Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TTK Lê Hoài Anh: ‘VFF không phó mặc ĐTVN cho HLV Miura’

Tại buổi trả lời trực tuyến độc giả Zing.vn, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh thừa nhận, Thái Lan hiện đứng số 1, còn Việt Nam có vị trí trong nhóm đầu khu vực Đông Nam Á.

- Nếu VFF không sa thải HLV Miura, thì thời gian tới VFF sẽ giao chỉ tiêu như thế nào cho ông ấy (cụ thể là vòng chung kết U23 châu Á 2016). VFF có kế hoạch như thế nào để hỗ trợ HLV Miura hoàn thành tốt công việc?

- Các đội bóng lọt vào Vòng chung kết U23 châu Á thì đều trên tầm Việt Nam. Do vậy, quan trọng nhất ở giải đấu tới là tạo điều kiện cho các cầu thủ ở lứa tuổi dưới 22, đủ tuổi tham dự SEA Games 2017 được thi đấu với các đối thủ trên tầm. Đó là kinh nghiệm quý để chuẩn bị cho các giải đấu vừa tầm hơn cho ĐT U23 Việt Nam trong khu vực, đặc biệt là SEA Games 2017.

Ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có U23 Thái Lan và U23 Việt Nam giành quyền vào chơi Vòng chung kết. Thầy trò HLV Miura nằm ở bảng D cùng các đối thủ Australia, Jordan, UAE. Tôi hy vọng đội có một trận thắng trước các đối thủ này.

Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh (phải) trả lời trong buổi giao lưu trực tuyến độc giả Zing.vn. Ảnh: Hoàng Hà.

- Là một người trong ban lãnh đạo VFF, ông thấy cần có những hỗ trợ gì cho HLV Miura? Nếu sa thải HLV Miura, VFF có kế hoạch gì tiếp theo cho bóng đá Việt Nam?

- Theo tôi, quan điểm của HLV trong áp dụng chiến thuật mang dấu ấn cá nhân, mỗi HLV khi nhận trách nhiệm HLV trưởng đội bóng thì bao giờ cũng có điều khoản người đó sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm chuyên môn. Chỉ khi có quyền như vậy họ mới đảm bảo kết quả công việc của mình. Còn trách nhiệm của VFF giúp HLV về mặt định hướng chung, chứ không can thiệp vào việc cụ thể.

Nếu không sa thải HLV Miura, VFF vẫn có những kế hoạch chuẩn bị cho bóng đá Việt Nam trong thời gian tới. Trước mắt tại vòng chung kết U23 châu Á ở Qatar, VFF định hướng nòng cốt là các cầu thủ U19 năm 2014 và những cầu thủ này ở lứa tuổi để tham dự kỳ SEA Games 2017 ở Malaysia. Thứ hai, lực lượng ĐT Việt Nam sẽ được đan xen những cầu thủ có kinh nghiệm và cầu thủ trẻ để dần có lớp kế cận cho đội tuyển trong thời gian tiếp theo.

'HLV Miura rất buồn sau trận thua Thái Lan 0-3' Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh chia sẻ, không chỉ HLV Miura mà những thành viên VFF cũng rất buồn sau trận thua Thái Lan 0-3 ở vòng loại World Cup 2018 vừa qua.

- Triết lý bóng đá của HLV Miura hiện áp dụng có đúng với định hướng ban đầu mà VFF mong muốn hay không? Lối chơi như ông Miura đã áp dụng khi đá với các đội được đánh giá cửa trên là chuyền bóng dài lên cho tuyến trên như vậy có hợp lý với đội tuyển Việt Nam hay không?

- Triết lý bóng đá phụ thuộc vào nhân sự hiện có, và phụ thuộc vào từng đối thủ mà ĐT Việt Nam phải chạm trán. Thực sự chúng ta thường thấy thi đấu với đối thủ có trình độ thấp hơn thì lối chơi của đội rất hay, nhưng khi gặp đối thủ mạnh, chúng ta phải có những phương án để khắc chế họ. Tuy nhiên, các phương án đó không phải lúc nào cũng thành công.

Theo quan sát, tôi thấy một số trận đấu có những lối chơi khác nhau. Như trận Thái Lan, chúng ta cố gắng kiểm soát bóng ở trung tuyến nhưng kết quả lại không như mong muốn. Tuy nhiên, hiện nay trình độ cầu thủ Thái Lan vượt trội so với cầu thủ Việt Nam.

- Vai trò của Hội đồng HLV quốc gia ở đâu trong việc xây dựng lối chơi cho ĐT Việt Nam? Tại sao khi ĐT Việt Nam thi đấu không thành công, lại không có bất cứ ý kiến phản biện nào từ tổ chức này dù họ là những người tham vấn cho HLV Miura trong việc triệu tập nhân sự và xây dựng lối chơi?

- Hội đồng HLV Quốc gia cũng là hội đồng tư vấn cho Ban chấp hành và thường trực VFF. Hội đồng cũng cử người đi tuyển chọn vận động viên trên khắp cả nước cho các đội tuyển quốc gia.

Thật ra không thể nói ĐT Việt Nam thi đấu không thành công. Ví dụ trận gặp Iraq, không ai nghĩ chúng ta có thể hòa trên thế thắng đối thủ. Tuy nhiên, trận thua Thái Lan thì dễ hiểu bởi trong suốt hơn 10 năm qua chúng ta mới chỉ 2 lần giành chiến thắng trước người Thái. Tới đây, Hội đồng HLV quốc gia sẽ đổi mới, tập hợp những chuyên gia bóng đá có kinh nghiệm để có thể có những định hướng về mặt chiến lược trong tương lai. 

- Ông nhận định ra sao về việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam tiếp tục tin tưởng HLV Miura sau thất bại trước Thái Lan. Liên đoàn có nên nhìn lại cách phó thác công việc, trông chờ thay đổi từ ông Miura làm được cho đội tuyển?

- Liên đoàn không bao giờ phó thác vấn đề đội tuyển cho HLV Miura. Về chuyên môn và nhân sự thì luôn có sự trao đổi với HLV, nhưng luôn tôn trọng quyền quyết định của HLV trưởng, vì họ là người sẽ chịu trách nhiệm cao nhất với thành tích của đội.

Tất nhiên, đại diện của Liên đoàn có quyền nêu ra quan điểm của mình về nhân sự và lối chơi. Tuy nhiên, HLV trưởng là người sẽ quyết định nhân sự và chiến thuật trong từng trận đấu. Tôi biết, HLV Miura trước mỗi buổi tập có buổi họp một tiếng với các trợ lý.

Đồng thời, trước mỗi trận đấu ông cũng có tham khảo các trợ lý để nghiên cứu băng hình với các trợ lý nhằm tính toán chiến thuật cho trận đấu. Các cầu thủ thường xuyên được xem video cắt ra từ các pha phối hợp của đối thủ, đồng thời để tư duy cách thi đấu trong trận sắp tới. Do vậy, tôi nghĩ rằng trong đội tuyển luôn có sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao. Tuy nhiên, kết quả cũng có những trận chưa được như mong muốn.

- Bóng đá Việt Nam đang đứng ở đâu khi so về trình độ và tư duy của cầu thủ Việt Nam với các cầu thủ trong khu vực Đông Nam Á? Ông Miura đóng góp gì để Liên đoàn xây dựng và phát triển nền bóng đá nước nhà?

- Bóng đá Việt Nam hiện nay nằm trong các nước đứng đầu Đông Nam Á. Tuy nhiên, đối với vị trí số 1, rõ ràng ưu thế nghiêng về Thái Lan. Thành tích này thể hiện rất rõ qua các kỳ SEA Games, AFF Cup cũng như các giải đấu trong khu vực và châu lục. Bóng đá Thái Lan sau khi không vô địch SEA Games 2009, 2011 họ đã trở lại mạnh mẽ trong năm 2013, 2015.

Thực ra, bóng đá trẻ Việt Nam trong những năm gần đây đã chú trọng hơn đến công tác đào tạo. Có một số CLB có hệ thống đào tạo trẻ tốt như SLNA, HAGL, Hà Nội T&T, PVF và Viettel... và rất nhiều đơn vị khác. Tuy nhiên, một trong những hạn chế là cập nhật những kiến thức hiện đại trong quá trình đào tạo trẻ. Hiện nay, bắt đầu có một số HLV được tham dự khóa học HLV chuyên nghiệp do VFF phối hợp với Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tổ chức. HLV cũng có những hạn chế về kiến thức ngoại ngữ, nên khó tiếp cận. Điều kiện các trang thiết bị trong đào tạo cũng chưa được chú trọng. Việc áp dụng công nghệ, khoa học thể thao chưa được quan tâm nhiều. Do vậy, trừ một số đơn vị làm tốt, chúng ta còn một khoảng cách khá xa so với các nước ở khu vực châu Á.

- Ông nghĩ sao khi thuê huấn luyện viên ngoại, họ toàn quyền quyết định, ngược lại huấn luyện viên nội khi lên tuyển lại không có nhưng đặc cách như vậy? Tôi thấy HLV Nguyễn Hữu Thắng có năng lực và những ưu điểm để dẫn dắt đội U23, Liên đoàn đã bao giờ đặt vấn đề này với HLV Hữu Thắng?

- Nguyên tắc trong công việc của bất cứ HLV nội hay ngoại họ đều có quyền quyết định mọi chuyện liên quan chuyên môn và cách sử dụng nhân sự.

