Trước khi thống trị khu vực những năm qua, bóng đá Thái Lan đã có một giai đoạn đi xuống trầm trọng. ĐTQG suy yếu, chất lượng giải VĐQG kém, cầu thủ giỏi ra nước ngoài thi đấu, trong đó có Việt Nam.
Đứng trước thực trạng đó, Tổng thư ký FAT Ong-art Kosingkha đã từ chức, bỏ tiền túi sang Anh để học cách làm bóng đá chuyên nghiệp. Vị doanh nhân này không cam tâm nhìn bóng đá Thái Lan xuống dốc không phanh.
Thông qua mối quan hệ sẵn có trước đó với LĐBĐ Anh (FA), Kosingkha đã tham khảo mối quan hệ giữa FA với Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh (EPL), cũng như với các CLB. Ngoài ra, nguyên Tổng thư ký FAT còn đến trao đổi với các CLB bóng đá nổi tiếng của Anh quốc như để tìm ra cách thức kinh doanh và điều hành của từng CLB theo những điều kiện khác nhau.
Kosingkha ít khi xuất hiện trước công chúng, nhưng ông là người đứng đằng sau thành công của bóng đá Thái Lan những năm qua, đặc biệt là giải VĐQG. Ảnh: Bangkok Post |
Trở về nước, ông cùng với FAT, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, Tổng cục Thể thao Thái Lan đã tổ chức các hội thảo về bóng đá chuyên nghiệp. Sau đó, được sự đồng ý của FAT và các CLB, Kosingkha đã liên hệ với Công ty EPL để nhượng quyền cách thức tổ chức giải đấu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Công ty Thai Premier League (TPL) do ông đứng đầu ra đời, là cơ quan điều hành tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp tại Thái Lan. Thai Premier League bắt đầu đi vào ổn định từ năm 2007. Qua vài năm, bóng đá tại quốc gia này đã xây dựng một hệ thống chuyên nghiệp, quy củ gồm Thai Premier League (18 CLB), Division 1 (20 CLB) và Regional League Division 2 (83 CLB).
TPL lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi tài trợ cho giải đấu nhưng bằng cách làm việc chuyên nghiệp, uy tín, họ đã nhanh chóng giải quyết bài toán kinh phí. Năm 2010, họ kiếm được hợp đồng tài trợ của hãng nước giải khát Sponsor với số tiền 22 tỷ đồng/năm. Chỉ sau 5 năm, số tiền này đã lên mức 65 tỷ đồng từ Toyota. Đối tác Nhật Bản này cũng đang tài trợ cho V.League của Việt Nam nhưng chỉ mức 30 tỷ đồng/năm.
Các trận đấu tại giải Thai Premier League có chất lượng cao, sân vận động đẹp và khán đài đầy ắp khán giả. Ảnh: Goal Thailand |
Về doanh thu, theo tờ Bangkok Post, TPL kiếm được 800 triệu baht/năm (trên 480 tỷ đồng), trong đó có 600 triệu baht từ tiền bản quyền truyền hình (BQTH) và 200 triệu baht từ các nhà tài trợ. Trước khi bị LĐBĐ thế giới (FIFA) bãi nhiệm vì những bê bối cá nhân, Kosingkha và Chủ tịch FAT Worawi Makudi đã giúp TPL ký hợp đồng trị giá 1.050 baht/năm (khoảng 680 tỷ đồng) với Tập đoàn truyền thông True từ năm 2017 – 2020 để phát sóng 306 trận đấu TPL, 306 trận đấu Division 1, 114 trận đấu League Cup và 85 trận đấu FA Cup.
Chất lượng giải VĐQG được nâng cao là điều kiện tiên quyết giúp đội tuyển Thái Lan lấy lại vị thế số một khu vực. Họ thống trị bóng đá khu vực trong 3 năm qua cả ở ĐTQG, U23, U19, U16 chưa kể bóng đá nữ và futsal. Thái Lan là đội có triển vọng nhất ở khu vực Đông Nam Á có cơ hội tiến vào vòng loại cuối cùng World Cup 2018. Trận thắng 3-0 của họ trước Việt Nam ngay tại Mỹ Đình cho thấy sự chênh lệch về trình độ giữa hai đội.
Trong nội bộ VFF có những bất đồng thời gian qua, đặc biệt xung quanh việc có nên tiếp tục tin dùng HLV trưởng Toshiya Miura. Ảnh: Tùng Lê |