Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'HLV Miura không phù hợp với bóng đá Việt Nam'

Trả lời trực tuyến độc giả Zing.vn, chuyên gia Vũ Mạnh Hải khẳng định, HLV Miura có nhiều sai lầm trong quá trình dẫn dắt ĐT Việt Nam và về lâu dài cần có phương án thay thế.

'HLV Miura không hiểu nhiều về bóng đá Việt Nam' Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải cho rằng, HLV Miura không phù hợp với bóng đá Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
Phỏng vấn trực tuyến: HLV Miura có phù hợp với bóng đá Việt Nam?
Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải và bình luận viên Vũ Quang Huy bày tỏ quan điểm, trả lời trực tuyến độc giả Zing.vn về chủ đề "HLV Miura có phù hợp với bóng đá Việt Nam?".
  • 2015-10-17 09:00+0700
  • Hà Nội
Đặt câu hỏi

Tự động cập nhật sau 30 giây

  • Bạn Bùi Thế Hùng hỏi:

    Nhìn chung mọi người hiện có quan điểm riêng mang tính tiêu cực về HLV Miura. Là một người trong ban lãnh đạo VFF, ông thấy cần có những hỗ trợ gì cho HLV Miura? Nếu sa thải HLV Miura, VFF có kế hoạch gì tiếp theo cho bóng đá Việt Nam?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh

    Theo tôi, quan điểm của HLV trong áp dụng chiến thuật mang dấu ấn cá nhân, mỗi HLV khi nhận trách nhiệm HLV trưởng đội bóng thì bao giờ cũng có điều khoản người đó sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm chuyên môn. Chỉ khi có quyền như vậy họ mới đảm bảo kết quả công việc của mình. Còn trách nhiệm của VFF giúp HLV về mặt định hướng chung, chứ không can thiệp vào việc cụ thể. 

    Nếu không sa thải HLV Miura, VFF vẫn có những kế hoạch chuẩn bị cho bóng đá Việt Nam trong thời gian tới. Trước mắt là về lực lượng cầu thủ sử dụng cho vòng chung kết U23 châu Á ở Qatar. VFF định hướng nòng cốt là các cầu thủ U19 năm 2014 và những cầu thủ này ở lứa tuổi để tham dự kỳ SEA Games 2017 ở Malaysia. Thứ 2, lực lượng ĐTVN sẽ được đan xen những cầu thủ có kinh nghiệm và cầu thủ trẻ để dần dần có lớp kế cận cho đội tuyển trong thời gian tiếp theo. 

  • Bạn Võ Thiện hỏi:

    Thưa ông Vũ Mạnh Hải, các chuyên gia bóng đá Việt Nam chê nhiều hơn khen ông HLV Miura thời gian qua, nhưng không có một HLV nào dũng cảm tự ứng cử vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG? Theo ông, đâu là lý do?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Các huấn luyện viên nội không mặn mà vì chính sách của VFF chưa thực sự phù hợp. Khi thành công thì không sao nhưng khi thất bại dễ phải đối mặt với sức ép rất lớn từ dư luận. Riêng về HLV ngoại, VFF chưa thực sự có cơ chế bảo vệ họ mỗi khi đối mặt với thất bại. Hiện tại, tôi nghĩ không dễ tìm kiếm người có thể ngồi vào ghế nóng của đội tuyển Việt Nam.

  • Bạn Huỳnh Thanh hỏi:

    Triết lý bóng đá của HLV Miura hiện áp dụng có đúng với định hướng ban đầu mà VFF mong muốn hay không? Lối chơi như Ông Miura đã áp dụng khi đá với các đội được đánh giá cửa trên là chuyền bóng dài lên cho tuyến trên như vậy có hợp lý với đội tuyển Việt Nam hay không?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh

    Triết lý bóng đá phụ thuộc vào nhân sự hiện có, và phụ thuộc vào từng đối thủ mà ĐTVN phải chạm trán. Thực sự chúng ta thường thấy thi đấu với đối thủ có trình độ thấp hơn thì lối chơi của đội rất hay, nhưng khi gặp đối thủ mạnh, chúng ta phải có những phương án để khắc chế họ. Tuy nhiên, các phương án đó không phải lúc nào cũng thành công. 

    Theo quan sát, tôi thấy một số trận đấu có những lối chơi khác nhau. Như trận Thái Lan, chúng ta cố gắng kiểm soát bóng ở trung tuyến nhưng kết quả lại không như mong muốn. Tuy nhiên, hiện nay trình độ cầu thủ Thái Lan vượt trội so với cầu thủ Việt Nam. 

  • Bạn Đoàn hỏi:

    Là người bình luận và theo dõi đội tuyển Việt Nam nhiều năm, theo anh, đây có phải là đội tuyển Việt Nam gây thất vọng nhất? Tại sao VFF không sử dụng lứa U19 năm 2013 làm nòng cốt để phát triển lối đá đẹp, nâng tầm bóng đá Việt Nam?

    BLV Quang Huy

    Tôi không nghĩ đây là đội tuyển Việt Nam gây thất vọng nhất. Nói chung nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam chưa có sự ổn định. Bên cạnh những cái được vẫn tồn tại những điều làm cho khán giả buồn lòng. 

    Việc không sử dụng lứa U19 năm 2013 làm nòng cốt hoàn toàn do quan điểm của HLV Miura. Tôi rất tiếc khi VFF đã đặt niềm tin vào ông thầy người Nhật Bản mà không có những tư vấn cần thiết. Sẽ rất tốt nếu có sự kết hợp hài hòa giữa những cầu thủ có kinh nghiệm và lứa cầu thủ trẻ.  

  • Bạn Nguyễn Minh Tuấn hỏi:

    Theo chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải, nếu HLV Miura tiếp tục duy trì phong cách chiến thuật như hiện tại thì đội tuyển Việt Nam có đạt được kết quả khả quan ở các giải đấu sắp tới hay không?

    Chuyên gia Vũ Mạnh Hải

    Tôi nghĩ HLV Miura khó giành được những kết quả khả quan. Chiến lược gia người Nhật Bản chưa định hình được lối chơi và bộ khung cho đội tuyển. Những trận gần đây đội tuyển Việt Nam chơi bóng dài và không thật phù hợp với phong cách của các cầu thủ Việt Nam như thời HLV Henrique Calisto. Hơn nữa, ông Miura vốn là nhà cầm quân chưa có tiếng tại Nhật Bản và sau hơn 1 năm dẫn dắt, ông cũng chưa thật sự hiểu về con người cũng như điểm mạnh yếu của các học trò.

  • Bạn Nguyễn Hiếu hỏi:

    Theo anh, trong tất cả HLV thì nhà cầm nào phù hợp với lối chơi của Việt Nam nhất?

