Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thách thức chồng chất trong tuần bước ngoặt của ông Biden

Khó khăn trong quan hệ với Nga và bế tắc trong thúc đẩy dự luật cơ sở hạ tầng là hai câu hỏi hóc búa chưa có lời giải đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Biden gap Putin anh 1

Tổng thống Joe Biden tuần này sẽ bước vào cuộc gặp tay đôi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tại quê nhà ở Mỹ, dự luật phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của ông chủ Nhà Trắng có nguy cơ rơi vào bế tắc bởi những tranh cãi tại Điện Capitol.

Hai sự kiện, cả đối ngoại và đối nội, sẽ là liều thuốc thử về ảnh hưởng chính trị và năng lực của Tổng thống Biden trong mục tiêu kép: Khôi phục vụ thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trên thế giới, cũng như triển khai một trong những cuộc cải tổ kinh tế tham vọng nhất tại quê nhà, theo CNN.

Bài toán Putin

Mục tiêu đầu tiên của Tổng thống Biden - khôi phục niềm tin về vị thế toàn cầu của Mỹ - đạt được những thành công bước đầu tại hội nghị thượng đỉnh G7.

Dưới sự thúc đấy của Mỹ, Washington và các đồng minh cùng nhau cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển, và thông qua thỏa thuận áp mức thuế tối thiểu 15% lên các tập đoàn đa quốc gia nhằm ngăn chặn các công ty này trốn thuế.

Phương Tây cũng nhất trí sẽ có động thái cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Dĩ nhiên, thử thách cho những kết quả đạt được tại G7 sẽ chỉ đến sau khi các nhà lãnh đạo về nước.

Cam kết 1 tỷ liều vaccine chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của các nước trên thế giới. Hành động cứng rắn với Trung Quốc sẽ là bài kiểm tra thực sự với liên minh xuyên Đại Tây Dương mới được củng cố.

Nhưng ít nhất, các nước đồng minh đã thấy sự trở lại của một tổng thống Mỹ hành xử chính thống hơn, và họ chấp nhận ủng hộ các đề xuất của Washington.

Sau khi hội nghị G7 bế mạc hôm 13/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Mỹ và các đối tác châu Âu, Canada, Nhật Bản đã tìm lại được tiếng nói chung.

Biden gap Putin anh 2

Cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Putin sẽ diễn ra ngày 16/6. Ảnh: AFP.

Sau cuộc họp với các lãnh đạo NATO ở Brussels, Tổng thống Biden sẽ dành toàn tâm toàn ý cho cột mốc cuối cùng trong chuyến thăm châu Âu, đó là cuộc gặp Tổng thống Putin.

Thái độ cứng rắn của Điện Kremlin với Nhà Trắng, cùng những cuộc tấn công mạng xuất phát từ Nga nhắm vào các doanh nghiệp thời gian qua, khiến Tổng thống Biden phải hứng làn sóng chỉ trích không hề dễ chịu vì đề nghị tổ chức cuộc gặp với người đồng cấp Nga.

Tổng thống Biden cho biết cuộc gặp ở Geneva sẽ kiểm tra khả năng hai nước xây dựng mối quan hệ ổn định, mang tính xây dựng. Nhưng chính ông Biden cũng hoài nghi về viễn cảnh lạc quan ấy.

"Không gì bảo đảm chúng ta có thể thay đổi hành vi của một người. Các chính quyền chuyên chế nắm quyền lực rất lớn. Một thực tế là việc hồi đáp bằng thịnh tình - điều tôi sẽ làm - cũng không đủ để thuyết phục ông ấy (Tổng thống Putin)", Tổng thống Biden nói hôm 13/6.

Hôm 12/6, Tổng thống Putin như dội gáo nước lạnh vào cuộc gặp ngày 16/6 khi tuyên bố quan hệ hai nước đang "xấu đi tới mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây".

Ông Putin cũng ca ngợi cựu Tổng thống Trump là "một cá nhân xuất chúng, tài năng", trong khi nói đương kim Tổng thống Biden "hoàn toàn khác biệt" so với người tiền nhiệm.

Trong cuộc gặp ngày 16/6 tới, nhà lãnh đạo Nga nhiều khả năng sẽ công kích vai trò lãnh đạo thế giới tự do, hình mẫu toàn cầu mà Mỹ luôn muốn xây dựng.

Đây cũng là cách để ông Putin nhắc nhở Tổng thống Biden rằng Washington không ở vị thế có thể chỉ trích các vấn đề nội bộ của Nga.

Vụ bạo loạn ở Điện Capitol, cũng như tranh cãi xoay quanh cáo buộc gian lận bầu cử từ phía cựu Tổng thống Trump, sẽ là công cụ ông chủ Điện Kremlin có thể tận dụng.

Bế tắc tại Điện Capitol

Trong khi đang bận rộn ở châu Âu, tình hình ở Washington không diễn ra thuận lợi cho Tổng thống Biden. Lúc này, kế hoạch thúc đẩy dự luật phát triển cơ sở hạ tầng của phe Dân chủ đang rơi vào bế tắc

Kế hoạch ban đầu mà Nhà Trắng đề xuất trị giá 1.700 tỷ USD. Ngoài vốn rót vào các công trình cầu, đường xá, Tổng thống Biden muốn chi 400 tỷ USD chăm sóc cho người già và người khuyết tật, cùng 200 tỷ USD cho chăm sóc trẻ em.