Trong những năm trước đây VFF đã 2 lần sử dụng các HLV trong nước làm HLV trưởng ĐTQG. Nhưng kết quả không được như mong muốn. HLV trong nước phải chịu áp lực hơn rất nhiều lần so với HLV ngoại. Do họ thường xuất thân từ một CLB nên dư luận đặt ra vấn đề họ có công tâm trong việc lựa chọn cầu thủ hay không.

Tất nhiên là HLV chuyên nghiệp thì họ phải chấp nhận thách thức đó. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng không chỉ đến với HLV mà còn gây áp lực với các thành viên của gia đình họ. Đấy là một trong những khó khăn lớn của HLV nội.

- Quan điểm của ông thế nào về việc HLV Miura chỉ nên nắm một đội: U23 hoặc tuyển quốc gia?

- Đặc trưng của lịch thi đấu bóng đá khu vực Đông Nam Á là có 2 nhiệm vụ. Một là giải AFF Cup và hai là SEA Games. Vì vậy, trong một chu kỳ, HLV phải giải quyết các nhiệm vụ theo thứ tự giải đấu. Việc nắm 2 đội tuyển cũng sẽ giúp cho HLV có cái nhìn toàn diện hơn về nhân sự để có lớp kế cận cho ĐTQG.

Tuy nhiên, năm 2015 có những bất cập trong lịch thi đấu khi SEA Games tổ chức vào tháng 6. Do vậy việc tập trung 2 đội cùng một thời gian khiến HLV quá tải. Nhưng chúng tôi đánh giá HLV Miura đã có sự phân công để có thể hoàn thành công việc trong thời gian U23 chuẩn bị cho SEA Games và ĐTQG chuẩn bị Vòng loại World Cup 2018.

- Việc VFF ký hợp đồng với HLV Miura là nằm trong kế hoạch hợp tác với LĐBĐ Nhật Bản. Vậy việc VFF không sa thải ông Miura là vì vẫn còn tiếp tục tin tưởng huấn luyện viên người Nhật Bản hay sợ mất lòng LĐBĐ Nhật Bản?

- Tôi khẳng định là hợp đồng giữa VFF và HLV Miura là hợp đồng chuyên nghiệp. Do vậy, trong hợp đồng có những nguyên tắc để áp dụng trong những trường hợp giải quyết hợp đồng.

- Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã có kế hoạch gì nhằm nâng cao trình độ của những nguời quản lý cũng như những người làm chuyên môn, chẳng hạn như cử một số người ra nước ngoài để học tập rồi quay trở lại làm việc chưa?

- VFF đã có những HLV theo học bằng chuyên nghiệp do AFC tổ chức. Với các học phần được tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau. Điều này giúp cho họ tiếp cận với các kiến thức huấn luyện bóng đá tiên tiến. Ví dụ HLV Hoàng Anh Tuấn (Thụy Sỹ), Nguyễn Hữu Thắng (Đức), Mai Đức Chung  (Czech)... và nhiều HLV khác nữa.

Đối với cấp quản lý thường xuyên có những chuyên gia về quản lý, về pháp lý nước ngoài đến giảng dạy các khóa quản lý hành chính, giúp nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Có thể nói, VFF là liên đoàn thể thao có bộ máy hoạt động chuyên nghiệp theo các quy chế rõ ràng hàng đầu trong các Hiệp hội, Liên đoàn thể thao quốc gia.

- Vậy khi nào VFF mới xây dựng công tác đào tạo đội trẻ cách bài bản?

- Hơn 1 năm trước đây, bắt đầu nhiệm kỳ VFF khóa VII, chúng tôi cũng đã có những quyết sách để thúc đẩy công tác đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Thứ nhất, về đồng bộ hóa lứa tuổi giải trẻ trong nước phù hợp với các giải của AFC. Thứ hai, duy trì hệ thống các giải trẻ trong nước và hệ thống tuyển chọn vận động viên cho các đội tuyển quốc gia. Thứ ba, tăng cường giao hữu giữa đội trẻ Việt Nam với các đội bóng quốc tế. Thứ tư, tổ chức thêm các giải đấu cho lứa tuổi nhỏ mà không có dịp thi đấu nhiều, ví dụ như giao hữu U16 nữ, tăng các trận đấu giao hữu giúp các em có điều kiện tăng cường kinh nghiệm thi đấu.

'HLV Miura không phù hợp với bóng đá Việt Nam'

Trả lời trực tuyến độc giả Zing.vn, chuyên gia Vũ Mạnh Hải khẳng định, HLV Miura có nhiều sai lầm trong quá trình dẫn dắt ĐT Việt Nam và về lâu dài cần có phương án thay thế.


Tùng Lê - Đức Mạnh

Bạn có thể quan tâm