    BLV Quang Huy

    Tôi vẫn nghĩ đó là ông Calisto. Ông vừa hiểu bóng đá Việt Nam, có sự thông cảm đối với những người làm bóng đá, lại vừa chỉ ra những cái chưa được với tư duy của một người châu Âu để giúp bóng đá Việt Nam phát triển. 

  • Bạn Hoàng Đăng hỏi:

    Vai trò của Hội đồng HLV quốc gia ở đâu trong việc xây dựng lối chơi cho ĐT Việt Nam? Tại sao khi ĐT Việt Nam thi đấu không thành công, lại không có bất cứ ý kiến phản biện nào từ tổ chức này dù họ là những người tham vấn cho HLV Miura trong việc triệu tập nhân sự và xây dựng lối chơi?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh

    Hội đồng HLV Quốc gia cũng là hội đồng tư vấn cho Ban chấp hành và thường trực VFF. Hội đồng cũng cử người đi tuyển chọn vận động viên trên khắp cả nước cho các đội tuyển quốc gia. 

    Thật ra không thể nói ĐTVN thi đấu không thành công. Ví dụ như trận Iraq, không ai nghĩ chúng ta có thể hòa trên thế thắng đối thủ. Tuy nhiên, trận thua Thái Lan thì dễ hiểu bởi trong suốt hơn 10 năm qua chúng ta mới chỉ 2 lần giành chiến thắng trước người Thái. Tới đây, Hội đồng HLV quốc gia sẽ đổi mới, tập hợp những chuyên gia bóng đá có kinh nghiệm để có thể có những định hướng về mặt chiến lược trong tương lai.  

  • Bạn Ngô Dương Trung hỏi:

    Lối chơi rắn và không ngại va chạm liệu có phù hợp với thể trạng nhỏ bé của người Việt Nam? Quan điểm của anh về điều này là thế nào?

    BLV Quang Huy

    Tôi nghĩ là không phù hợp, kể cả với những cầu thủ Việt Nam rất dẻo dai, nếu va chạm nhiều sẽ tiêu hao rất nhiều sức lực bởi thể hình và cơ địa người Việt Nam có hạn. Theo tôi, lối chơi mà ông Calisto lựa chọn trước đây vẫn phù hợp nhất với các cầu thủ Việt Nam. Tôi từng chứng kiến ông lấy hình ảnh du kích Việt Nam để các học trò hiểu hơn về lối chơi sẽ phải áp dụng. 

  • Bạn Ngô Đức Trung hỏi:

    Tại sao chúng ta không xây dựng nền móng đội tuyển quốc gia từ lứa U19 có kỹ thuật cơ bản tốt (chỉ thiếu kinh nghiệm và sức mạnh)? Nếu cứ chắp vá đội hình như hiện tại thì khi nào đội tuyển Việt Nam mới vô địch SEA Games?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Đây là một câu hỏi rất thú vị. Tôi nghĩ ban đầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng hoạch định xây dựng nền móng từ lứa U19 của HAGL. Tuy nhiên, các vị lãnh đạo VFF lại có những bước đi chưa thật chính xác khi để HLV Miura toàn quyền trong việc áp dụng chiến thuật và lựa chọn cầu thủ không phù hợp. Tôi nghĩ nếu VFF có thể tham khảo ý kiến nhiều hơn từ các chuyên gia, chúng ta có lẽ không bỏ lỡ thời cơ ở lứa U19 này.

  • Bạn Tư Lâm hỏi:

    Thưa bác Vũ Mạnh Hải! Bác có nghĩ chúng ta nên để HLV Miura rời khỏi ghế HLV U23 ngay từ lúc này hay không?

    Chuyên gia Vũ Mạnh Hải

    Tôi nghĩ chúng ta nên kết thúc hợp đồng với ông Miura.

  • Bạn Mai Xuân Ngọc hỏi:

    Ông nhận định ra sao về việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam tiếp tục tin tưởng HLV Miura sau thất bại trước Thái Lan. Liên đoàn có nên nhìn lại cách phó thác công việc, trông chờ thay đổi từ ông Miura làm được cho đội tuyển?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh

    Liên đoàn không bao giờ phó thác vấn đề đội tuyển cho HLV Miura. Về chuyên môn và nhân sự thì luôn có sự trao đổi với HLV, nhưng luôn tôn trọng quyền quyết định của HLV trưởng, vì họ là người sẽ chịu trách nhiệm cao nhất với thành tích của đội. 

    Tất nhiên, đại diện của Liên đoàn có quyền nêu ra quan điểm của mình về nhân sự và lối chơi. Tuy nhiên, HLV trưởng là người sẽ quyết định nhân sự và chiến thuật trong từng trận đấu. Tôi biết, HLV Miura trước mỗi buổi tập có buổi họp 1 tiếng với các trợ lý. Đồng thời, trước mỗi trận đấu ông cũng có tham khảo các trợ lý để nghiên cứu băng hình với các trợ lý nhằm tính toán chiến thuật cho trận đấu. Các cầu thủ thường xuyên được xem clip cắt ra từ các pha phối hợp của đối thủ, đồng thời để tư duy cách thi đấu trong trận sắp tới. Do vậy, tôi nghĩ rằng trong đội tuyển luôn có sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao. Tuy nhiên, kết quả cũng có những trận chưa được như mong muốn. 

  • Bạn Hải Minh hỏi:

    HLV Miura dẫn dắt đội tuyển Việt Nam hoặc U23 Việt Nam thi đấu rất khởi sắc khi ở thế dưới cơ rõ ràng như trận thắng Olympic Iran ở ASIAD hay hòa Iraq ở vòng loại World Cup mới đây. Nhưng khi gặp những đội bóng yếu hơn hoặc ngang sức, đội chơi không thuyết phục. Theo ông, nguyên nhân vì đâu?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Khi ở thế "chiếu dưới", chúng ta thi đấu máu lửa và nhiệm vụ cũng được xác định rõ ràng, tập trung phòng ngự, phá bóng nhiều hơn là tổ chức lối chơi. Bản thân chúng ta không chịu nhiều áp lực về mặt tâm lý. Còn ở thế "cửa trên", lối chơi của chúng ta tỏ ra thiếu sáng tạo, đôi khi thể hiện tư duy chủ quan và không áp đặt được thế trận khi yếu tố con người còn hạn chế.

  • Bạn việt nam tôi yêu! hỏi:

    HLV Miura áp dụng lối đá chuyền bóng dài nhưng ông lại chọn những tiền đạo không nhanh hoặc không có tố chất tạo ra đột biến? Liệu cách chọn người nhà cầm quân người Nhật có vấn đề?

    BLV Quang Huy

    Tôi nghĩ ông Miura lựa chọn lối chơi này vì hiện nay bóng đá Việt Nam không có cầu thủ cầm trịch ở giữa sân. Mặc dù vậy theo tôi, vẫn có thể có những cách chơi khác thay vì lối chuyền bóng dài lên cho tiền đạo. Đây là cách đá phổ biến ở V-League nhưng đó là với những tiền đạo nước ngoài. Các tiền đạo Việt Nam không phù hợp với cách chơi đó. 

  • Bạn Nguyễn Trọng Nghĩa hỏi:

    Anh có thể cho biết quan điểm về chiến thuật HLV Miura sau hơn một năm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam? Khoảng thời gian trên đã đủ để nhà cầm quân người Nhật hiểu và xây dựng lối chơi cho đội tuyển?

    BLV Quang Huy

    Đến lúc này, chiến thuật của HLV Miura chưa rõ ràng. Theo tôi nghĩ, điều này xuất phát từ việc ông chưa hiểu về bóng đá Việt Nam. Đây là điều hết sức nguy hiểm bởi ông đã làm việc được một năm rưỡi rồi. Có cảm giác nhiều lúc nhà cầm quân người Nhật Bản bị rối và cảm thấy bất an, mặc dù ông luôn giữ một vẻ ngoài rất bình thản. Đây không hoàn toàn là lỗi của ông. 

  • Bạn Phùng Quang Thắng hỏi:

    Là một chuyên gia về bóng đá, ông suy nghĩ gì về việc một huấn luyện viên cứ mỗi trận lại thay đổi một đội hình mới và nhân sự mới như HLV Miura?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Tôi cho rằng cách thức xây dựng đội tuyển của ông Miura không thật chính xác. Thường mỗi đội tuyển luôn phải có một bộ khung và từ bộ khung đó sẽ bổ sung thêm những nhân tố mới để tạo nên sự ổn định, ăn ý về mặt lối chơi.

  • Bạn Lê Đình Mỹ hỏi:

    Bóng đá Việt Nam đang đứng ở đâu khi so về trình độ và tư duy của cầu thủ Việt Nam với các cầu thủ trong khu vực Đông Nam Á? Ông Miura đóng góp gì để Liên đoàn xây dựng và phát triển nền bóng đá nước nhà?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh

    Bóng đá VN hiện nay nằm trong các nước đứng đầu Đông Nam Á. Tuy nhiên, đối với vị trí số 1, rõ ràng ưu thế nghiêng về Thái Lan. Thành tích này thể hiện rất rõ qua các kỳ SEA Games, AFF Cup cũng như các giải đấu trong khu vực và châu lục. 

    Bóng đá Thái Lan sau khi không vô địch SEA Games 2009, 2011 họ đã trở lại mạnh mẽ trong năm 2013, 2015. 

    Thực ra bóng đá trẻ Việt Nam trong những năm gần đây đã chú trọng hơn đến công tác đào tạo. Có một số CLB có hệ thống đào tạo trẻ tốt như SLNA, HAGL, Hà Nội T&T, PVF và Viettel... và rất nhiều đơn vị khác. Tuy nhiên, một trong những hạn chế là cập nhật những kiến thức hiện đại trong quá trình đào tạo trẻ. Hiện nay, bắt đầu có một số HLV được tham dự khóa học HLV chuyên nghiệp do VFF phối hợp với Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tổ chức. HLV cũng có những hạn chế về kiến thức ngoại ngữ, nên khó tiếp cận. Điều kiện các trang thiết bị trong đào tạo cũng chưa được chú trọng. Việc áp dụng công nghệ, khoa học thể thao chưa được quan tâm nhiều. Do vậy, trừ một số đơn vị làm tốt, chúng ta còn một khoảng cách khá xa so với các nước ở khu vực châu Á. 

  • Bạn Phan Huỳnh Hưng hỏi:

    Đội tuyển Việt Nam cần bao nhiêu huấn luyện viên nữa mới có thể thi đấu khởi sắc, qua đó đáp ứng đòi hỏi của người hâm mộ nước nhà?

    BLV Quang Huy

    Tôi nghĩ vấn đề không nằm ở các HLV mà ở bộ máy điều hành Liên đoàn. Nghĩ lại tôi vô cùng tiếc khi hiếm có quốc gia nào yêu bóng đá như Việt Nam. Chúng ta đang để lãng phí một tài sản vô giá. 

  • Bạn phạm quốc bảo hỏi:

    Chú Quang Huy đánh giá thế nào về chuyên môn của HLV Miura?

    BLV Quang Huy

    Tôi vẫn nghĩ ông Miura là một HLV tốt, được đào tạo bài bản đến từ một nền bóng đá vượt trội so với Việt Nam. Vấn đề là ông ta quá đơn độc. Tôi đã nhận ra điều này sau AFF Cup 2014 và phát biểu trên nhiều diễn đàn nhưng đáng tiếc, mọi việc vẫn không chuyển biến kể từ đó tới nay. 

  • Bạn Phùng Quang Thắng hỏi:

    Ông nghĩ sao khi thuê huấn luyện viên ngoại, họ toàn quyền quyết định, ngược lại huấn luyện viên nội khi lên tuyển lại không có nhưng đặc cách như vậy? Tôi thấy HLV Nguyễn Hữu Thắng có năng lực và những ưu điểm để dẫn dắt đội U23, Liên đoàn đã bao giờ đặt vấn đề này với HLV Hữu Thắng?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh

    Nguyên tắc trong công việc của bất cứ HLV nội hay ngoại họ đều có quyền quyết định mọi chuyện liên quan chuyên môn và cách sử dụng nhân sự. 

    Trong những năm trước đây VFF đã 2 lần sử dụng các HLV trong nước làm HLV trưởng ĐTQG. Nhưng kết quả không được như mong muốn. HLV trong nước phải chịu áp lực hơn rất nhiều lần so với HLV ngoại. Do họ thường xuất thân từ 1 CLB nên dư luận đặt ra vấn đề họ có công tâm trong việc lựa chọn cầu thủ hay không. 

    Tất nhiên là HLV chuyên nghiệp thì họ phải chấp nhận thách thức đó. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng không chỉ đến với HLV mà còn gây áp lực với các thành viên của gia đình họ. Đấy là một trong những khó khăn lớn của HLV nội. 

  • Bạn Phan Quốc Chân Trân hỏi:

    Tại sao HLV Miura không thay đổi lối đá của ĐTVN? Thái Lan sở hữu lối đá hay, các cầu thủ của họ đều có khả năng sút xa rất tốt, tại sao ĐTVN không làm được vậy? HLV Kiatisak đã tham khảo tất cả những trận đấu của ĐTVN, HLV Miura có làm vậy không?

