Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thái Lan đồng bộ hóa lối chơi từ CLB đến tuyển quốc gia

Các đội bóng lớn ở giải Thai Premier League (TPL) đều chọn cách chơi tấn công, đa dạng về chiến thuật phù hợp với triết lý xây dựng lối chơi của ĐTQG dưới thời Kiatisak.

Trong giai đoạn từ năm 2008 – 2013, ĐT Thái Lan sử dụng 3 HLV ngoại là Peter Reid, Bryan Robson và Wilfried Schafer nhưng không thu được thành công. Khi Kiatisak lên thay, hiệu quả tăng lên rõ rệt. ĐT Thái Lan vô địch AFF Cup sau 12 năm, có cơ hội tiến vào vòng loại cuối cùng World Cup 2018 lần đầu tiên kể từ năm 2002.

Kiatisak không phải bậc kỳ tài, thậm chí có giai đoạn ông thất bại khi dẫn dắt HAGL của Việt Nam. Thành công của ông trên cương vị HLV ĐTQG Thái Lan là thành quả của việc xây dựng một lối chơi phù hợp xuyên suốt thời gian dài, sự ủng hộ của các CLB cũng như LĐBĐ Thái Lan.

Người Thái biết rõ mình không mạnh về thể lực so với các đội hàng đầu châu Á và châu Âu nên phải xây dựng lối chơi ban bật, nhịp nhàng, tận dụng sơ hở của đối phương. Khi còn là cầu thủ, Kiatisak chơi theo phong cách này nên dễ dàng dẫn dắt các học trò ở ĐTQG.

HLV Kiatisak thành công khi dẫn dắt ĐTQG Thái Lan dù ông thất bại khi làm HLV của HAGL. Ảnh: Tùng Lê

10 điểm khác biệt giữa bóng đá Thái Lan và Việt Nam

Đi sâu vào phân tích những điểm khác biệt giữa 2 nền bóng đá sẽ thấy việc ĐT Thái Lan thắng Việt Nam 3-0 hay đội U19 của họ mới hạ thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn 6-0 là có cơ sở.

Xem ĐTQG, U23, U19 hay thậm chí U16 Thái Lan thi đấu, có thể nhận ra sự đồng bộ về lối chơi, theo sơ đồ 4-3-3 hoặc 4-2-3-1. Cầu thủ được triệu tập phải phù hợp với triết lý đó, còn không sẽ bị loại. Thi đấu cùng nhau một thời gian dài với cùng lối chơi đồng nhất, dễ hiểu tại sao cầu thủ Thái Lan có những pha phối hợp ăn ý, mạch lạc. Bàn thắng thứ 3 vào lưới ĐTVN là ví dụ điển hình. Báo chí châu lục và thế giới còn ví lối chơi của Thái Lan với thương hiệu tiki taka nổi tiếng của Barcelona.

Trong khi đó, tuyển Việt Nam có sự khác biệt quá lớn giữa các cấp độ. Ngay cả ở ĐTQG, HLV Miura cũng chưa cho thấy một lối chơi đồng nhất. Ông thay đổi liên tục về sơ đồ chiến thuật, có trận đá 2 trung vệ, trận đá 3 trung vệ… khiến người hâm mộ lẫn giới chuyên môn không thể nhận ra đâu là triết lý về lối chơi của ĐTVN.

Tại V.League, một cầu thủ Việt Nam thi đấu tối đa 26 trận, chưa kể một vài trận tại Cup quốc gia. Con số này thấp hơn nhiều so với TPL. Một cầu thủ thi đấu tối đa 36 trận, chưa kể các trận đấu tại League Cup, Thai FA Cup... 

Một điểm quan trọng khác giúp tuyển Thái Lan hơn Việt Nam là sự ủng hộ của CLB, đặc biệt trong cách xây dựng lối chơi. Những đội bóng hàng đầu Thái Lan như Buriram, Muangthong, Chonburi… đều chủ trương chơi tấn công, dựa nhiều vào những pha phối hợp, không chơi bóng dài.

