện lương bổng.

- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Vì sao các CLB Nhật Bản thích cầu thủ Thái Lan?

Trình độ cầu thủ Việt Nam không hề thua kém người Thái, thế nhưng đại kình địch lại đang vượt chúng ta trên phương diện "xuất khẩu" cầu thủ sang Nhật Bản.

Nguyên Trí

Bạn có thể quan tâm