- Vì sao ông cho rằng người Pháp đã lường trước thảm kịch 13/11 vì những xung đột nội tại của Pháp với cộng đồng người Hồi giáo?
- Doanh nhân Jean-Philippe Eglinger: Những năm gần đây, chính phủ Pháp đã theo đuổi đường lối ở Trung Đông khác đi so với chính sách của Pháp trước đó. Trong quá khứ, chính sách ngoại giao của Pháp nhằm quan hệ với tất cả mọi quốc gia, chính phủ có thể đóng vai trò trung gian khi cần thiết. Hiện tại, nước Pháp đang ở trong tình trạng chiến tranh. Thảm kịch đã xảy ra và có khả năng tái diễn.
Doanh nhân Jean-Philippe Eglinger. Ảnh: Coopattitude |
Jean-Philippe Eglinger là người sáng lập công ty Việt - Pháp Stratégies nhằm phát triển quan hệ thương mại giữa các công ty vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp của Việt Nam và Pháp qua không gian mạng. Ông từng làm việc tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam giai đoạn 1995 - 1998.
Theo tôi, điều quan trọng là việc duy trì đoàn kết quốc gia. Cộng đồng Hồi giáo tại Pháp đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
Những người Hồi giáo ở Pháp cần khẳng định rõ rằng họ không đứng về phía những thế lực khủng bố và họ muốn đi theo cũng như tuân thủ lối sống bên Pháp.
Đổi lại, chính phủ và xã hội Pháp phải tạo điều kiện thuận lợi để họ hòa nhập cộng đồng một cách tốt hơn.
- Thực trạng xung đột tôn giáo ở Pháp đang diễn ra như thế nào?
- Từ năm 1905, Pháp đã xây dựng một đạo luật xác định rõ sự khác biệt giữa tôn giáo và nhà nước. Theo đó, xét về lý thuyết, Pháp là một nước “không tôn giáo”.
Pháp vốn là một nước chịu sự ảnh hưởng rất mạnh của Công giáo. Tuy nhiên, vào những năm gần đây, ảnh hưởng của Hồi giáo ngày càng mạnh. Một số người cố gắng đẩy mạnh lối sống riêng theo đạo Hồi (như lối sinh hoạt, quan hệ giữa những người khác phái trong xã hội…). Điều này đã làm giảm đi lý tưởng về nhà nước “không tôn giáo” của Pháp.
Khi những áp lực này ngày càng mạnh dẫn đến các yêu cầu mới. Tôi cũng như đa số người Pháp, cho rằng tôn giáo là mối quan tâm riêng của mỗi công dân. Do vậy, không nên đề cập phạm trù riêng tư này trong không gian chung.
Thiếu nữ Hồi giáo phản đối lệnh cấm dùng khăn che đầu của chính phủ Pháp hồi năm tháng 12/2003. Họ gương biểu ngữ viết: "Luật cấm khăn che đầu chính là chống lại đạo Hồi". Ảnh: Reuters |
Sự cách biệt của người nhập cư?
- Sau vụ tấn công Paris, nhiều ý kiến quy trách nhiệm cho làn sóng tị nạn hiện tại mang đến nguy cơ khủng bố ở phương Tây. Theo ông, vấn đề có hoàn toàn nằm ở người nhập cư?
- Tôi nghĩ không thể hoàn toàn khẳng định như trên, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng một số phần tử khủng bố có thể đang trà trộn trong dòng người tị nạn.
Theo tôi, những giá trị đặc trưng của Pháp như tự do, dân chủ, nhân đạo sẽ không thay đổi vì những nhóm người đang sống tại Pháp. Tuy nhiên, tôi cho rằng một điều kiện rất quan trọng là người nhập cư nên học hỏi và tuân thủ lối sống của Pháp.
- Một số ý kiến nói chính sách nhập cư mang đến những hệ lụy cho nước Pháp. Có phải vì chính phủ không thể giải quyết triệt để những vấn đề này ngay từ đầu, nên rắc rối về sau càng nghiêm trọng hơn?
- Vụ khủng bố vừa xảy ra cho phép chúng tôi kết luận rằng việc thực hiện chính sách mở cửa với người nhập cư và sự nỗ lực của nước Pháp để xây dựng sự hòa nhập hiệu quả dành cho nhóm người này, đã thất bại.
Bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia Pháp, ngày 16/11 thúc giục chính phủ nhanh chóng ngưng chính sách tiếp nhận người nhập cư. Bà viện dẫn trường hợp một nghi phạm đã trà trộn vào dòng người tị nạn đến Pháp thông qua Hy Lạp.
Đây là một vấn đề rất phức tạp. Trong những năm kinh tế Pháp tăng trưởng mạnh, cộng đồng người nhập cư hầu như không xảy ra vấn đề gì. Thế hệ những người nhập cư đầu tiên không đối mặt với các khó khăn kinh tế hay xã hội.
Tuy nhiên, mọi chuyện khác đi đối với thế hệ thứ hai của người nhập cư vốn đa số đến từ châu Phi. Họ phải đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn và nhiều rắc rối xã hội khác, bao gồm sự an toàn ở một số khu vực trong nước Pháp. Tình trạng này tích tụ và dẫn đến hệ quả như hàng loạt vụ bạo động ở khu vực ngoại ô Paris và tại nhiều thành phố ở Pháp hồi cuối năm 2005.
Nhiều người nghĩ rằng họ bị xã hội Pháp “loại trừ”. Do vậy, họ đang cố gắng tìm đến một “sự công nhận” hoặc “ghi công” của những nhóm đối tượng khác. Trong một số trường hợp, “sự công nhận” này được thể hiện qua những hành động khủng bố.
- Thái độ cô lập và loại trừ của xã hội Pháp đẩy những thanh niên này vào sự cực đoan?
- Tôi đồng tình rằng đây là vấn đề mới, cần phải được giải quyết một cách quyết liệt, để tạo điều kiện cho mọi công dân Pháp, mọi nhóm tôn giáo và tầng lớp xã hội, đều được hưởng sự bình đẳng trong xã hội Pháp. Pháp có trách nhiệm tạo ra cho họ một đất nước bình đẳng, tạo điều kiện để hòa nhập họ hòa nhập tốt hơn.
Tuy nhiên, những nỗ lực này sẽ là vô tác dụng nếu người nhập cư không muốn hòa nhập, như việc học ngôn ngữ Pháp, xây dựng lối sống kiểu Pháp…
Khẩu hiệu "Tôi không sợ" xuất hiện ở mọi nơi trên khắp nước Pháp. Trước mọi vụ khủng bố, người dân Paris đều xuống đường, tới những nơi công cộng để thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc trong thời khắc nguy hiểm nhất. Ảnh: AFP |
- Theo ông, sau vụ khủng bố, Pháp phải cân nhắc giữa việc duy trì quyền tự do, dân chủ, chính sách nhân đạo lâu nay như thế nào so với những hệ luỵ mà các giá trị này đem tới, như tình trạng nhập cư ngày càng đông, phe cực hữu có thể thắng thế?
- Mục đích của nhóm khủng bố rõ ràng nhằm phá hoại sự đoàn kết quốc gia. Tinh thần của nước Pháp là luôn tuân theo những giá trị mạnh mẽ như bạn đã nêu ra.
Theo tôi, xã hội Pháp chắc chắn sẽ đối mặt với thách thức này để đưa ra giải pháp. Tôi nghĩ, đảng cực hữu có thể sẽ chiếm được một số ưu thế nhất định. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn để khẳng định họ sẽ thắng.
Vào thời điểm này, tôi nghĩ chủ đề quan trọng là chính phủ phải tìm cách để hàn gắn lại xã hội Pháp. Đây là một chủ đề sẽ được đề cập đến trong vài tuần, vài tháng tiếp theo.
Tôi cho rằng, để chia sẻ giá trị chung thì mọi người phải cùng sống với nhau. Tuy nhiên, cuộc sống chung cần đặt trong một khuôn khổ. Nhà nước Pháp nên nêu bật điều này mạnh mẽ hơn.
Ngành giáo dục đóng vai trò quan trọng trong quá trình hàn gắn, bên cạnh sự chung sức của toàn xã hội. Một số chính trị gia Pháp hiện nay đang đề cập đến những khả năng hòa trộn các tầng lớp xã hội khác nhau ở Pháp.