Học theo mô hình giải Ngoại hạng Anh
Trước năm 2007, bóng đá Thái Lan sa sút toàn diện, chất lượng cầu thủ giảm sút, trong khi giải VĐQG không được nhiều người chú ý. Để chặn đà lao dốc, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) đã quyết định cắp sách sang Anh học cách tổ chức mô hình bóng đá chuyên nghiệp của nước này. Họ mua luôn bản quyền tổ chức và quản lý để áp dụng cho Thái Lan và nhờ sự tư vấn của Sir Dave Richards – cựu Chủ tịch Premier League.
Chỉ sau 8 năm, bóng đá Thái Lan đã thay da đổi thịt. Họ có một cơ cấu ổn định với 3 cấp độ là Thai Premier League (18 đội), Division 1 (20 đội) và Regional Division 2 (83 đội). Thông qua Thailand Premier League (TPL), các CLB Thái Lan đã tạo được nguồn thu ổn định, hoạt động theo đúng mô hình của một CLB chuyên nghiệp. Còn ở Việt Nam, số lượng CLB ở V.League và hạng Nhất mùa 2015 chỉ có 22. Cơ cấu của giải đấu cũng liên tục thay đổi những năm qua khi hàng loạt các đội bóng bỗng dưng giải tán, chuyển chủ sở hữu như Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành, K.Kiên Giang, V.Ninh Bình…
Bóng đá Thái Lan đang được tổ chức bài bản và rất chuyên nghiệp. |
Các CLB đều có sân vận động riêng
Một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các CLB ở Thái Lan là họ phải có sân vận động riêng, sức chứa không cần quá lớn nhưng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của BTC, đặc biệt chất lượng mặt cỏ phải tốt. Việc sở hữu sân bóng của riêng mình giúp các CLB dễ dàng trong việc tạo ra nguồn thu từ việc bán vé, vật phẩm lưu niệm. Một số CLB xây dựng SVĐ theo mô hình của các đội bóng Anh nên luôn duy trì một số lượng khán giả lớn. Chẳng hạn, Buriram xây sân Thunder Castle theo mô hình như Stamford Bridge (Chelsea), còn sân Muangthong United giống với Old Traffod của MU.
Còn ở Việt Nam, các sân bóng đều thuộc quyền sở hữu của địa phương, CLB không được quyền quản lý riêng, dẫn đến nguồn thu không đảm bảo. Cơ sở vật chất của một số sân như Chi Lăng (SHB.Đà Nẵng), Long An (ĐTLA), Cần Thơ (XSKT Cần Thơ)… còn khá sơ sài. Chất lượng mặt cỏ của các sân, đặc biệt ở khu vực phía Bắc rất tệ như sân Lạch Tray, Cẩm Phả... khiến các cầu thủ dễ chấn thương.
Kiếm nhiều tiền từ bản quyền truyền hình
Cùng với tiền vé, bản quyền truyền hình tạo nên nguồn thu cơ bản của một CLB chuyên nghiệp. Thái Lan đang làm rất tốt điều này khi họ tổ chức các trận đấu vào khung giờ vàng, từ 18h đến 20h. Tiền bản quyền truyền hình tăng từ 5,7 triệu USD (giai đoạn từ 2011-2013) lên đến 57 triệu USD giai đoạn tiếp theo. Mới đây, TrueVision đã ký hợp đồng BQTH mới trị giá 115 triệu USD kéo dài từ năm 2016 – 2020.
Ngược lại, tiền bản quyền truyền hình tại V.League là con số 0 tròn trĩnh, bởi Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn chưa kiếm được tiền từ các đài truyền hình. Hàng năm, các CLB V.League nhận được một khoản tiền hỗ trợ từ VPF, như một “biến tướng” của bản quyền truyền hình. Số tiền này thực chất là tiền từ các nhà tài trợ trả cho VPF, đổi lại bằng 15 phút quảng cáo mỗi trận cho họ trên sóng truyền hình.
Chonburi không phải là đội bóng nổi tiếng nhất của Thái Lan hiện tại nhưng họ có đến gần 10 nhà tài trợ, giúp đội có doanh thu rất ổn định. |
Cầu thủ Thái Lan được bảo hiểm
Cách đây 1 năm, hãng bảo hiểm nổi tiếng AIA đã ký hợp đồng trị giá 380 triệu baht (12,9 triệu USD) bao gồm tiền và bảo hiểm tai nạn cá nhân cho cầu thủ của 34 đội bóng. Điều này giúp cho các cầu thủ yên tâm thi đấu, cống hiến hết sức cho CLB.