    BLV Quang Huy

    Riêng về trận đấu với Thái Lan vừa qua, tôi nghĩ thất bại 0-3 là vì Thái Lan hơn hẳn Việt Nam. Chưa bao giờ người Thái có một đội tuyển chơi biến hoá như hiện nay. 

    Hiện nay, họ có rất nhiều phương án tấn công và nhiều cầu thủ có thể giải quyết trận đấu thay vì cách chơi dựa vào Kiatisuk, Surachai hay Thonglao trước đây. Họ có thể chơi pressing, phản công, thậm chí có những pha bóng theo kiểu tiki-taka đều nhuần nhuyễn. Khi bế tắc, họ sẵn sàng tung ra những cú sút ngoài vòng cấm. 

    Bên cạnh trình độ chênh lệch, cũng phải kể tới việc một số cầu thủ Việt Nam không còn là chính mình khi gặp Thái Lan. Dường như khi gặp Việt Nam, Thái Lan luôn ẩn chứa điều gì đó bí ẩn, cái này có thể đến từ việc người Thái làm việc rất nghiêm túc và luôn hiểu rõ đối thủ. 

  • Bạn Nguyễn Ngọc Tuấn hỏi:

    Ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng cần thuê HLV ngoại đẳng cấp và đào tạo dài hạn lứa Công Phượng mới có cửa thắng Thái Lan. Anh nghĩ sao về quan điểm này?

    BLV Quang Huy

    Đây là quan điểm đúng nhưng tôi nghĩ chưa đủ. Thực tế, đến bây giờ, lứa U19 của Công Phượng vẫn là đội tuyển Việt Nam duy nhất khi đá với Thái Lan ở cùng độ tuổi mà có khả năng cuốn đối thủ theo lối chơi của mình.

    Tuy nhiên, đây chỉ là một ngoại lệ. Để mạnh một cách toàn diện, ngoài HLV giỏi và những học viện bóng đá tốt, cần phải có một nền móng vững chắc từ bóng đá học đường. Thái Lan luôn làm rất tốt điều này. Nhờ hệ thống bóng đá học đường rất phát triển, người Thái thậm chí có thể tuyển chọn các đội tuyển trẻ một cách công khai, trên phạm vi cả nước, qua đó, không bỏ sót nhân tài và tìm ra những cầu thủ tốt nhất mà không cần phải đóng khung trong một đội tuyển ăn tập với nhau cả năm. 

  • Bạn Đinh Khắc Bình hỏi:

    Quan điểm của ông thế nào về việc HLV Miura chỉ nên nắm một đội tuyển: tuyển U23 hoặc đội tuyển quốc gia?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh

    Đặc trưng của lịch thi đấu bóng đá khu vực Đông Nam Á là có 2 nhiệm vụ. Một là giải AFF Cup và hai là SEA Games. Vì vậy, trong một chu kỳ, HLV phải giải quyết các nhiệm vụ theo thứ tự giải đấu. Việc nắm 2 đội tuyển cũng sẽ giúp cho HLV có cái nhìn toàn diện hơn về nhân sự để có lớp kế cận cho ĐTQG. 

    Tuy nhiên, năm 2015 có những cái bất cập trong lịch thi đấu khi SEA Games tổ chức vào tháng 6. Do vậy việc tập trung 2 đội cùng một thời gian khiến HLV quá tải. Nhưng chúng tôi đánh giá HLV Miura đã có sự phân công để có thể hoàn thành công việc trong thời gian U23 chuẩn bị cho SEA Games và ĐTQG chuẩn bị Vòng loại World Cup 2018. 

  • Bạn Nguyễn Hồ Quốc Huy hỏi:

    Nếu HLV Miura từ chức, ông nghĩ chúng ta nên sử dụng nhà cầm quân nội hay ngoại thì hợp lý hơn?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Trong thời điểm hiện tại, tôi nghĩ chúng ta có thể tiến cử một HLV nội, người am hiểu tình hình bóng đá trong nước và có uy tín. Còn nếu mời một nhà cầm quân ngoại có trình độ tương đương như ông Miura thì không nên. Bản thân tôi rất thích những huấn luyện viên người Nhật Bản nhưng cần yêu cầu trình độ cao.

  • Bạn Hoàng Nguyên hỏi:

    Việc VFF ký hợp đồng với HLV Miura là nằm trong một kế hoạch hợp tác với LĐBĐ Nhật Bản. Vậy việc VFF không sa thải ông Miura là vì vẫn còn tiếp tục tin tưởng huấn luyện viên người Nhật Bản hay sợ mất lòng LĐBĐ Nhật Bản?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh

    Tôi khẳng định là hợp đồng giữa VFF và HLV Miura là hợp đồng chuyên nghiệp. Do vậy, trong hợp đồng có những nguyên tắc để áp dụng trong những trường hợp giải quyết hợp đồng. 

  • Bạn Đàm Văn Hòa hỏi:

    Với trình độ của các tuyển thủ hiện nay, ngay cả khi đội tuyển Việt Nam được dẫn dắt bởi huấn luyện viên xuất sắc thế giới liệu có đáp ứng được đòi hỏi của người hâm mộ: Ra quân là thắng?

    BLV Quang Huy

    Hoàn toàn không phải như thế. Bóng đá là môn thể thao đòi hỏi một nền tảng vững chắc, những gì thuộc về "bón thúc" chỉ có thể tạo ra đột biến nhất thời, không thể mang lại thành công lâu dài và bền vững. 

  • Bạn Đinh Viết Học hỏi:

    Nếu VFF mời được Jose Mourinho hay một HLV tài ba khác về huấn luyện thì đội tuyển Việt Nam liệu có đá trên chân Thái Lan? Bóng đá Việt Nam hiện nay cần HLV xuất chúng hay cầu thủ giỏi?

    BLV Quang Huy

    Tôi nghĩ Mourinho hay bất kỳ HLV tài ba nào khác đều không thể nâng tầm bóng đá Việt Nam ngay tức khắc, đó vẫn chỉ là cái mà ông Riedl trước đây gọi là xây nhà từ nóc. Tôi nghĩ là lúc này bóng đá Việt Nam cần nhất là một nền tảng vững chắc để có thể huy động được tình yêu bóng đá của người hâm mộ và những nguồn lực trong cả nước. 

     

    Đương nhiên với bóng đá, cả hai yếu tố HLV giỏi và cầu thủ xuất sắc đều cần. Nhưng với quan điểm cá nhân tôi, bóng đá Việt Nam lúc này cần nhất một nhạc trưởng để có thể sốc lại nền bóng đá, như vậy mới có thể hy vọng có được nhiều cầu thủ và HLV giỏi sẵn sàng kế thừa nhau. 

  • Bạn nguyen kien hỏi:

    Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã có kế hoạch gì nhằm nâng cao trình độ của những nguời quản lý cũng như những người làm chuyên môn, chẳng hạn như cử một số người ra nước ngoài để học tập rồi quay trở lại làm việc chưa?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh

    VFF đã có những HLV theo học bằng chuyên nghiệp do AFC tổ chức. Với các học phần được tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau. Điều này giúp cho họ tiếp cận với các kiến thức huấn luyện bóng đá tiên tiến. Ví dụ như HLV Hoàng Anh Tuấn (Thụy Sỹ), Nguyễn Hữu Thắng (Đức), Mai Đức Chung  (Czech)... và nhiều HLV khác nữa. 

    Đối với cấp quản lý thường xuyên có những chuyên gia về quản lý, về pháp lý nước ngoài đến giảng dạy các khóa quản lý hành chính, giúp nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Có thể nói, VFF là liên đoàn thể thao có bộ máy hoạt động chuyên nghiệp theo các quy chế rõ ràng hàng đầu trong các Hiệp hội, Liên đoàn thể thao quốc gia. 

  • Bạn Nguyễn Tấn Đạt hỏi:

    Theo ông, tại sao chúng ta không học cách làm bóng đá của người Thái?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Chúng ta rất nên học tập người Thái. Họ có nền văn hóa, con người khá tương đồng với Việt Nam. Họ xây dựng nền bóng đá dựa trên nền tảng các câu lạc bộ, từ đào tạo trẻ, tài chính và tổ chức các giải đấu theo hướng rất chuyên nghiệp. Trong khi ở Việt Nam, các câu lạc bộ được xét chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay và cũng chưa thực sự tự chủ được vấn đề tài chính.

  • Bạn Nguyễn Thái Bảo hỏi:

    Tại sao HLV Miura ưa thích sử dụng những cầu thủ thiên về sức mạnh thay vì những người có tố chất kỹ thuật tốt như Tuấn Anh?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Có lẽ đó là quan điểm của HLV Miura. Ông ấy thiên nhiều về lối chơi thể lực theo phong cách thực dụng của Đức. Điều đó cũng chứng tỏ ông ấy chưa thực sự hiểu nhiều về bóng đá Việt Nam.

  • Bạn Kimbo hỏi:

    Thưa ông Vũ Mạnh Hải, tại sao Tuấn Anh và Xuân Trường lại không được sử dụng, xin phân tích rõ hơn họ thua cặp Huy Hùng, Duy Mạnh hay Hoàng Thịnh ở điểm nào?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Đây là quan điểm dụng người của mỗi HLV. Ông Miura muốn các tiền vệ trung tâm phải có thể lực và khả năng tranh chấp bóng tốt. Phong cách này sẽ phù hợp với lối chơi thiên về phòng ngự của ông ấy. Trong khi Tuấn Anh và Xuân Trường khéo léo, nhãn quan chiến thuật tốt, phù hợp với lối chơi kỹ thuật, thiên về tấn công. Do đó, bộ đôi tiền vệ của HAGL không phù hợp với triết lý của chiến lược gia người Nhật Bản.

  • Bạn nguyễn hữu giáp hỏi:

    Liệu VFF có thực sự lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia và mong mỏi của người hâm mộ nước nhà từ buổi trả lời trực tuyến hôm nay không, thưa ông Lê Hoài Anh?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh

    Tôi có thể khẳng định VFF luôn lắng nghe những ý kiến và phản biện từ các chuyên gia, các cơ quan báo chí và chắt lọc những ý kiến không đồng quan điểm nhưng chính xác, từ đó để giúp bóng đá Việt Nam phát triển hơn trong tương lai. 

    Những ý kiến phản biện không bao giờ dễ nghe nhưng chúng tôi luôn dành sự tôn trọng trước những đóng góp xây dựng bóng đá Việt Nam. 

  • Bạn TRẦN QUỐC TOÀN hỏi:

    Thưa ông, chúng ta có nên thuê một huấn luyện viên người Thái Lan về dẫn dắt đội tuyển Việt Nam hay không?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Tôi nghĩ, chiếc ghế huấn luyện viên không phải vấn đề mấu chốt lúc này với bóng đá Việt Nam. Chúng ta cần cải tổ mạnh mẽ từ gốc. Tôi hy vọng sắp tới, hội nghị "Diên hồng bóng đá" sẽ có những ý kiến đóng góp xây dựng hết sức tích cực cho bóng đá Việt Nam.

  • Bạn TRẦN CÔNG HẬU hỏi:

    Nếu VFF sa thải Toshiya Muira thì theo anh, huấn luyện viên nước nào phù hợp với đội tuyển Việt Nam?

    BLV Quang Huy

    Tôi nghĩ, khi bóng đá thế giới đã toàn cầu hoá, các trường phái bóng đá có sự xích lại gần nhau, vì thế, HLV nước nào dẫn dắt đội tuyển Việt Nam không quá quan trọng. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải chọn những HLV đến từ các nền bóng đá trên tầm Việt Nam. Điều quan trọng là các HLV này bên cạnh khả năng chuyên môn cần phải nắm bắt được những vấn đề của bóng đá Việt Nam và biết phản biện. 

     

    Lâu nay chúng ta vẫn hay nói đến khái niệm: HLV đội tuyển Việt Nam phải hiểu bóng đá Việt Nam. Nếu hiểu không thì chưa đủ, bởi hiểu quá cộng với thói quen tình cảm của người Việt Nam rất dễ dẫn tới sự thoả hiệp. 

    Chúng ta cần những người có thể chỉ ra những hạn chế và giúp bóng đá Việt Nam khắc phục điều đó. 

  • Bạn trần hữu hoàng hỏi:

    Quan điểm của anh như thế nào nếu chúng ta xây dựng đội tuyển Việt Nam từ lứa U19 của HAGL?

    BLV Quang Huy

    Bầu Đức đã làm được một việc rất tốt khi gây dựng lứa U19 có lối chơi riêng biệt. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam chỉ nên chơi theo cách của U19 nếu U19 có nhiều cầu thủ được đá chính ở tuyển. 

    Trên thực tế, các cầu thủ U19 vẫn còn non nớt, điều này thể hiện rất rõ tại V.League 2015. Bản thân tôi ngay từ khi U19 thành công vẫn luôn nói rằng cánh cửa vào đội U19 quốc gia vẫn phải luôn mở rộng để chào đón các cầu thủ đến từ nhiều đội bóng khác. 

    Bóng đá là môn thể thao đặc thù luôn có sự đào thải khốc liệt. Ngay cả với những nền bóng đá phát triển, việc một cầu thủ tài năng ở lứa tuổi 19, 20 nhưng sau đó bị lụi tàn vẫn có thể xảy ra. Chưa kể tới một môi trường nhiều biến động như ở Việt Nam.  

  • Bạn Minh Nguyên hỏi:

    - Thưa BLV Vũ Quang Huy, trên facebook cá nhân, anh có chia sẻ lối chơi của tuyển Thái Lan giờ rất đa dạng và có sự đồng bộ từ ĐTQG đến U23. HLV Miura cũng kiêm nhiệm dẫn dắt hai đội như Kiatisak nhưng tại sao ông chưa làm được điều này?

    BLV Quang Huy

    Kiatisak thực sự là một con người tài năng. Sau khi giải nghệ, anh ta đã vận dụng tất cả những gì có được khi còn là một cầu thủ để mang lại cho Thái Lan một lối chơi bản sắc với mục tiêu hướng tới sân chơi World Cup. 

    Từng có dịp tiếp xúc với Kiatisak, tôi nhận thấy, đây là một con người gần như hoàn hảo. Anh ta nói với tôi, trong quãng thời gian thi đấu ở Anh, đã nỗ lực tập luyện gấp rưỡi các cầu thủ châu Âu nhưng vẫn không trụ lại được để rồi nhận thấy, sự khác biệt về cơ địa giữa Đông Nam Á và châu Âu quá lớn. Vì thế, khi xây dựng lối chơi cho Thái Lan, Kiatisak luôn chú ý tới những yếu tố để có thể phát huy tối đa điểm mạnh và hạn chế những điểm yếu có thể bộc lộ. 

    Cũng phải nói thêm Kiatisak đã rất may mắn khi nhận được niềm tin của lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Thái Lan - những người đã mạnh tay cho thôi việc các HLV danh tiếng để lựa chọn một người bản địa. 

    Nhận được sự tin tưởng, Kiatisak lập tức "đáp lễ" bằng việc nghỉ ngay công việc của người đại diện cho tập đoàn lớn tại Bangkok để chung sức đưa bóng đá Thái Lan tiến lên. 

    Cũng phải nói thêm một điều nữa là giải vô địch quốc gia của Thái Lan hiện nay được tổ chức rất tốt, bằng chứng là cũng nhà tài trợ đó những rót vào Thai League số tiền gấp 10 lần V.League. 

  • Bạn Cao Mạnh Hà hỏi:

    Thưa ông Lê Hoài Anh, vậy khi nào chúng ta mới xây dựng công tác đào tạo đội trẻ cách bài bản?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh

    Hơn 1 năm trước đây, bắt đầu nhiệm kỳ VFF khóa VII, chúng tôi cũng đã có những quyết sách để thúc đẩy công tác đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Thứ nhất, về đồng bộ hóa lứa tuổi giải trẻ trong nước phù hợp với các giải của AFC. Thứ hai, duy trì hệ thống các giải trẻ trong nước và hệ thống tuyển chọn vận động viên cho các đội tuyển quốc gia. Thứ ba, tăng cường giao hữu giữa đội trẻ Việt Nam với các đội bóng quốc tế. Thứ tư, tổ chức thêm các giải đấu cho lứa tuổi nhỏ mà không có dịp thi đấu nhiều, ví dụ như giao hữu U16 nữ, tăng các trận đấu giao hữu giúp các em có điều kiện tăng cường kinh nghiệm thi đấu.

     

    Có thể nói bóng đá trẻ Việt Nam trong năm 2015 đã gặt được những thành tích đáng kể. Đội tuyển U16, U19, U23 đều lọt vào Vòng chung kết châu Á 2016. ĐT bóng đá nữ U14 vô địch giải bóng đá nữ U14 châu Á, khu vực ASEAN. 

  • Bạn Trương hỏi:

    Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, nguyên nhân gì khiến đội tuyển Việt Nam nhận trận thua đậm 0-3 trước Thái Lan tại vòng loại World Cup vừa qua?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Trước hết, HLV phải là người chịu trách nhiệm chính. Ông ấy có toàn quyền tuyển chọn lực lượng, xây dựng đội hình, chỉ đạo chiến thuật, lối chơi. Tôi nghĩ nếu là HLV khác (kể cả với nhà cầm quân nội), đội tuyển Việt Nam sẽ không thua nhiều đến thế.

  • Bạn Trịnh Việt Dương hỏi:

    HLV Miura không mang lại chiến thuật cụ thể cho ĐTVN sau hơn một năm nhậm chức. Trong khi những đội bóng lớn như Real, Barca luôn trung thành với lối chơi của mình trong nhiều năm. Ông có nghĩ HLV Miura đang cố tìm ra lối chơi cụ thể, hay đơn thuần chỉ xem ĐTVN là một thí nghiệm?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Tôi nghĩ trình độ của HLV Miura chỉ dừng ở mức như thế. Ông ấy đã thể hiện hết khả năng của mình rồi!

  • Bạn Ngô Hùng Thiên hỏi:

    Ông có nghĩ điểm yếu lớn nhất của Việt Nam khi gặp Thái Lan là tâm lý?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Tôi không nghĩ vậy. Chúng ta có niềm tin và hưng phấn sau trận hòa Iraq. Vấn đề ở trận thua Thái Lan nằm ở cách sử dụng đội hình, chiến thuật không phù hợp.

  • Bạn Lê Trần Phong hỏi:

    Người Thái có Kiatisak - 1 cầu thủ đã gắn bó với bóng đá Việt Nam, vậy mà vẫn thành công trên cương vị HLV trưởng Thái Lan. Việt Nam ta tại sao lại không có 1 người như Kiatisak. Theo BLV Vũ Quang Huy, HLV nội nào của chúng ta có thể đủ sức dẫn dắt Đội tuyển Việt Nam trong thời điểm hiện tại?

    BLV Quang Huy

    Phải nói thẳng rằng Thái Lan đi trước Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực. Nhiều năm trước, thể thao Thái Lan đã đạt tầm cỡ châu Á. Với một chân đế vững như thế, Thái Lan xứng đáng có được những con người như Kiatisak. 

    Quan điểm cá nhân của tôi là hiện nay vẫn chưa phải lúc để HLV nội dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Trong khi đó, V.League không còn là sân chơi dành cho những nhà cầm quân nước ngoài. 

  • Bạn Đoàn Ngọc Thi hỏi:

    VFF đã vạch ra chiến lược như thế nào cho nền bóng đá nước nhà khi chúng ta vẫn cứ mãi chạy theo Thái Lan. Phải chăng chúng ta thua quá nhiều nên tâm lý sợ thua luôn trong suy nghĩ của huấn luyện viên và các cầu thủ?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh

    Một nền bóng đá phát triển mạnh thì các CLB phải phát triển vững chắc, có hệ thống đào tạo bài bản, có cơ sở vật chất đáp ứng được các yêu cầu bóng đá chuyên nghiệp. 

    Một vấn đề nữa là việc khai thác bản quyền thương mại có thể đem lại nguồn tài chính vững chắc cho bóng đá. Trong một vài năm vừa qua bản thân số lượng các CLB chuyên nghiệp đã giảm, điều này phản ảnh sự khó khăn trong các hoạt động của các CLB bóng đá Việt Nam. Nhiều đội bóng chưa có cơ sở vật chất đạt chuẩn ví dụ như sân vận động, sân tập và bộ máy hành chính... Điều này phản ánh những khó khăn trong hoạt động của các CLB bóng đá Việt Nam. 

    Phải nói rằng, điều kiện kinh tế xã hội của các quốc gia trong khu vực tạo những cái thuận lợi cho phát triển bóng đá. Ví dụ Thái Lan, họ đã có hệ thống đào tạo thể thao ở cấp phổ thông và đại học rất tốt. Họ có những nhà tài phiệt vươn ra đến tầm thế giới, sở hữu nhiều CLB bóng đá tại Anh Leicester City, Man City... Bản thân những điều đó mang lại cho Thái Lan những điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát triển và nâng tầm bóng đá. Họ có cơ hội đưa cầu thủ đi thực tập ở các CLB lớn. 

    Về cơ chế, tôi nghĩ Việt Nam nên có chính sách tạo thuận lợi cho CLB. Ví dụ, có thể cho thuê dài hạn cơ sở vật chất để họ có sự khai thác và đầu tư để có nguồn tài chính đồng thời tạo nên ngôi nhà chung cho các hoạt động của cổ động viên (CĐV), tạo sự gắn kết giữa VĐV và CLB. 

    Trong thời gian tới, Tổng cục TDTT chủ trì tổ chức Hội thảo bàn về vấn đề phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. 

  • Bạn Đình trọng hỏi:

    Vậy bây giờ có phải là thời điểm chúng ta nên sa thải HLV Miura?

    BLV Quang Huy

    - Tôi nghĩ bây giờ không phải lúc để sa thải HLV Miura. Trước hết chúng ta cần có một hội đồng HLV thực sự uy tín về chuyên môn để có thể phản biện với ông Miura. Khi đã chỉ ra được những yếu kém không thể khắc phục của ông thì mới sa thải. 

    Sự thật là lâu nay những nhận định về HLV người Nhật Bản đều là quan điểm cá nhân nặng về cảm tính chứ chưa huy động được trí tuệ tập thể của những chuyên gia có uy tín. 

  • Bạn Hồ Sỹ Mạnh Trường hỏi:

    Theo BLV Quang Huy thì chúng ta nên làm gì để cải thiện tâm lý thi đấu, nhất là khi chúng ta bị dẫn bàn trước mà theo HLV Miura thì tâm lý của người Việt Nam rất tệ!?

    BLV Quang Huy

    Với tôi, tâm lý thi đấu của một VĐV bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nền tảng tích luỹ. Nếu là một người được rèn luyện cơ bản, mọi thao tác tư duy đều ổn định thì sự bất ổn về tâm lý sẽ ít hơn những người mà nền tảng không tới nơi tới chốn. 

    Các đội bóng hàng đầu thế giới đều có chuyên gia tâm lý. Ở Việt Nam, đây vẫn là khái niệm rất xa lạ, tuy nhiên, tôi vẫn nhắc lại, sự chuẩn bị cho từng cá nhân mới là quan trọng, sự góp mặt của chuyên gia tâm lý chỉ mang tính thời điểm mà thôi. 

  • Bạn Tuấn hỏi:

    Theo ông, đội tuyển Việt Nam có nên mở rộng vòng tay với những cầu thủ nhập tịch như Hoàng Vũ Samson hay không?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Tôi nghĩ đây là điều nên làm. Tất nhiên cũng nên chọn những cầu thủ thật sự chất lượng và có tư cách đạo đức tốt.

  • Bạn Vũ Đức Thắng hỏi:

    Người hâm mộ bóng đá Việt Nam rất đang kỳ vọng vào lứa U19 hiện tại. Vậy VFF sẽ đưa ra giải pháp nào về vòng chung kết U23 châu Á 2016? HLV Miura có tuyển quân cho tuyển U23 sắp tới không?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh

    Trong đội hình U23 đá Vòng loại U23 châu Á có tới 11 cầu thủ lứa U19 năm 2014, chắc chắn lứa này sẽ là nòng cốt dự Vòng chung kết ở Qatar. Bên cạnh đó, bộ phận tuyển chọn của VFF sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung để có đội hình tốt nhất tham dự Vòng chung kết U23 châu Á 2016. 

  • Bạn nguyễn quang thạch hỏi:

    Thưa anh Huy, em xem xong trận Việt Nam gặp Thái Lan thì lối đá của họ rất giống U19. Họ làm chúng ta mệt từ các đường chuyền ban bật. Hàng tiền đạo thì dứt điểm quá kém. Thiết nghĩ chúng ta nên cải tổ lại đội bóng. Các cầu thủ già cả nên nghỉ và thay các lứa U19 hay U23 lên thay theo hướng kỹ thuật và tư duy có được không anh Huy?

    BLV Quang Huy

    - Tôi nghĩ, lối chơi của Thái Lan đa dạng hơn U19 Việt Nam nhiều. Họ cũng có những tiền đạo tốt để biến cơ hội thành bàn thắng. Vì thế, toàn đội luôn có sự hưng phấn, chủ động. 

    Tôi mong muốn bóng đá Việt Nam hãy làm theo người Đức, đấy là thành lập hội đồng HLV quốc gia với sự có mặt của các HLV đang làm việc tại V.League và những người dẫn dắt các đội tuyển. Những con người này sẽ định hướng lối chơi cho bóng đá Việt Nam. Phải có những nhà chuyên môn ở nhiều lứa tuổi khác nhau theo kiểu người thật việc thật thì những nhận định về chuyên môn mới có sức mạnh. 

    Tôi biết các HLV trẻ của Việt Nam rất có khả năng và ham học hỏi. Nếu không tận dụng chất xám của họ thì sẽ rất lãng phí. Các HLV trẻ của Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau vẫn ngần ngại khi dẫn dắt đội tuyển nhưng nếu cần sự tư vấn của họ, họ sẽ làm rất tốt. 