Từ vài năm nay, các đội bóng của Thái Lan ưu tiên sử dụng nhiều cầu thủ Brazil (chơi kỹ thuật), châu Âu (giỏi chiến thuật), hạn chế ngoại binh châu Phi. Nếu có sử dụng châu Phi, đó phải là người rất chất lượng, như Dominic Adiyiah – cầu thủ vô địch U20 thế giới 2009 cùng Ghana.

HLV Miura chưa thể xây dụng một lối chơi có đường nét rõ ràng cho ĐTVN. Ảnh: Lê Hiếu

Bóng đá Thái Lan khởi sắc nhờ lãnh đạo… từ chức

Đang giữ chức Tổng thư ký LĐBĐ Thái Lan (FAT), Ong-art Kosingkha xin từ chức để sang Anh học làm bóng đá chuyên nghiệp. Quyết định này giúp bóng đá Thái Lan thay đổi toàn diện.

Cầu thủ Thái Lan có thể thực hiện nhiều pha phối hợp phức tạp, kỹ thuật bởi họ đã làm điều đó thường xuyên ở CLB. Cách chơi tấn công là yêu cầu gần như bắt buộc với các đội bóng ở TPL để kéo khán giả, tài trợ. Người hâm mộ Thái Lan chấp nhận việc đội bóng thua trận nhưng phải chơi cống hiến, hết mình.

Tuyển Việt Nam không thể làm như Thái Lan bởi phần lớn các đội phụ thuộc quá nhiều vào ngoại binh châu Phi, chuộng lối đá phất bóng dài cho họ xử lý. HAGL vốn là đội bóng có lối chơi hiện đại, ban bật nhưng nhiều trận đấu bí bài phải đôn các trung vệ cao to như Franklin lên chơi bóng bổng. B.Bình Dương, Hà Nội T&T tấn công tốt nhất V.League nhưng vai trò của những ngoại binh châu Phi vẫn rất quan trọng.

HAGL là đội bóng duy nhất tự tin cho biết làm ra tiền từ bóng đá ở mùa giải 2015 với mức lãi chừng 5 tỷ đồng. Nhưng ở Thái Lan, các CLB kiếm tiền còn khủng khiếp hơn. Ở mùa giải 2014, CLB Buriram có doanh thu 400 triệu baht (hơn 240 tỷ đồng), trong đó có 150 triệu baht từ tài trợ, 30 triệu baht... từ bán vé.

Ở góc độ HLV, phóng viên Kritikorn Thanamahamongkhol của kênh Thai Rath nhận xét HLV Kiatisak biết cách tập hợp, phát huy sức mạnh của các cầu thủ khi lên tập trung cùng ĐTQG. Điều này lý giải vì sao, ông gọi nhiều cầu thủ của đội BEC Tero Sasana (Chanathip, Ketsarat, Triston Do… ) – đội bóng đang thi đấu lẹt đẹt tại TPL lên ĐTQG và họ đều chơi rất hay. Kroekrit – cầu thủ ghi bàn từ cú sút xa ở trận thắng Việt Nam 3-0, thể hiện phong độ mờ nhạt tại CLB Chonburi nhưng khi lên tuyển lại chơi ấn tượng.

Bóng đá Thái Lan gặp không ít rắc rối như Việt Nam. Thậm chí, Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Worawi Makudi đang bị FIFA trừng phạt, nhưng nhờ chiến lược đúng đắn từ việc xây dựng ĐTQG và phát triển giải VĐQG, bóng đá Thái Lan đang thu được những thành công lớn. 

Khoảng cách chênh lệch giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan

24 năm kể từ ngày hội nhập với bóng đá khu vực, Việt Nam vẫn đang mòn mỏi tìm cách soán ngôi "ông vua Đông Nam Á" từ Thái Lan.

Nguyễn Đăng - Huy Hoàng

Bạn có thể quan tâm