Ngược lại, V.League chưa có một hãng bảo hiểm nào gắn bó với các CLB dù mức độ bạo lực, rủi ro có phần nhỉnh hơn ở Thái Lan. Do đó, cầu thủ khi gặp chấn thương hay tai nạn nặng, họ phải đối mặt với khoản chi phí điều trị lớn, tương lai bất định nếu không có sự chung tay của CLB. Tiền vệ Anh Khoa (SHB.Đà Nẵng) và tiền đạo Abass (B.Bình Dương) may mắn khi được 2 CLB chủ quản chi trả viện phí điều trị chấn thương nặng thời gian qua.
Nhà tài trợ muốn gắn bó lâu dài với Thái Lan
Thai Premier League và V.League hiện tại có chung nhà tài trợ là Toyota nhưng mức độ tin tưởng và thời gian hợp tác rất khác nhau. Đối tác đến từ Nhật Bản mới gắn với với V.League từ mùa giải 2015 với số tiền tài trợ chỉ khoảng 30 tỷ/năm. Trước mắt, việc hợp tác có thời hạn một năm.
Ngược lại, hãng này gắn bó với giải đấu số một của Thái Lan từ cách đây vài năm. Từ mùa giải 2013 – 2015 họ tài trợ 200 triệu baht (gần 130 tỷ) cho giải đấu. Khi mùa giải 2015 còn chưa kết thúc, đối tác này đã gia hạn hợp đồng tài trợ đến năm 2018 với tổng số tiền lên đến 300 triệu baht.
HAGL là đội bóng duy nhất ở V.League 2015 tuyên bố mình lãi ít nhất 5 tỷ đồng, chủ yếu từ tiền bán vé, tài trợ... Những CLB còn lại đều không có nguồn thu đáng kế, một số vẫn còn ngửa tay xin tiền từ ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, Buriram United - đội bóng hàng đầu Thái Lan ngay từ năm 2013 đã có doanh thu lên đến gần 300 tỷ đồng.
CLB nói không với áo nhái
Hầu hết các CLB ở giải đấu số một Thái Lan đều có nhà tài trợ áo đấu của các hãng danh tiếng (Nike, Grand Sport, Warrix, FBT, Kool, Pan, Ari) hoặc tự mình sản xuất (Army United, Buriram, Chainat và Chiangrai). Chất lượng áo đấu được các CLB rất chú ý để họ bán đến tay người hâm mộ. Giá mỗi áo đấu khá cao trung bình từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng nhưng rất đông CĐV mua. Người hâm mộ Thái Lan nói không với việc mua áo nhái và rất thích mặc áo của đội bóng đến sân cổ vũ. Họ mặc áo của CLB đi khắp nơi chứ không gói gọn ở sân bóng, bởi theo họ việc đó giúp học thực hiện trách nhiệm xã hội tốt hơn các việc khác.
Ngược lại, ở V.League các đội bóng sử dụng áo đấu vẫn còn quá nghiệp dư. Hà Nội T&T là đội hiếm hoi ở V.League có nhà tài trợ trang phục riêng (Kappa); SLNA, Đồng Tháp… tự mình sản xuất áo đấu. Trong khi đó, đa phần các đội còn lại đều sử dụng áo nhái có biểu tượng 3 sọc độc quyền toàn cầu của adidas hoặc của Nike (Than Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai…). HAGL là đội bán áo đấu tốt bậc nhất V.League nhưng áo của họ cũng do một nhà phân phối tại TP HCM cung cấp và chất lượng cũng chỉ ở mức vừa phải.
Chelsea vừa có chuyến thi đấu giao hữu với đội Thailand All Star mùa hè vừa qua. Ảnh: Getty Images |
Liên kết tốt với nhiều CLB châu Âu
Thái Lan từ có một học viện liên kết với Arsenal-JMG nhưng sau đó… phá sản. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo trẻ của họ rất tốt nhờ liên kết đào tạo với nhiều CLB châu Âu. Everton, Reading, Leicester City… là những đội bóng Anh có mở học viện đào tạo bóng đá hoặc chương trình đào tạo tại Thái Lan. Hàng năm, các CLB danh tiếng thế giới như MU, Liverpool, Chelsea… du đấu, góp phần nâng cao uy tín và chất lượng giải đấu.
Tại Việt Nam, không có nhiều CLB liên kết với những đội bóng lớn châu Âu. Học viện HAGL-Arsenal JMG, PVF là những lò hiếm hoi xây dựng chương trình đào tạo lien kết với nước ngoài. Các CLB châu Âu có đến Việt Nam du dấu nhưng không duy trì thường xuyên…
Bên cạnh đó, thể thao học đường của Thái Lan cực tốt dựa trên hệ thống cơ sở vật chất tốt hơn hẳn Việt Nam. Ngay cả các trường cao đẳng, đại học cũng có sân đấu, sân tập đủ tiêu chuẩn cho các CLB chuyên nghiệp tập. Trong đội hình Thái Lan vừa đánh bại Việt Nam 3-0 vừa qua, có ít nhất 2 cầu thủ trưởng thành từ thể thao học đường của trường Đại học Assumption là đội trưởng Bunmathan và Sarach Yooyen.
Ý thức cầu thủ
Cầu thủ Thái Lan rất có ý thức giữ gìn hình ảnh của bản thân bởi điều đó liên qua trực tiếp đến quyền lợi. Họ tâm niệm ra sân thi đấu đẹp mắt, cống hiến để trở thành thần tượng của các CĐV. Khi càng có nhiều fan, họ càng nhận được nhiều quyền lợi, chuyển đến CLB khác, fan cũng sẽ theo mình. Người hâm mộ bóng đá Thái Lan rất chuộng những cầu thủ vừa điển trai, vừa đá bóng giỏi như Charyl Chappuis, Bunmanthan, Triston Do, Kroekit… Những người khi đã trở nên nổi tiếng có ý thức giữ gìn hình ảnh trước công chúng, ít khi thấy họ xuất hiện khi đi bar, ăn nhậu…
Cầu thủ Việt Nam chưa chú ý đúng mức đến việc này. Mới đây, một số tuyển thủ ĐTVN đi bar sau trận thua trước Thái Lan khiến dư luận phản ứng. Công Phượng – ngôi sao trẻ danh tiếng nhất Việt Nam liên tục dính đến những vụ rắc rối thời gian qua. Các CLB Việt Nam không có các bác sĩ lo về dinh dưỡng, chuyên gia thể lực… cũng là một phần nguyên nhân ảnh hưởng đến ý thức cầu thủ.
CLB luôn hướng về CĐV
Hầu hết các đội bóng đều lắng nghe nhu cầu, tâm tư của CĐV để làm thế nào kéo khán giả đến sân càng đông càng tốt. Với họ ra sân thi đấu và chiến thắng đẹp mắt là cách tốt nhất để làm hài lòng người hâm mộ. Nhờ đó, các CLB luôn giữ cho mình một lượng fan ổn định qua suốt các mùa giải.
Ở V.League, nhiều CLB không biết xây dựng hình ảnh, thậm chí phung phí, đánh mất nó vì những trận cầu tình nghĩa. Tình trạng các fan quay sang chỉ trích các đội bóng không hiếm. Như mùa 2015, CĐV của Hải Phòng đã yêu cầu ban lãnh đạo đội bóng làm rõ việc đội thi dấu dưới sức ở trận đấu với Cần Thơ. Hay một bộ phận CĐV SLNA quay lưng với đội nhà khi họ thua khó hiểu trên sân của HAGL.
Mức lương trung bình của giải Thailand Premier League theo thống kê của tạp chí Fieldoo năm 2004 là gần 800 triệu đồng/năm. Những cầu thủ ngôi sao của ĐT Thái Lan đang nhận mức lương cao hơn nhiều so với các đồng nghiệp tại Việt Nam. Chanathip Songkrasin nhận ít nhất 6.000 USD/tháng (hơn 120 triệu đồng) từ BEC Tero, cao hơn nhiều so với mức 15 triệu đồng/tháng của Công Phượng ở HAGL.
Liên đoàn làm việc hiệu quả
LĐBĐ Việt Nam (VFF) có khoảng 100 nhân sự, hoạt động ở trụ sở trên diện tích 7 hecta. Tuy nhiên dấu ấn của cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam rất mờ nhạt, từ việc định hướng xây dựng các giải đấu chuyên nghiệp cho đến thuê HLV cho các ĐTQG. Thời gian qua, VFF để lại chịu khá nhiều tai tiếng khi một số nhân vật cộm cái bị tố nhận hối lộ, không đoàn kết trong hàng ngũ lãnh đạo, chưa kể một cơ ngơi tiền tỷ cũng bị bỏ hoang.
LĐBĐ Thái Lan (FAT) cũng hứng chịu khá nhiều chỉ trích, thậm chí Chủ tịch của họ còn bị FIFA trừng phạt. Nhưng suốt những năm qua, họ đã điều hành tốt, giúp bóng đá Thái Lan vươn lên mạnh mẽ. Họ thống trị khu vực ở bóng đá nam, bóng đá nữ thậm chí cả futsal. Họ có tham vọng giành vé tham dự VCK World Cup 2020, đăng cai tổ chức World Cup bóng đá nữ năm 2013… Họ làm tất cả điều đó với số nhân sự chỉ bằng 20% so với VFF.