  • Bạn Lê Phương Nguyên hỏi:

    BLV Quang Huy nghĩ gì về câu nói của Công Vinh: "Bóng đá Việt Nam cần theo kịp các nước Đông Nam Á khác, trước khi muốn đuổi kịp Thái Lan".

    BLV Quang Huy

    Theo tôi hiểu, Công Vinh muốn ám chỉ khả năng điều hành tổ chức chứ còn về tố chất đá bóng, đam mê và ảnh hưởng xã hội thì chúng ta không kém bất kỳ ai. 

  • Bạn Nguyễn Minh Triết hỏi:

    Ông Miura chọn Công Phượng vào đội hình thi đấu chính thức tham gia vòng loại World Cup vừa rồi liệu có phải là do áp lực của Việt Nam chúng ta khi mà Công Phượng vẫn còn đuối nếu khoác áo tuyển quốc gia?

    BLV Quang Huy

    Tôi nghĩ nếu xét về khả năng Công Phượng xứng đáng được gọi vào đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, do kinh nghiệm chưa nhiều, lúc này, Phượng chỉ nên đá dự bị. 

  • Bạn Nguyễn Anh Phong hỏi:

    Thưa BLV Quang Huy, theo anh chúng ta có nên chia sẻ giáo án huấn luyện lứa trẻ của HAGL ra tất cả các tuyến trẻ của các CLB. Đồng bộ nó thành một lối chơi chung để các cầu thủ có kỹ thuật cơ bản tốt cũng như thói quen di chuyển và phối hợp nhóm. Khi lên tuyển quốc gia sau này, chỉ cần lắp ghép vào là xong, không quá phụ thuộc vào HLV vì nó đã trở thành phản xạ của cầu thủ?

    BLV Quang Huy

    - Đây là điều tôi hết sức mong muốn. Tuy nhiên, lúc này có lẽ chưa phù hợp với tình hình Việt Nam bởi không đội bóng nào có được điều kiện và công nghệ đào tạo như HAGL. Giáo án của HAGL có thể để các đội bóng khác tham khảo chứ áp dụng nguyên xi thì không nên vì điều kiện rất khác nhau. 

  • Bạn Yêu Việt Nam hỏi:

    Thưa anh Quang Huy, em có đọc những bài báo sau trận thua trước tuyển Thái Lan, trong đó có lý do "Thiếu người cầm trịch tuyến giữa", vậy chẳng lẽ HLV Miura không nhận ra điều đó, hay chính ông đã cố phớt lờ những cầu thủ có đủ tố chất làm điều đó. Đó có phải là sai lầm từ cách chọn cầu thủ của ông Miura?

    BLV Quang Huy

    - Kể cả những đội bóng lớn không phải lúc nào cũng may mắn có được những người cầm trịch ở tuyến giữa. Một HLV giỏi là người biết xây dựng đội bóng dựa trên những gì mình có. Tôi nghĩ, lối đá dài của Miura cũng xuất phát từ việc đội tuyển không có người cầm trịch. Tuy nhiên, chúng ta lại không có những tiền đạo hợp với cách chơi này. Vì thế, lối chơi rất dễ đơn điệu và bế tắc. 

  • Bạn Nguyên văn nam hỏi:

    Chúng ta có hội đồng HLV nhưng sao không can thiệp vào chuyên môn?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Hội đồng HLV hiện tại hoạt động không hiệu quả, chỉ là hữu danh vô thực.  Theo ông Nguyễn Sỹ Hiển, nguyên chủ tịch hội đồng HLV quốc gia, phần lớn những vấn đề về chuyên môn, tư vấn cho lãnh đạo VFF đều không được thực hiện. Hay nói cách khác, VFF phủ quyết và tự đưa ra quyết định, ngay cả việc mời HLV Miura. Ông Nguyễn Sỹ Hiển kể rằng, Hội đồng huấn luyện viên từng không đồng ý mời Toshiya Miura vì ông ấy không phải cầu thủ bóng đá, không phải huấn luyện viên có tiếng tại Nhật Bản, đang thất nghiệp và chỉ làm công tác bình luận viên. Nhưng thường trực VFF vẫn quyết định lựa chọn ông ấy.

  • Bạn Trần Anh Tuấn hỏi:

    Thưa anh Huy, cho em hỏi tại sao đội tuyển của chúng ta cứ đá 1 trận hay thì liền sau đó chúng ta lại có 1 trận đá dở, phải chăng chúng ta bị bắt bài?

    BLV Quang Huy

    - Tôi nghĩ nguyên nhân là vì nền tảng của bóng đá Việt Nam không vững nên không có được sự ổn định. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến vấn đề tư tưởng, người Việt Nam chúng ta nói chung không dễ để có được sự thăng bằng sau những thành công. 

  • Bạn yêu đội tuyển hỏi:

    Nếu VFF không sa thải HLV Miura, thì thời gian tới VFF sẽ giao chỉ tiêu như thế nào cho ông ấy (cụ thể là vòng chung kết U23 châu Á 2016 ). VFF có kế hoạch như thế nào để hỗ trợ HLV Miura hoàn thành tốt công việc?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh

    Các đội bóng lọt vào Vòng chung kết U23 châu Á thì đều trên tầm Việt Nam. Do vậy, quan trọng nhất ở giải đấu tới là tạo điều kiện cho các cầu thủ ở lứa tuổi dưới 22, đủ tuổi tham dự SEA Games 2017 được thi đấu với các đối thủ trên tầm. Đó là kinh nghiệm quý để chuẩn bị cho các giải đấu vừa tầm hơn cho ĐT U23 Việt Nam trong khu vực, đặc biệt là SEA Games 2017. 

     

    Ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có U23 Thái Lan và U23 Việt Nam giành quyền vào chơi Vòng chung kết. Thầy trò HLV Miura nằm ở bảng D cùng các đối thủ Australia, Jordan, UAE. Tôi hy vọng đội có 1 trận thắng trước các đội bóng này. 

  • Bạn Nguyễn Trường Truân hỏi:

    HLV là người có quyết định cao nhất và phải chịu trách nhiệm với mọi quyết định của mình. Tại sao ông Miura không nhận trách nhiệm mà đổ lỗi cho cầu thủ nóng vội?

    Ông Vũ Mạnh Hải

    Tôi nghĩ ít huấn luyện viên sẽ đổ lỗi cho học trò sau trận đấu. HLV Miura có thể do quá bức xúc trước sức ép của dư luận. Tuy nhiên, điều này cũng phần nào thể hiện sự bất lực của nhà cầm quân người Nhật Bản.

 

Zing.vn

Bạn có thể quan tâm