Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BLV Quang Huy: ‘Mourinho cũng không thể nâng tầm bóng đá VN’

Bình luận viên Vũ Quang Huy đã có những chia sẻ với bạn đọc Zing.vn về HLV Toshiya Miura và đội tuyển Việt Nam sau thất bại 0-3 trước Thái Lan tại Mỹ Đình.

TTK Lê Hoài Anh: ‘VFF không phó mặc ĐTVN cho HLV Miura’

Tại buổi trả lời trực tuyến độc giả Zing.vn, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh thừa nhận, Thái Lan hiện đứng số 1, còn Việt Nam có vị trí trong nhóm đầu khu vực Đông Nam Á.

- Đây có phải là đội tuyển Việt Nam gây thất vọng nhất? Tại sao VFF không sử dụng lứa U19 năm 2014 làm nòng cốt để nâng tầm bóng đá Việt Nam?

- Tôi không nghĩ đây là đội tuyển Việt Nam gây thất vọng nhất. Nói chung nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam chưa có sự ổn định. Bên cạnh những cái được, vẫn tồn tại những điều làm cho khán giả buồn lòng.

Việc không sử dụng lứa U19 năm 2014 làm nòng cốt hoàn toàn do quan điểm của HLV Miura. Tôi rất tiếc khi VFF đã đặt niềm tin vào ông thầy người Nhật Bản mà không đưa ra những tư vấn cần thiết. Sẽ rất tốt nếu có sự kết hợp hài hòa giữa những cầu thủ có kinh nghiệm và lứa cầu thủ trẻ.

- Theo anh, trong tất cả HLV thì nhà cầm nào phù hợp với lối chơi của Việt Nam nhất?

- Tôi vẫn nghĩ đó là ông Calisto. Ông vừa hiểu bóng đá Việt Nam, có sự thông cảm đối với những người làm bóng đá, lại vừa chỉ ra những cái chưa được với tư duy của một người châu Âu để giúp bóng đá Việt Nam phát triển.

BLV Vũ Quang Huy trả lời trực tuyến độc giả Zing.vn. Ảnh: Hoàng Hà.

- Lối chơi rắn và không ngại va chạm liệu có phù hợp với thể trạng nhỏ bé của người Việt Nam?

- Tôi nghĩ là không phù hợp, kể cả với những cầu thủ Việt Nam rất dẻo dai, nếu va chạm nhiều sẽ tiêu hao rất nhiều sức lực bởi thể hình và cơ địa người Việt Nam có hạn. Theo tôi, lối chơi ông Calisto lựa chọn trước đây vẫn phù hợp nhất với các cầu thủ Việt Nam. Tôi từng chứng kiến ông lấy hình ảnh du kích Việt Nam để các học trò hiểu hơn về những gì sẽ phải áp dụng.

- HLV Miura áp dụng lối đá chuyền bóng dài nhưng ông lại chọn những tiền đạo không nhanh hoặc không có tố chất tạo ra đột biến? Cách chọn người nhà cầm quân người Nhật có vấn đề?

- Tôi nghĩ ông Miura lựa chọn lối chơi này vì hiện nay bóng đá Việt Nam không có cầu thủ cầm trịch ở giữa sân. Dù vậy theo tôi, vẫn có những cách chơi khác thay vì chuyền bóng dài lên cho tiền đạo. Đây là cách đá phổ biến ở V.League, nhưng đó là với những tiền đạo nước ngoài. Các tiền đạo Việt Nam không phù hợp với cách chơi đó.

- Anh có thể cho biết quan điểm về chiến thuật HLV Miura sau hơn một năm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam? Khoảng thời gian trên đã đủ để nhà cầm quân người Nhật hiểu và xây dựng lối chơi cho đội tuyển?

- Đến lúc này, chiến thuật của HLV Miura chưa rõ ràng. Theo tôi, điều này xuất phát từ việc ông chưa hiểu về bóng đá Việt Nam. Đây là điều hết sức nguy hiểm, bởi ông đã làm việc được một năm rưỡi rồi. Có cảm giác nhiều lúc nhà cầm quân người Nhật Bản bị rối và cảm thấy bất an, mặc dù ông luôn giữ một vẻ ngoài rất bình thản. Đây không hoàn toàn là lỗi của ông.

- Đội tuyển Việt Nam cần bao nhiêu huấn luyện viên nữa mới có thể thi đấu khởi sắc, qua đó đáp ứng đòi hỏi của người hâm mộ nước nhà?

- Tôi nghĩ vấn đề không nằm ở các HLV mà ở bộ máy điều hành Liên đoàn. Nghĩ lại tôi vô cùng tiếc khi hiếm có quốc gia nào yêu bóng đá như Việt Nam. Chúng ta đang để lãng phí một tài sản vô giá.