Dự luật "hào phóng" này không được phe Cộng hòa ủng hộ. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện, tuyên bố thẳng thừng sẽ phản đối đề xuất của Tổng thống Biden.

"Chúng tôi sẽ dành 100% sự tập trung nhằm ngăn chặn chính quyền mới biến nước Mỹ thành một nhà nước bố thí", Thượng nghị sĩ McConnell tuyên bố hồi tháng 5.

Hôm 8/6, các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Biden và các nghị sĩ Cộng hòa chủ chốt về dự luật cơ sở hạ tầng đã đổ vỡ, sau khi hai bên không đạt được nhượng bộ cần thiết.

Đến ngày 11/6, một nhóm 10 nghị sĩ lưỡng đảng tuyên bố đạt được một thỏa thuận về kế hoạch cơ sở hạ tầng. Kế hoạch này dự kiến trị giá 974 tỷ USD và kéo dài trong 5 năm, thấp hơn nhiều so với đề xuất 1.700 tỷ USD của Tổng thống Biden.

Biden gap Putin anh 3

Thượng nghị sĩ Joe Manchin. Ảnh: AP.

Nhưng không ít lãnh đạo phe Dân chủ đã tuyên bố sẽ không chấp nhận nhượng bộ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer hay Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez.

Để gói phát triển cơ sở hạ tầng được thông qua, phe Dân chủ cần có sự ủng hộ của ít nhất 60 thượng nghị sĩ.

Trong bối cảnh hai đảng Dân chủ - Cộng hòa cùng có 50 ghế ở Thượng viện, phe cấp tiến trong đảng Dân chủ quyết không nhượng bộ và kêu gọi sử dụng thủ tục đặc biệt để phá vỡ thế "câu giờ" (filibuster), để có thể thông qua gói 1.700 tỷ USD mà không cần phiếu của phe Cộng hòa tại Thượng viện.

Thượng nghị sĩ Schumer cho biết bất chấp mong muốn đạt được đồng thuận lưỡng đảng về kế hoạch cơ sở hạ tầng, đảng này sẵn sàng kích hoạt thủ tục nói trên nếu cần thiết.

Hạ nghị sĩ Ocasio-Cortez, một trong các lãnh đạo nhóm cấp tiến nhất của phe Dân chủ, tuyên bố đảng này cần thúc đẩy các chính sách ưu tiên mà không cần hợp tác với đảng Cộng hòa, thay vì theo đuổi hợp tác lưỡng đảng cho một dự luật cơ sở hạ tầng "ít tham vọng hơn".

"Chúng ta thà hành động một mình nếu có thể mang lại nhiều thứ hơn cho người dân", bà Ocasio-Cortez tuyên bố.

Nhưng việc kích hoạt thủ tục để phá vỡ thế câu giờ, cho phép thông qua dự luật tại Thượng viện chỉ với đa số quá bán, đòi hỏi toàn bộ thượng nghị sĩ Dân chủ đồng lòng. Đây lại là điều đảng Dân chủ không có vào lúc này, theo CNN.

Một nhóm nhỏ các thượng nghị sĩ Dân chủ, dẫn đầu bởi Joe Manchin và Kyrsten Sinema, đang kêu gọi hợp tác lưỡng đảng trong dự luật về gói phát triển cơ sở hạ tầng, theo NPR.

"Tôi không sẵn sàng hủy hoại chính phủ của chúng ta", Thượng nghị sĩ Manchi nói.

Lập trường của Thượng nghị sĩ Manchin khiến ông trở thành mục tiêu công kích của chính các đảng viên Dân chủ.

Hạ nghị sĩ Jamaal Bowman viết trên Twitter chỉ trích Thượng nghị sĩ Manchin hành động theo chỉ đạo "của các tập đoàn tư bản" và đang biến thành "một Mitch McConnell mới".

Thượng nghị sĩ Schumer thì tuyên bố "sẽ không đợi hết tháng này qua tháng khác chỉ để thông qua một đạo luật mang lại những kết quả thực sự cho người Mỹ". Ông Schumer đã công bố kế hoạch kích hoạt thủ tục phá thế câu giờ ngay trong tháng 6 để sớm thông qua dự luật về cơ sở hạ tầng.

"Chiến thuật ấy có thể khiến những người âm thầm phản đối trong đảng Dân chủ đứng về phía Manchin và Sinema chống lại phe cánh tả cấp tiến", NPR bình luận.

Ông Biden: Nữ hoàng Anh làm tôi nhớ đến mẹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nữ hoàng Anh Elizabeth II làm ông nhớ đến mẹ mình sau khi hai người gặp mặt tại lâu đài Windsor. Cuộc gặp diễn ra sau khi hội nghị G7 kết thúc.

Bê bối bủa vây Boeing vì dự án thay thế Air Force One

Rắc rối xung quanh cuộc chiến pháp lý cũng như như việc chậm tiến độ bàn giao chuyên cơ Air Force One đang hủy hoại danh tiếng của nhà sản xuất máy bay Boeing.

'Đồ tể Bosnia' kháng cáo bất thành

Ratko Mladic, cựu tổng tư lệnh quân đội người Serbia ở Bosnia, kháng cáo bất thành và sẽ phải thi hành án tù chung thân vì tội ác chiến tranh từng gây ra.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm