'Tèo Em 2' bị hoãn vì kinh phí dội lên 30 tỷ
- Từ sau “Để Hội tính”, phải mất hơn một năm Thái Hòa mới trở lại với dự án mới. Vì sao anh mất nhiều thời gian trong khi tên tuổi đang rất ăn khách?
- Tôi không vội vã làm gì. Thật ra thời gian này nếu ra sức “bào” phim, tôi sẽ xuất hiện liên tục vì bạn biết đấy, phim Việt đang rầm rộ trên thị trường. Nhưng quan trọng đóng xong mình được gì hay khán giả sẽ quay lưng. Nghệ sĩ mất đi tình cảm của khán giả sẽ khó sống lắm. Hơn nữa tôi muốn có cảm giác “thèm”, thèm được sống chết với vai diễn, thèm được thỏa mãn khát khao với nghề. Điều này cần phải nuôi dưỡng nên tôi mất nhiều thời gian.
Khi dựng hậu kỳ cho Tèo Em, tôi và anh Charlie Nguyễn đã có ý tưởng làm phần 2 của phim này. Sau đó chúng tôi bàn bạc với nhà biên kịch. Mọi thứ đều đã chuẩn bị xong, nhiều người từ Mỹ về chuẩn bị cho dự án này. Nhưng kinh phí bất ngờ dội lên cao quá khiến kế hoạch bị ngưng lại. Hiện tại Tèo Em 2 lên đến con số 30 tỷ.
Trong quá trình chờ đợi, ê-kíp quyết định bấm máy phim tình cảm hài Fan cuồng. Tôi đóng vai Thái, người hâm mộ cuồng nhiệt nam ca sĩ do Johnny Trí Nguyễn đảm nhận. Khi sự nghiệp của thần tượng bị tuột dốc, Thái làm đủ mọi cách giúp ca sĩ vực dậy. Nhưng càng cố gắng anh ta càng phá hoại thêm. Phim đang khởi quay, dự kiến xong trước Tết nguyên đán và làm hậu kỳ để công chiếu vào dịp hè 2016.
Bộ phim Fan cuồng đang khởi quay đánh dấu sự hợp tác của bộ ba Charlie Nguyễn - Thái Hòa - Johnny Trí Nguyễn có kinh phí 18 tỷ đồng. |
- Thái Hòa tiếp tục hợp tác với Charlie Nguyễn, trước đó là Lưu Huỳnh, Victor Vũ. Anh nói gì về việc người ta cho rằng Thái Hòa chuộng các đạo diễn Việt kiều?
- Tôi khá kén bạn. Tôi và anh Charlie không chỉ hợp nhau về quan điểm sống mà cách làm nghề cũng khá giống nhau. Anh ấy là một đạo diễn giỏi, có kiến thức rộng về nghề và tôi vẫn đang học hỏi để chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi sau này. Tôi cũng có đóng phim của anh Lưu Huỳnh trong Lấy chồng người ta hay Victor Vũ trong Quả tim máu với những vai khác nhau. Tôi chỉ nhận vai khách mời trong Ma dai vì tôi và Đức Thịnh vốn chỗ quen biết.
Tôi không phân biệt nhưng tính tôi làm việc phải nghiêm túc. Những người kể trên vốn trưởng thành ở môi trường hiện đại nhưng họ còn Việt Nam hơn một số đạo diễn Việt. Có nhiều người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng ra phim trường toàn nói tiếng Anh. Tôi chỉ thích làm việc với những người chuyên nghiệp và những đạo diễn Việt kiều thường có phương thức tiên tiến, hiện đại.
- Tuy anh và Charlie Nguyễn được mệnh danh là bộ đôi ăn vàng, nhưng 2 người dường như đang nuông chiều thị hiếu người xem nhiều hơn là làm ra những sản phẩm tâm huyết. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi và anh Charlie cũng trăn trở về vấn đề này. Chúng tôi vẫn đang ấp ủ dự án vừa ăn khách vừa được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhưng thị trường hiện nay khó có thể nói trước điều gì. Trong công việc, tôi “chơi hết ga, hết số” nhưng thành công hay không còn phụ thuộc vào những yếu tố khác. Có thể do khả năng của tôi chỉ có thế nhưng chắc chắn tôi sẽ không hối tiếc vì đã cố gắng hết mình.
Thái Hòa muốn trở thành đạo diễn phim điện ảnh trong tương lai. |
- Thái Hòa được mệnh danh là “Ông hoàng phòng vé” và cùng cạnh tranh với Hoài Linh về danh hiệu này. Cảm giác của anh thế nào?
- Báo chí tự phong danh hiệu nên họ phải chịu trách nhiệm nếu phim tôi đóng không ăn khách ngoài phòng vé. Mai mối nhà sản xuất nào thắc mắc vì sao Thái Hòa đóng mà vẫn ế ẩm, tôi sẽ đổ thừa do báo chí (cười to). Thật ra nhiều phim có tôi nhưng doanh thu vẫn không khả quan đấy thôi.
Riêng Hoài Linh đã có thương hiệu mấy chục năm nay. Anh ấy là tên tuổi bảo chứng ngoài phòng vé. Mọi người đều lựa chọn phim của anh ấy trong dịp Tết và ngay cả những phim không được chiếu trong dịp Tết. Hoài Linh quá tuyệt vời rồi, chỉ còn phụ thuộc vào đạo diễn, người ta có “xài” được anh ấy hay không thôi. Còn chuyện tôi và anh ấy, chúng ta không nên so sánh. Đối tượng khán giả yêu mến tôi chủ yếu dân văn phòng và tuổi teen.
Bỏ kịch vì điện ảnh kích thích sự mạo hiểm
- Đang là ngôi sao ăn khách, cát-xê của Thái Hòa cũng tương xứng với vị trí của anh ở thời điểm này. Mỗi khi anh nhận lời đóng phim, chuyện tiền bạc quan trọng với anh thế nào?
- Điều tôi quan tâm trước hết là đạo diễn, kịch bản và ê-kíp làm phim. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cát-xê có thể đứng ở vị trí thứ 2 hoặc 3, đôi khi cũng có thể leo lên hàng đầu. Tiền bạc quan trọng nhưng tôi chưa bao giờ làm vì nó. Tôi từng từ chối cát-xê 2,5 tỷ chỉ quay trong vòng 16 ngày để tham gia Lấy chồng người ta của đạo diễn Lưu Huỳnh. Đây là bộ phim cực nhất trong cuộc đời diễn viên của tôi nhưng cát-xê chỉ có 100 triệu đồng.
Sau khi phim đóng máy, anh Lưu Huỳnh có nói sẽ trả tôi 120 triệu vì làm phim này cực quá nhưng tôi chỉ lấy đúng thỏa thuận ban đầu và nói anh cứ để 20 triệu đó cho phần âm nhạc hoặc hậu kỳ. Nếu không quan trọng cát-xê, tôi không cần lấy 100 triệu, nhưng tôi vẫn còn phải sống và lo cho gia đình. Điều tôi muốn nói ở đây, có những phim, cát-xê không thành vấn đề, quan trọng là tôi thỏa mãn với cảm giác được “sướng” với nghề.
- Vậy cát-xê hiện tại đảm bảo cuộc sống cá nhân của anh thế nào?
- Đủ trong cuộc sống là điều vô chừng, nhưng tôi hài lòng với mọi thứ ở hiện tại. Tôi không giàu nhưng tôi may mắn hơn nhiều người khác. Những người giàu có thường trăn trở trong giấc ngủ và suy tư những lúc ăn. Tôi đặt lưng xuống giường cảm giác rất dễ chịu
Tôi không tham lam trong công việc vì muốn cân bằng đời sống. Tôi vẫn dành thời gian cho vợ con. Tôi muốn gắn kết tình cảm anh em giữa cu Bom và con gái. So với nhiều người, tôi thích tận hưởng cuộc sống hơn.
Nam diễn viên ăn khách rất quan tâm đến mối liên hệ giữa 2 đứa con của anh. |
- Hài truyền hình đang lên ngôi trong khi sân khấu “giãy chết”. Xuất thân từ diễn viên kịch, cảm giác của anh thế nào khi sân khấu bị thất thế?
- Điều này là quy luật của sự tất yếu vì nhu cầu thị hiếu của khán giả “thiên biến vạn hóa”. Nhiều chương trình hài thực tế sản xuất ồ ạt vì nó đáp ứng nhu cầu người xem. Trong khi đó sân khấu kịch đang thu hẹp phạm vi hoạt động vì chưa được quan tâm đúng mực. Nhưng chúng ta phải chấp nhận thực tại và diễn viên cũng phải cố gắng để thích ứng thời cuộc. Tôi tin sân khấu không “chết” nhưng nó cần theo kịp xu hướng chung để có sự đổi mới và tiến hóa cùng các ngành khác.
Tôi đã bỏ kịch hơn 3 năm nay vì nhiều lý do. Nhưng quan trọng nhất, phim ảnh là sân chơi lớn và nó kích thích sự mạo hiểm, áp lực trong tôi nhiều hơn. Khi dựng vở kịch, dù đạo diễn không mát tay nhưng nếu trong dàn diễn viên có 5-7 người giỏi, họ có thể giúp vở diễn khá hoặc hay hơn. Và nếu không ăn khách, người ta có thời gian để chỉnh sửa, thêm thắt tình huống để lôi kéo người xem. Nhưng trong điện ảnh, nếu sai phạm, bạn không có thời gian để sửa chữa.
- Trong khi các diễn viên hài đắt show làm giám khảo thì anh lại đứng ngoài cuộc chơi này. Vì sao vậy?
- Có một thực tế đáng buồn ở Việt Nam khi các chương trình đổ bộ vào. Ở nước ngoài, người ta vẫn cần ngôi sao tham gia các game show nhưng họ phải phù hợp với nội dung, tiêu chí của chương trình đó. Trong khi chúng ta cũng có ngôi sao nhưng lại đá chéo sân khiến cuộc thi không đảm bảo tính chuyên môn và thiếu sự hấp dẫn. Nên quanh đi quẩn lại người xem chỉ thấy những gương mặt quen thuộc xuất hiện liên tục thành ra nhàm chán.
Người ta mời tôi xuất hiện trong nhiều chương trình nhưng tôi tự thấy mình không phù hợp nên từ chối. Ở vai trò đó, tôi nghĩ nhạc sĩ Huy Tuấn hay chú Lê Hoàng làm giám khảo, khán giả sẽ thích hơn vì tiếng nói của họ thuyết phục hơn.