- BLV Quang Huy đánh giá thế nào về chuyên môn của HLV Miura?

- Tôi vẫn nghĩ ông Miura là một HLV tốt, được đào tạo bài bản đến từ một nền bóng đá vượt trội so với Việt Nam. Vấn đề là ông ta quá đơn độc. Tôi đã nhận ra điều này sau AFF Cup 2014 và phát biểu trên nhiều diễn đàn nhưng đáng tiếc, mọi việc vẫn không chuyển biến kể từ đó tới nay.

- Thái Lan sở hữu lối đá hay, các cầu thủ của họ đều có khả năng sút xa rất tốt, tại sao ĐTVN không làm được vậy? HLV Kiatisak đã tham khảo tất cả những trận đấu của ĐTVN, HLV Miura có làm vậy không?

- Riêng về trận đấu với Thái Lan vừa qua, tôi nghĩ thất bại 0-3 là vì Thái Lan hơn hẳn Việt Nam. Chưa bao giờ người Thái có một đội tuyển chơi biến hóa như hiện nay.

Họ có rất nhiều phương án tấn công và nhiều cầu thủ có thể giải quyết trận đấu thay vì cách chơi dựa vào Kiatisak, Surachai hay Thonglao trước đây. Họ có thể chơi pressing, phản công, thậm chí có những pha bóng theo kiểu tiki-taka nhuần nhuyễn. Khi bế tắc, họ sẵn sàng tung ra những cú sút ngoài vòng cấm.

Bên cạnh trình độ chênh lệch, cũng phải kể tới việc một số cầu thủ Việt Nam không còn là chính mình khi gặp Thái Lan. Dường như khi gặp Việt Nam, Thái Lan luôn ẩn chứa điều gì đó bí ẩn, cái này có thể đến từ việc người Thái làm việc rất nghiêm túc và luôn hiểu rõ đối thủ.

BLV Quang Huy cho rằng chưa nên sa thải HLV Miura ở thời điểm này. Ảnh: Hoàng Hà.

- Nếu VFF mời được Jose Mourinho hay một HLV tài ba khác về huấn luyện thì đội tuyển Việt Nam liệu có đá trên chân Thái Lan? Bóng đá Việt Nam hiện nay cần HLV xuất chúng hay cầu thủ giỏi?

- Tôi nghĩ Mourinho hay bất kỳ HLV tài ba nào khác đều không thể nâng tầm bóng đá Việt Nam ngay tức khắc. Đó vẫn chỉ là cái mà ông Riedl trước đây gọi là xây nhà từ nóc. Tôi nghĩ, lúc này bóng đá Việt Nam cần nhất là một nền tảng vững chắc để có thể huy động được tình yêu bóng đá của người hâm mộ và những nguồn lực trong cả nước.

Đương nhiên với bóng đá, cả hai yếu tố HLV giỏi và cầu thủ xuất sắc đều cần. Nhưng với quan điểm cá nhân tôi, bóng đá Việt Nam lúc này cần nhất một nhạc trưởng để có thể xốc lại nền bóng đá, như vậy mới có thể hy vọng có được nhiều cầu thủ và HLV giỏi sẵn sàng kế thừa nhau.

- Nếu VFF sa thải Toshiya Miura thì theo anh, huấn luyện viên nước nào phù hợp với đội tuyển Việt Nam?

- Tôi nghĩ, khi bóng đá thế giới đã toàn cầu hoá, các trường phái bóng đá có sự xích lại gần nhau. Vì thế, HLV nước nào dẫn dắt đội tuyển Việt Nam không quá quan trọng. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải chọn những HLV đến từ các nền bóng đá trên tầm Việt Nam. Điều quan trọng là các HLV này bên cạnh khả năng chuyên môn, phải nắm bắt được những vấn đề của bóng đá Việt Nam và biết phản biện.

Lâu nay chúng ta vẫn hay nói đến khái niệm: HLV đội tuyển Việt Nam phải hiểu bóng đá Việt Nam. Nếu hiểu không thì chưa đủ, bởi hiểu quá cộng với thói quen tình cảm của người Việt Nam rất dễ dẫn tới sự thỏa hiệp.

Chúng ta cần những người có thể chỉ ra những hạn chế và giúp bóng đá Việt Nam khắc phục điều đó.

- Quan điểm của anh như thế nào nếu chúng ta xây dựng đội tuyển Việt Nam từ lứa U19 của HAGL?

- Bầu Đức đã làm được một việc rất tốt khi gây dựng lứa U19 có lối chơi riêng biệt. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam chỉ nên chơi theo cách của U19 nếu lứa tuổi này có nhiều cầu thủ được đá chính ở tuyển.

Trên thực tế, các cầu thủ U19 vẫn còn non nớt, điều này thể hiện rất rõ tại V.League 2015. Bản thân tôi ngay từ khi U19 thành công vẫn luôn nói rằng cánh cửa vào đội U19 quốc gia vẫn phải luôn mở rộng để chào đón các cầu thủ đến từ nhiều đội bóng khác.

Bóng đá là môn thể thao đặc thù luôn có sự đào thải khốc liệt. Ngay cả với những nền bóng đá phát triển, việc một cầu thủ tài năng ở lứa tuổi 19-20 nhưng sau đó bị lụi tàn vẫn có thể xảy ra. Chưa kể tới một môi trường nhiều biến động như ở Việt Nam. 

'HLV Miura không phù hợp với bóng đá Việt Nam'

Trả lời trực tuyến độc giả Zing.vn, chuyên gia Vũ Mạnh Hải khẳng định, HLV Miura có nhiều sai lầm trong quá trình dẫn dắt ĐT Việt Nam và về lâu dài cần có phương án thay thế.

- Anh từng chia sẻ lối chơi của tuyển Thái Lan giờ rất đa dạng và có sự đồng bộ từ ĐTQG đến U23. HLV Miura cũng kiêm nhiệm dẫn dắt hai đội như Kiatisak nhưng tại sao ông chưa làm được điều này?

- Kiatisak thực sự là một con người tài năng. Sau khi giải nghệ, anh ta vận dụng tất cả những gì có được khi còn là một cầu thủ để mang lại cho Thái Lan một lối chơi bản sắc với mục tiêu hướng tới sân chơi World Cup.

Từng có dịp tiếp xúc với Kiatisak, tôi nhận thấy, đây là một con người gần như hoàn hảo. Anh ta nói với tôi, trong quãng thời gian thi đấu ở Anh, đã nỗ lực tập luyện gấp rưỡi các cầu thủ châu Âu nhưng vẫn không trụ lại được để rồi nhận thấy, sự khác biệt về cơ địa giữa Đông Nam Á và châu Âu quá lớn. Vì thế, khi xây dựng lối chơi cho Thái Lan, Kiatisak luôn chú ý tới những yếu tố để có thể phát huy tối đa điểm mạnh và hạn chế những điểm yếu có thể bộc lộ.

Cũng phải nói thêm Kiatisak đã rất may mắn khi nhận được niềm tin của lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Thái Lan - những người đã mạnh tay cho thôi việc các HLV danh tiếng để lựa chọn một người bản địa.

Nhận được sự tin tưởng, Kiatisak lập tức "đáp lễ" bằng việc nghỉ ngay công việc của người đại diện cho tập đoàn lớn tại Bangkok để chung sức đưa bóng đá Thái Lan tiến lên.

Cũng phải nói thêm một điều nữa là giải vô địch quốc gia của Thái Lan hiện nay được tổ chức rất tốt, bằng chứng là cũng nhà tài trợ đó nhưng rót vào Thai League số tiền gấp 10 lần V.League.

- Tại sao Việt Nam lại không có một người như Kiatisak. Theo anh, HLV nội nào của chúng ta có thể đủ sức dẫn dắt Đội tuyển Việt Nam?

- Phải nói thẳng rằng Thái Lan đi trước Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực. Nhiều năm trước, thể thao Thái Lan đã đạt tầm cỡ châu Á. Với một chân đế vững như thế, Thái Lan xứng đáng có được những con người như Kiatisak.

Quan điểm cá nhân của tôi là hiện nay vẫn chưa phải lúc để HLV nội dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Trong khi đó, V.League không còn là sân chơi dành cho những nhà cầm quân nước ngoài.

- Vậy bây giờ có phải là thời điểm chúng ta nên sa thải HLV Miura?

- Tôi nghĩ bây giờ không phải lúc để sa thải HLV Miura. Trước hết chúng ta cần có một hội đồng HLV thực sự uy tín về chuyên môn để có thể phản biện với ông Miura. Khi đã chỉ ra được những yếu kém không thể khắc phục của ông thì mới sa thải.

Sự thật là lâu nay những nhận định về HLV người Nhật Bản đều là quan điểm cá nhân nặng về cảm tính chứ chưa huy động được trí tuệ tập thể của những chuyên gia có uy tín.

- HLV Miura từng nói tâm lý của người Việt Nam rất tệ. Chúng ta nên làm gì để cải thiện tâm lý thi đấu, nhất là khi bị dẫn bàn?

- Với tôi, tâm lý thi đấu của một VĐV bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nền tảng tích luỹ. Nếu là một người được rèn luyện cơ bản, mọi thao tác tư duy đều ổn định thì sự bất ổn về tâm lý sẽ ít hơn những người có nền tảng không tới nơi tới chốn.

Các đội bóng hàng đầu thế giới đều có chuyên gia tâm lý. Ở Việt Nam, đây vẫn là khái niệm rất xa lạ. Tuy nhiên, tôi vẫn nhắc lại, sự chuẩn bị cho từng cá nhân mới là quan trọng, sự góp mặt của chuyên gia tâm lý chỉ mang tính thời điểm.

BLV Quang Huy đánh giá rất cao lối chơi của đội tuyển Thái Lan. Ảnh: Hoàng Hà.

- Lối đá của Thái Lan khá giống U19. Họ làm chúng ta mệt từ các đường chuyền ban bật. Thiết nghĩ chúng ta nên cải tổ lại đội bóng. Các cầu thủ già nên nghỉ và thay các lứa U19 hay U23?

- Tôi nghĩ, lối chơi của Thái Lan đa dạng hơn U19 Việt Nam nhiều. Họ cũng có những tiền đạo tốt để biến cơ hội thành bàn thắng. Vì thế, toàn đội luôn có sự hưng phấn, chủ động.

Tôi mong muốn bóng đá Việt Nam hãy làm theo người Đức, đấy là thành lập hội đồng HLV quốc gia với sự có mặt của các HLV đang làm việc tại V.League và những người dẫn dắt các đội tuyển. Những con người này sẽ định hướng lối chơi cho bóng đá Việt Nam. Phải có những nhà chuyên môn ở nhiều lứa tuổi khác nhau theo kiểu người thật việc thật thì những nhận định về chuyên môn mới có sức mạnh.

Tôi biết các HLV trẻ của Việt Nam rất có khả năng và ham học hỏi. Nếu không tận dụng chất xám của họ sẽ rất lãng phí. Các HLV trẻ của Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau vẫn ngần ngại khi dẫn dắt đội tuyển nhưng nếu cần sự tư vấn của họ, họ sẽ làm rất tốt.

- Công Vinh từng nói: "Bóng đá Việt Nam cần theo kịp các nước Đông Nam Á khác, trước khi muốn đuổi kịp Thái Lan". Anh nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi hiểu, Công Vinh muốn ám chỉ khả năng điều hành tổ chức chứ còn về tố chất đá bóng, đam mê và ảnh hưởng xã hội thì chúng ta không kém bất kỳ ai.

- Sự đồng bộ sẽ giúp cầu thủ chơi tốt khi lên tuyển mà không quá phụ thuộc vào HLV. Theo anh, chúng ta có nên chia sẻ giáo án huấn luyện lứa trẻ của HAGL ra tất cả tuyến trẻ của CLB khác?

- Đây là điều tôi hết sức mong muốn. Tuy nhiên, lúc này có lẽ chưa phù hợp với tình hình Việt Nam, bởi không đội bóng nào có được điều kiện và công nghệ đào tạo như HAGL. Giáo án của HAGL có thể để các đội bóng khác tham khảo chứ áp dụng giống hệt thì không nên vì điều kiện rất khác nhau.

- Nhiều người nói rằng “Việt Nam thiếu người cầm trịch tuyến giữa”. Phải chăng HLV Miura không nhận ra điều đó, hay ông cố phớt lờ những cầu thủ có đủ tố chất làm điều đó?

- Kể cả những đội bóng lớn không phải lúc nào cũng may mắn có được những người cầm trịch ở tuyến giữa. Một HLV giỏi là người biết xây dựng đội bóng dựa trên những gì mình có. Tôi nghĩ, lối đá dài của Miura cũng xuất phát từ việc đội tuyển không có người cầm trịch. Tuy nhiên, chúng ta lại không có những tiền đạo hợp với cách chơi này. Vì thế, lối chơi rất dễ đơn điệu và bế tắc.

- Sau một trận hay, đội tuyển Việt Nam lại đá một trận dở. Phải chăng chúng ta bị bắt bài?

- Tôi nghĩ nguyên nhân là vì nền tảng của bóng đá Việt Nam không vững nên không có được sự ổn định. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến vấn đề tư tưởng. Người Việt Nam chúng ta nói chung không dễ để có được sự thăng bằng sau những thành công.

Phỏng vấn trực tuyến: HLV Miura có phù hợp với bóng đá VN?

Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải và BLV Vũ Quang Huy sẽ trả lời phỏng vấn trực tuyến độc giả Zing.vn lúc 9h ngày 17/10 xung quanh năng lực của HLV Miura.

Tiểu Minh - Tiểu Uyên

Bạn có thể quan tâm