Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thái độ bài người di cư Syria dâng cao sau thảm kịch Paris

Nhiều quan chức phương Tây quan ngại việc chấp nhận người Syria tị nạn sẽ ảnh hưởng tới an toàn của người dân sau thảm kịch Paris.

Người dân Paris hoảng sợ sau khi trải qua vụ tấn công khiến 129 người thiệt mạng. Ảnh: Getty

Hôm 13/11, Paris trải qua một đêm kinh hoàng với 129 người thiệt mạng. Bên cạnh xác của một kẻ khủng bố tại hiện trường vụ xả súng ở nhà hát Bataclan, cảnh sát Pháp tìm thấy một cuốn hộ chiếu Syria. Ngoài ra, họ còn thu được một hộ chiếu Ai Cập và hộ chiếu của một kẻ cực đoan mang quốc tịch Pháp.

Hiện tại giới chức Pháp vẫn đang tiến hành điều tra và chưa xác nhận cuốn hộ chiếu thuộc về một trong những kẻ khủng bố hay không.​

Các quan chức an ninh châu Âu từng lo ngại các chiến binh thánh chiến có thể lợi dụng phong trào di cư ồ ạt của người tị nạn để trà trộn và đi vào các nước châu Âu hồi đầu năm.​

Hôm 14/11, Ba Lan tuyên bố họ sẽ không chấp nhận người tị nạn mà không có những biện pháp đảm bảo an ninh.

Làn sóng vận động không cho người Syria tị nạn tại Mỹ

Nhiều bang tại Mỹ tuyên bố họ không nhận người tị nạn Syria do những lo ngại về an ninh. Ảnh: AP

Hôm 16/11, ít nhất 26 thống đốc Mỹ phản đối việc nhận người tị nạn bởi quan ngại vấn đề bạo lực cực đoan có thể xảy ra khi những người tị nạn nhập cảnh vào nước này. Phấn lớn họ là thành viên của đảng Cộng hoà.

“Chúng ta đã thấy những mối đe doạ thông qua những vụ việc xảy ra tại thành phố Paris. Texas không thể tham gia vào bất cứ chương trình nào dẫn đến việc người tị nạn Syria tái định cư ở đây. Bất cứ ai trong số họ cũng có thể kết nối với chủ nghĩa khủng bố”, Thống đốc bang Texas, ông Gregg Abbot, nói.

Bên cạnh đó, Abbot đưa ra nhiều dẫn chứng nhằm khẳng định Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là một nguy cơ “rất thực tế” đối với Texas.

Rick Snyder, thống đốc bang Michigan, cũng không muốn nhận người tị nạn. Ông nói: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sự an toàn của người dân”. Michigan là bang mà người Hồi giáo chiếm tỷ lệ khá lớn trong dân số.  

Stephen I.Vladeck, giáo sư ngành luật của Đại học American, nhận định rằng, về mặt pháp lý, các bang không có quyền quyết định bất cứ điều gì bởi vì vấn đề di cư thuộc về trách nhiệm của chính phủ Mỹ, mặc dù các bang riêng lẻ có thể khiến quá trình phê chuẩn luật trở nên khó khăn hơn.

Động thái phản đối là phản ứng thái quá với cuộc tấn công​

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, ông Jean Claude Juncker, cho rằng chính sách tị nạn của khối không cần phải được xem xét lại sau chuỗi sự kiện diễn ra tại Paris vào đêm 13/11 và yêu cầu các nhà lãnh đạo trên thế giới không bắt đầu đối xử với những người tị nạn như những kẻ khủng bố.

Nhiều quan chức châu Âu bày tỏ sự quan ngại sau khi phát hiện một hộ chiếu gần thi thể của một trong những kẻ tấn công Paris. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nhận định rằng liên hệ khủng hoảng di cư tại châu Âu với các mối đe doạ khủng bố là tư duy sai lầm.

“Chủ nghĩa khủng bố được tổ chức rất tốt. Chúng không mạo hiểm chen vào tuyến đường tị nạn gian nan và dễ mất mạng khi vượt biển”, bà nói.

Karim Emile Bitar, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại tại đại học Saint Joseph, nói với The Christian Science Monitor rằng: “Giống như những sự kiện đã xảy ra vào thế kỷ 19, những kẻ khủng bố Hồi giáo ngày nay muốn khắc sâu hơn những mâu thuẫn trong xã hội phương tây. Các chính phủ không nên rơi vào cái bẫy đó”.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích nhận định, IS coi người tị nạn Syria như những kẻ phản bội. Chúng từng lên án họ là những kẻ không tin vào tôn giáo trong một đoạn video mà chúng phát hành hồi tháng 9. Đối với những người tị nạn, IS chính là kẻ thù. Kế hoạch tấn công Paris và cố tình để lại hộ chiếu giả có thể khiến phương Tây chống lại người tị nạn Syria, đưa họ trở vè bàn tay của IS.

'Cuộc chiến chống IS có thể vượt ngoài kiểm soát'

Ông Thomas Sanderson, nghiên cứu viên cao cấp tại trung tâm CSIS (Mỹ) nói với Zing.vn rằng việc Pháp tham chiến sẽ nâng cao năng lực chống IS trong chiến dịch do Mỹ khởi xướng.

Trả đũa IS, Pháp dội bom một loạt căn cứ ở Syria

Các chiến đấu cơ Pháp đã tiến hành cuộc không kích quy mô lớn nhất ở Syria để tấn công căn cứ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Raqqa, Syria đêm 15/11 (giờ địa phương).

 

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm