Ông Phạm Văn Dũng là Tổng giám đốc người Việt đầu tiên của Ford Việt Nam. |
Khởi đầu từ vị trí kế toán doanh nghiệp, trải qua 17 năm làm việc và cống hiến, đến tháng 8/2015, ông Phạm Văn Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc công ty ôtô Ford Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên nắm giữ vị trí này.
Trong hơn một năm qua, dưới sự điều hành của ông, Ford Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thương hiệu bán chạy thứ hai tại Việt Nam trong phân khúc xe du lịch và thương mại nhẹ. Mẫu xe bán tải Ranger liên tục có tên trong top 10 xe bán chạy nhất toàn thị trường, trong đó nhiều tháng nắm giữ vị trí số một.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), ông chia sẻ với Zing.vn cảm nhận sau khi hoàn tất năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.
- Ford Việt Nam và cá nhân ông đã thay đổi thế nào kể từ khi ông trở thành tổng giám đốc?
Trong một năm qua, Ford Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2016, Ford đã bán ra thị trường trên 21.000 xe, cao hơn sản lượng bán của cả năm 2015. Tốc độ tăng trưởng đạt 55%, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng toàn ngành. Đội ngũ nhân viên tiếp tục được phát triển, củng cố, hệ thống đại lý ngày càng mở rộng.
Đối với cá nhân, tôi có cơ hội được đón nhận và trải nghiệm nhiều khó khăn, thử thách hơn, qua đó thấy mình trưởng thành hơn. Trên cương vị mới, tôi có cơ hội được làm những việc mới, tiếp xúc với nhiều người mới, đi nhiều nơi mà trước đây mình chưa có cơ hội trải nghiệm.
Ông Phạm Văn Dũng bên cạnh mẫu Ford Explorer mới ra mắt tại triển lãm Vietnam Motor Show 2016. |
- Đâu là điểm mấu chốt khiến ông được lựa chọn làm tổng giám đốc người Việt đầu tiên của Ford Việt Nam?
Ở Ford, việc phát triển nhân viên không phải xảy ra ngẫu nhiên mà là một quá trình tuyển chọn và đào tạo bài bản, kỹ càng. Đội ngũ lãnh đạo của công ty thường xuyên thảo luận với nhân viên, đưa ra những điểm cần phát triển và lên kế hoạch đào tạo rõ ràng, để họ dần phù hợp với vị trí mà công ty đã định hướng. Do đó, sự thăng tiến của một cá nhân không phải việc ngẫu nhiên, mà là kết quả của một quá trình.
- Ông có thuận lợi, khó khăn gì so với các tổng giám đốc trước khi là người Việt đầu tiên nắm giữ trọng trách?
Các tổng giám đốc trước của Ford đều là người nước ngoài, với nhiều điểm mạnh. Họ có kinh nghiệm toàn cầu vì từng kinh qua nhiều vị trí tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Là người Việt, khi làm ở vị trí tổng giám đốc, tôi nghĩ mình có một số thuận lợi, như hiểu về phong tục tập quán của người tiêu dùng, hiểu hệ thống quy định của Việt Nam, hiểu về văn hoá và không có rào cản về ngôn ngữ.
Sự thăng tiến của một cá nhân không phải việc ngẫu nhiên, mà là kết quả của một quá trình
Ở chiều ngược lại, do Ford Việt Nam tăng trưởng rất tốt trong những năm trước, nên một trong những khó khăn của tôi khi đảm nhận vai trò mới là phải làm sao tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, mở rộng mạng lưới và củng cố sự đoàn kết trong đội ngũ nhân viên, hướng tới một mục tiêu chung. Tuy nhiên, Ford đã có mặt và hoạt động tại thị trường Việt Nam hơn 20 năm, đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, hệ thống quy trình đạt chuẩn toàn cầu, nên việc điều hành của tôi cũng dễ dàng, nhẹ nhàng hơn.
"Cần cái nhìn hiện đại, toàn diện hơn khi đánh giá thành công, thất bại của một nền công nghiệp ôtô". |
'Không phải sản xuất được xe hơi mới là thành công'
- Theo ông, hướng đi nào là phù hợp với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam?
Với một đất nước có hơn 90 triệu dân, tỷ lệ sở hữu ôtô chỉ khoảng 20 xe trên 1.000 dân, thấp hơn khá nhiều so với các nước xung quanh, cơ hội để phát triển thị trường ôtô tại Việt Nam là rất lớn. Đây cũng là nhận định chung của các thương hiệu ôtô lớn đang góp mặt tại thị trường Việt Nam.
Mỗi doanh nghiệp sẽ có chiến lược riêng của mình, nhưng theo tôi, chiến lược đúng là phải nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng và đưa ra các sản phẩm phù hợp trong từng giai đoạn. Đặc biệt, phải chú trọng tới trải nghiệm của khách hàng, phải cung cấp những dịch vụ đạt đẳng cấp toàn cầu để người tiêu dùng Việt Nam được trải nghiệm.
