- Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, nguyên nhân gì khiến đội tuyển Việt Nam nhận trận thua đậm 0-3 trước Thái Lan tại vòng loại World Cup vừa qua?
- Trước hết, HLV phải là người chịu trách nhiệm chính. Ông ấy có toàn quyền tuyển chọn lực lượng, xây dựng đội hình, chỉ đạo chiến thuật, lối chơi. Tôi nghĩ nếu là HLV khác (kể cả với nhà cầm quân nội), đội tuyển Việt Nam sẽ không thua nhiều đến thế.
- Điểm yếu lớn nhất của Việt Nam khi gặp Thái Lan có phải yếu tố tâm lý?
- Tôi không nghĩ vậy. Chúng ta có niềm tin và hưng phấn sau trận hòa Iraq. Vấn đề ở trận thua Thái Lan nằm ở cách sử dụng đội hình, chiến thuật không phù hợp.
- Tại sao HLV Miura không nhận trách nhiệm mà đổ lỗi cho cầu thủ nóng vội ở trận thua Thái Lan?
- Tôi nghĩ ít huấn luyện viên đổ lỗi cho học trò sau trận đấu. HLV Miura có thể do quá bức xúc trước sức ép của dư luận. Tuy nhiên, điều này cũng phần nào thể hiện sự bất lực của nhà cầm quân người Nhật Bản.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải không tin vào năng lực của HLV Miura. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Ông có nghĩ HLV Miura đang cố tìm ra lối chơi cụ thể, hay đơn thuần chỉ xem đội tuyển Việt Nam là một thí nghiệm?
- Tôi nghĩ trình độ của HLV Miura chỉ dừng ở mức như thế. Ông ấy đã thể hiện hết khả năng của mình rồi!
- Ông suy nghĩ gì về việc một huấn luyện viên cứ mỗi trận lại thay đổi một đội hình và nhân sự mới như HLV Miura?
- Tôi cho rằng cách thức xây dựng đội tuyển của ông Miura không thật chính xác. Mỗi đội tuyển luôn phải có một bộ khung và từ bộ khung đó sẽ bổ sung thêm những nhân tố mới để tạo nên sự ổn định, ăn ý về mặt lối chơi.
- Tại sao HLV Miura dẫn dắt đội tuyển Việt Nam hoặc U23 Việt Nam thi đấu khởi sắc ở những trận đấu với đối thủ mạnh hơn như Olympic Iran ở ASIAD hay Iraq ở vòng loại World Cup nhưng lại chơi thiếu thuyết phục khi gặp những đội bóng yếu hơn hoặc ngang sức?
- Khi ở thế "chiếu dưới", đội tuyển Việt Nam thi đấu máu lửa và nhiệm vụ cũng được xác định rõ ràng, tập trung phòng ngự, phá bóng nhiều hơn là tổ chức lối chơi. Bản thân đội tuyển khi ấy không chịu nhiều áp lực về mặt tâm lý. Còn ở thế "cửa trên", lối chơi của chúng ta tỏ ra thiếu sáng tạo, đôi khi thể hiện tư duy chủ quan và không áp đặt được thế trận khi yếu tố con người còn hạn chế.
- Tại sao Tuấn Anh và Xuân Trường lại không được sử dụng, xin phân tích rõ hơn họ thua cặp Huy Hùng, Duy Mạnh hay Hoàng Thịnh ở điểm nào?
- Đây là quan điểm dụng người của mỗi huấn luyện viên. Ông Miura muốn các tiền vệ trung tâm phải có thể lực và khả năng tranh chấp bóng tốt. Phong cách này sẽ phù hợp với lối chơi thiên về phòng ngự của ông ấy. Trong khi Tuấn Anh và Xuân Trường khéo léo, nhãn quan chiến thuật tốt, thích hợp với lối chơi kỹ thuật, thiên về tấn công. Đó có lẽ là lý do khiến bộ đôi tiền vệ của HAGL không được chiến lược gia người Nhật Bản lựa chọn.
Tuấn Anh và Xuân Trường (phải) không hợp với triết lý bóng đá của Miura. Ảnh: Thể thao 24/7 |
- Tại sao chúng ta không xây dựng nền móng đội tuyển quốc gia từ lứa U19 có kỹ thuật cơ bản tốt (chỉ thiếu kinh nghiệm và sức mạnh)?
- Tôi nghĩ ban đầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng hoạch định xây dựng nền móng từ lứa U19 của HAGL. Tuy nhiên, các vị lãnh đạo VFF lại có những bước đi chưa thật chính xác khi để HLV Miura toàn quyền trong việc áp dụng chiến thuật và lựa chọn cầu thủ không phù hợp. Tôi nghĩ nếu VFF tham khảo ý kiến nhiều hơn từ các chuyên gia, chúng ta có lẽ không bỏ lỡ thời cơ ở lứa U19 này.
- Chúng ta có hội đồng HLV nhưng tại sao không can thiệp vào chuyên môn?
- Hội đồng HLV hiện tại hoạt động không hiệu quả, chỉ là hữu danh vô thực. Theo ông Nguyễn Sỹ Hiển, nguyên Chủ tịch hội đồng HLV quốc gia, phần lớn những vấn đề về chuyên môn, tư vấn cho lãnh đạo VFF đều không được thực hiện. Hay nói cách khác, VFF phủ quyết và tự đưa ra quyết định, ngay cả việc mời HLV Miura. Ông Nguyễn Sỹ Hiển kể rằng, Hội đồng huấn luyện viên từng không đồng ý mời Toshiya Miura vì ông ấy không phải cầu thủ bóng đá, không phải huấn luyện viên có tiếng tại Nhật Bản và chỉ làm công tác bình luận viên. Nhưng thường trực VFF vẫn quyết định lựa chọn ông ấy.
- Các chuyên gia bóng đá Việt Nam chê nhiều hơn khen HLV Miura thời gian qua, nhưng không một ai dũng cảm tự ứng cử vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG? Theo ông, đâu là lý do?
- Các huấn luyện viên nội không mặn mà bởi chính sách của VFF chưa thực sự phù hợp. Riêng về HLV ngoại, VFF cũng không có cơ chế bảo vệ họ mỗi khi đối mặt với thất bại. Hiện tại, tôi nghĩ không dễ tìm kiếm người có thể ngồi vào ghế nóng của đội tuyển Việt Nam.
- Theo ông, tại sao chúng ta không học cách làm bóng đá của người Thái?
- Chúng ta rất nên học tập người Thái. Họ có nền văn hóa, con người khá tương đồng với Việt Nam. Họ xây dựng nền bóng đá dựa trên nền tảng các câu lạc bộ, từ đào tạo trẻ, tài chính và tổ chức các giải đấu theo hướng rất chuyên nghiệp. Trong khi ở Việt Nam, các câu lạc bộ được xét chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay và cũng chưa thực sự tự chủ được vấn đề tài chính.
- Chúng ta có nên thuê một huấn luyện viên người Thái Lan về dẫn dắt đội tuyển Việt Nam hay không?
- Tôi nghĩ, chiếc ghế huấn luyện viên không phải vấn đề mấu chốt lúc này với bóng đá Việt Nam. Chúng ta cần cải tổ mạnh mẽ từ gốc. Tôi hy vọng sắp tới, hội nghị "Diên Hồng bóng đá" sẽ có những ý kiến đóng góp xây dựng tích cực cho bóng đá Việt Nam.
- Nếu HLV Miura từ chức, ông nghĩ chúng ta nên sử dụng nhà cầm quân nội hay ngoại thì hợp lý hơn?
- Thời điểm hiện tại, tôi nghĩ chúng ta có thể tiến cử một HLV nội, người am hiểu tình hình bóng đá trong nước và có uy tín. Nếu mời một nhà cầm quân ngoại có trình độ tương đương như ông Miura thì không nên. Bản thân tôi rất thích những huấn luyện viên người Nhật Bản nhưng cần yêu cầu trình độ cao hơn.