Trở lại văn đàn với Gam lam không thực, Thái Cường gây bất ngờ với độc giả từng biết đến mình qua Những mảnh mắt nhìn. Cây bút trẻ tuy chưa đến độ “lột xác” nhưng đã có bước chuyển mình rõ rệt trong ấn phẩm mới nhất. Anh trò chuyện về tác phẩm mới ra mắt và quan điểm sáng tác của mình.
Tiểu thuyết Gam lam không thực. |
Trừu tượng để khơi gợi sự tò mò
- Điều gì khiến bạn đặt tên sách là "Gam lam không thực" - một cái tên có phần khó hiểu khi mới tiếp cận?
- Ban đầu, tôi chọn tên sách là Trương Như Ánh Thụy. Nhan đề Gam lam không thực được nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên gợi ý, vì anh cho rằng nó hợp với “cái tứ” của tiểu thuyết, mang màu sắc trừu tượng và khơi gợi trí tò mò nơi độc giả. Còn tên tôi chọn là Trương Như Ánh Thụy lại thiếu hấp dẫn vì chỉ đơn thuần ghép tên các nhân vật chính lại mà thành.
- Tuy vẫn chọn đề tài không lạ, nhưng cách thể hiện của bạn ở tiểu thuyết này có phần lạ hơn so với tác phẩm đầu tay, liệu có nguyên nhân nào chăng?
- Truyện lồng trong truyện không phải hình thức quá mới mẻ nhưng cũng không nhiều tác giả triển khai theo cấu trúc này. Còn nếu xét về những điểm lạ hơn so với Những mảnh mắt nhìn thì tôi đã bớt viết những câu nghe có vẻ sâu nhưng chưa nặng, bớt dùng thành ngữ để câu văn nhẹ nhàng hơn, lồng ghép nhiều hình ảnh ẩn dụ mà như nhiều người đọc có nhận định là mang hơi hướng “triết lý Kafka”.
Thật ra không có nguyên nhân nào để tôi gò mình tạo nét khác biệt, chỉ là tôi chọn cách viết làm sao, hình thức thế nào, sao cho phù hợp nhất với ý tưởng của tác phẩm mà thôi.
Tác giả Thái Cường. |
- "Những mảnh mắt nhìn" ảnh hưởng "Từ điển Mã Kiều", còn "Gam lam không thực" mang đậm “triết lý Kafka”, vậy khi nào bạn mới tìm ra cá tính sáng tạo của riêng mình?
- Tôi không nghĩ những ảnh hưởng đó có tác động gì đến phong cách của mình, quan trọng là nó có phù hợp với định hướng tác phẩm mà mình viết hay không.
Khi đọc Từ điển Mã Kiều, cấu trúc phân mảnh của tiểu thuyết làm tôi thích thú và nghĩ rằng sẽ rất phù hợp nếu mình đưa nó vào cốt truyện có tính dàn trải trên nhiều nhân vật như Những mảnh mắt nhìn. Tôi áp dụng nhưng biến tấu chứ không hoàn toàn dựa vào đó làm “khung xương” cho tác phẩm của mình.
Còn với Gam lam không thực, tôi chưa từng đọc Kafka trước đây, chỉ là được nghe kể về những tác phẩm của ông như Lâu đài, Vụ án, Hóa thân… qua những bài giảng hay các buổi hội thảo văn học mà mình có dịp tham gia.
Tôi chỉ dựa trên những gì mình “cảm” được từ tư tưởng của đại văn hào này để củng cố tác phẩm chứ không buộc mình phải học hỏi hay sao chép ông về mặt kỹ thuật.
Thế nên tôi nghĩ mình không quá lăn tăn về cá tính sáng tạo của bản thân vì thực chất tôi vẫn đang từng bước định hình giọng văn qua mỗi trang viết.
Cái kết bí ẩn
- Bạn có giải thích gì thêm về cái kết của "Gam lam không thực" hay không khi nó quá bí ẩn và mập mờ như đánh đố người đọc?
- Cái kết của một tác phẩm có mở ra nhiều hướng suy luận khác nhau như thế thì mới đọng lại nhiều dư vị. Bản thân tôi khi đóng bút vẫn chưa có câu trả lời cho mình rằng ai mới thực sự là hung thủ của “vụ án” hay tất cả chỉ như mọi giả định của cuộc đời.
Vì thế, tôi xin mượn lời của nhân vật Bằng để đáp thay: “Không có kết thúc có hậu hay không có hậu, chỉ có kết thúc vừa vặn hoặc chưa hoàn thiện". Với tiểu thuyết này, dừng ngay ở đó tôi nghĩ đã trọn vẹn rồi.
- Dường như nỗi ám ảnh thời gian, tuổi tác và sự đổi thay vô thường là cảm hứng chủ đạo chi phối hầu hết trang truyện của bạn?
- Chắc phải nói cực kỳ ám ảnh mới đúng. Tôi là kiểu người dễ buồn vì những điều đã cũ, nuối tiếc khi so sánh giữa chính mình của hiện tại và nhiều năm về trước, sợ mình chai sạn từng ngày và thỏa hiệp với cuộc sống như bao người vẫn đang thỏa hiệp ngoài kia.
Gam lam không thực là tiểu thuyết thứ 2 của Thái Cường. |
Đôi khi bắt gặp những cụ già tản bộ trên đường, tôi chợt nhận ra mối liên kết giữa mình với họ, hiểu rằng người ta không thể chết khi đã hết tuổi trẻ và trước sau gì tôi rồi cũng trở thành họ, cũng sẽ đến lúc tôi quên cả chính tôi của một thời sôi nổi và không còn nhớ được bất cứ ai hay bất cứ điều gì khác trên cõi đời này.
Đó là lý do tại sao tôi không viết về những vấn đề “đao to búa lớn”, vì đơn giản kể chuyện bé mọn đời thường cũng có “cái thú” riêng, thậm chí sự đổi khác giữa hôm qua và hôm nay thôi cũng đủ khiến tôi trải lòng chấp bút.
- Dù ít nhiều được đánh giá tích cực hơn ở lần trở lại này nhưng có vẻ như phần lớn người đọc vẫn chưa định hình được hình ảnh nhà văn mà bạn xây dựng?
- Như tôi đã nói, giọng văn là thứ quan trọng nhất để định hình người viết. Dù tôi có thay đổi bao nhiêu đề tài chăng nữa thì cách hành văn đó, lối ngắt câu đó cũng sẽ khiến người đọc nhận ra ngay.
Tôi chưa dám nhận văn phong của mình đã đủ tách biệt với lớp nhà văn trẻ hiện nay nhưng điểm định danh tôi dễ nhất là tôi vẫn sẽ kiên trì với thể loại tiểu thuyết.
Hiện tôi đang trong giai đoạn khai bút cho tiểu thuyết tiếp theo và thú thật chưa có ý định chuyển sang làm thơ, viết truyện ngắn hay tản văn trong tương lai.