- Từng có thời gian làm việc tại Australia, nơi có nền công nghiệp ôtô đang đứng trên bờ vực phá sản, ông thấy có điểm giống và khác nhau gì giữa thị trường hai nước? Các doanh nghiệp Việt Nam có thể rút ra bài học gì từ thị trường Australia?
Australia là một thị trường đã phát triển, với quy mô dân số trên 20 triệu người, quy mô thị trường ôtô ổn định ở mức một triệu xe qua nhiều năm. Từ những năm 2004-2005 đến nay, quy mô thị trường Australia không thay đổi. Có thể nói thị trường này đã bão hoà, khác với Việt Nam.
Việt Nam là một thị trường mới nổi, đang phát triển, tốc độ tăng trưởng các năm trước đạt 50%, năm nay dự kiến đạt 30%. Tiềm năng của thị trường Việt Nam còn rất lớn, quy mô dân số cũng khác.
Không nên nói ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã thất bại
Tôi cho rằng khi đánh giá về nền công nghiệp ôtô của một nước, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện. Không nhất thiết phải sản xuất ra một chiếc ôtô hoàn chỉnh mới có thể tự hào là ngành công nghiệp ôtô của quốc gia đó phát triển thành công.
Với xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, nếu tham gia được vào chuỗi giá trị và cung cấp được một số phụ tùng cho một lượng lớn các nhà sản xuất, đó cũng là một hướng đi có thể tự hào. Một chiếc xe cấu thành từ hàng chục nghìn chi tiết. Chỉ cần chọn một vài chi tiết phù hợp để phát triển và cung ứng với số lượng lớn cho những nhà sản xuất hàng đầu thế giới là cũng có thể coi là thành công.
Do đó, để kết luận về thành công hay thất bại của một nền công nghiệp ôtô, cần có cái nhìn hiện đại, cập nhật hơn. Không nên nói ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã thất bại.
Người trẻ cần sẵn sàng nắm bắt cơ hội
- Từ kinh nghiệm bản thân, ông có lời khuyên gì cho những người Việt trẻ đang làm việc trong các tập đoàn toàn cầu?
Thế hệ của các bạn trẻ hiện tại thuận lợi hơn thế hệ trước rất nhiều. Họ được đào tạo bài bản, được giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn.
Cơ hội ở các công ty và tập đoàn đa quốc gia hiện cũng rất nhiều. Xu hướng chung của các tập đoàn nước ngoài là tìm kiếm lao động bản địa để đào tạo và phát triển.
Thất bại chỉ là một bước đi trong tiến trình phát triển của mỗi cá nhân
Tại Ford Việt Nam, lực lượng lao động chủ yếu là lao động trẻ. Đội ngũ này rất sáng tạo, năng động, thường xuyên có những đóng góp trong việc cải tiến môi trường, chất lượng làm việc cũng như góp công lớn vào sự phát triển của công ty.
Trong bối cảnh đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng ở Việt Nam, dự kiến vốn FDI năm nay tăng 20% so với năm ngoái, cơ hội vẫn luôn tồn tại. Các bạn trẻ cần sẵn sàng để khi cơ hội đến là có thể nắm bắt.
- Với những người trẻ khởi nghiệp, ông có lời khuyên gì dành cho họ?
Điều quan trọng đầu tiên là dám làm, dám lăn lộn vào cuộc sống. Khi có cơ hội đến thì không ngần ngại, sẵn sàng nắm bắt để trải nghiệm. Mỗi trải nghiệm dù thành công hay thất bại đều là một bài học, từ đó bạn sẽ trưởng thành hơn. Thất bại chỉ là một bước đi trong tiến trình phát triển của mỗi cá nhân.
Tôi vẫn luôn tâm niệm, khi gặp khó khăn, thử thách, nên coi đó là một trải nghiệm. Hãy cố gắng trải nghiệm một cách trọn vẹn, để có thể học và trưởng thành.
Ông Phạm Văn Dũng sinh năm 1970, gia nhập Ford Việt Nam năm 1998 ở vị trí kế toán doanh nghiệp, và sau đó đã đảm nhiệm nhiều công việc liên quan đến các hoạt động tài chính của công ty. Ông có một thời gian công tác tại Melbourne (Australia) vào những năm 2004-2005, phụ trách tài chính cho bộ phận Bán hàng và Dịch vụ của Ford Australia. Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, ông giữ chức Giám đốc Tài chính của Ford Việt Nam từ năm 2009.
Ông Phạm Văn Dũng có bằng Cử nhân và Thạc sĩ Kinh tế tại trường Đại học Thương mại Việt Nam, bằng Thạc sĩ Tài chính tại trường Đại học Công nghệ Swinburn, Australia.