Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết Nguyên đán nhiều tiếc nuối của du học sinh Việt

Ba năm không thể về sum vầy bên gia đình, năm nay phần vì vướng lịch thi, phần vì dịch bệnh căng thẳng, Mi Sa đành đón cái Tết Nguyên đán thứ 4 ở xứ người.

"Hiện mình và nhiều bạn bè vẫn đang trong đợt thi cuối kỳ. Tình hình dịch Covid-19 tại Nga cũng chưa có dấu hiệu thuyên giảm nên không chỉ mình mà hầu hết du học sinh Việt Nam bên này không thể về ăn Tết", Vương Thúy Mi Sa (sinh năm 1997) nói với Zing.

Dù năm nay là lần thứ 4 đón Tết ở Moscow, Mi Sa vẫn không tránh khỏi buồn và chạnh lòng khi không thể ở bên bố mẹ, người thân trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.

Những năm trước chưa có dịch, cô và bạn bè trong hội sinh viên Việt Nam ở trường thường cùng đón năm mới để vơi đi nỗi nhớ nhà. Mọi người tới nhà hàng Việt Nam, tổ chức các trò chơi tập thể, giao lưu âm nhạc và ăn món Việt truyền thống. Có năm, Sa cùng nhóm bạn tụ tập ở ký túc xá gói bánh chưng, luộc gà, cuốn nem làm mâm cỗ Tết.

"Năm nay do dịch bệnh, những hoạt động đông người như vậy cũng không thể tổ chức được nữa. Tết năm nay có lẽ sẽ là một cái Tết nhiều tiếc nuối".

du hoc sinh don Tet o nuoc ngoai anh 1

Mi Sa sẽ phải đón cái Tết Nguyên đán thứ 4 ở Nga.

Lỡ hẹn về nhà

Những ngày này, mỗi lần lướt Facebook thấy bạn bè đăng ảnh quây quần cùng người thân hay vô tình nghe được nhạc xuân là Nguyễn Thị Ngọc Ánh (sinh năm 1999) lại cảm thấy chạnh lòng.

Hiện Ánh học tập ở thành phố Busan, Hàn Quốc. Do dịch bệnh căng thẳng, sân bay quốc tế tại nơi này bị tạm đóng. Nếu muốn về Việt Nam, cô sẽ phải di chuyển lên Seoul mới có chuyến bay.

du hoc sinh don Tet o nuoc ngoai anh 2

Ngọc Ánh quyết định đón Tết ở Hàn Quốc vì tình hình dịch bệnh phức tạp.

Nhận thấy tình hình khá phức tạp, Ánh quyết định ở lại xứ kim chi.

“Lần nào gọi điện, gia đình mình đều hỏi có về được không. Nhưng thấy việc đi lại khó khăn, các ca nhiễm ở Hàn vẫn tăng nên mọi người cũng ủng hộ khi nghe mình nói sẽ ở lại.

Ở Busan tuần trước vẫn còn giãn cách cấp độ 4, gần đây đã giảm xuống cấp 3, nhưng các hàng quán chỉ được mở tới 21h và không tụ tập trên 6 người”, cô chia sẻ.

Tương tự Ánh, thấy không khí Tết Âm lịch rộn ràng tràn ngập nhiều khu vực tại Subang Jaya (Malaysia), Vũ Thị Ngọc Mai (quê Hải Dương) càng thêm nhớ nhà.

Vì chỉ có một tháng nghỉ trước khi bắt đầu học kỳ mới vào tháng 3, sợ cập rập chuyện đi lại, cách ly và các quy định liên quan đến dịch bệnh, Mai quyết định ở lại Malaysia.

"Từ đầu đợt dịch tới giờ, gia đình mình cũng xác định có thể mình sẽ không về nhà được lần nào trong 3 năm học. Nhưng hồi đầu năm nay, bố mẹ cũng bóng gió kêu mình về chơi, chắc tại mình xa nhà 2 năm rồi, khiến mình cũng buồn chút. Đến khoảng cuối năm, biết mình không về ăn Tết được, bố mẹ cũng chỉ biết động viên, kêu mình ráng học rồi về đoàn tụ sau".

Năm nay, cô gái quê Hải Dương cũng sẽ phải một mình lo liệu đón Tết. Một số anh chị, bạn bè người Việt quen của cô đều đã về nước.

Tạo không khí Tết Việt ở nước ngoài

Đây là năm đầu tiên Hoàng Viết Lân (sinh năm 2003), du học sinh Mỹ, đón Tết Nguyên đán ở nước ngoài. Vượt qua tâm trạng nhớ nhà lúc đầu, Lân khá háo hức khi được ăn mừng năm mới theo cách khác biệt.

Chia sẻ với Zing, Lân cho biết những ngày giáp Tết, bên cạnh thu xếp việc học, chàng trai sẽ dành thời gian để phụ hai bác trang trí nhà cửa, đi mua sắm để chuẩn bị cho đêm giao thừa.

“Được nghe bạn bè kể nhiều nhưng mình vẫn khá tò mò về không khí Tết Âm lịch tại Mỹ. Là một đứa con xa nhà, mình không thể đòi hỏi Tết bên đây phải giống Việt Nam, chỉ mong mọi người ở nhà đều khỏe mạnh là vui rồi”, Lân nói. Vào ngày mùng một, Lân dự định gọi video về nhà chúc sức khỏe bố mẹ, sau đó cùng bạn bè đi chơi, tham quan hội chợ châu Á.

“Mình sẽ rất nhớ món bánh chưng, canh khổ qua, thịt kho hột vịt và cảm giác ấm cúng khi cả gia đình quây quần xem Táo Quân. Đặc biệt, năm nào nhà mình cũng diện áo dài để xuống phố du xuân, chụp ảnh”, Lân bày tỏ.

du hoc sinh don Tet o nuoc ngoai anh 3

Lân sẽ cùng người thân ở Mỹ đón năm mới.

Trong khi đó, Ánh dự định cùng bạn bè mở tiệc để cùng xem pháo bông vào đêm giao thừa và đi chùa lấy lộc trong sáng mùng một. Ngoài ra, cô sẽ tự tay nấu món thịt kho hột vịt theo công thức gia truyền để đãi mọi người.

“Nhà mình thường đón Tết xen kẽ ở Bắc và trong Nam. Mong năm sau, dịch bệnh sẽ sớm hạ nhiệt để những bạn đang đi học, đi làm xa nhà như mình có thể về thăm gia đình”, Ánh bộc bạch.

Những ngày này, Ngọc Mai đã đặt sẵn giò chả, bánh chưng của một shop Việt tại Malaysia. Cô quyết định sẽ đón năm mới cùng người bạn Indonesia cũng không về nhà.

"Năm ngoái mình được bạn người Malaysia gốc Hoa tặng đồ ăn Tết. Đến giao thừa, cả nhà gọi video trò chuyện, lì xì online cho nhau nên cũng đỡ buồn. Có lẽ năm nay cũng không có nhiều thay đổi".

Còn đối với Mi Sa, cô và vài người bạn có kế hoạch đi đacha (khu nhà nghỉ ngoại ô) để nghỉ ngơi. Cách xa thành phố Moscow náo nhiệt, cả nhóm hy vọng có thể tận hưởng không gian yên tĩnh giống như trở về quê đón Tết.

"Nếu có ai bị ốm do thời tiết thay đổi, mình sẽ chuyển sang phương án hai là cùng người bạn chung phòng làm mâm cỗ Tết, mua những món quà bí mật để tặng nhau vào dịp năm mới và không quên điều quan trọng nhất là gọi điện về nhà, chúc mừng năm mới gia đình, cầu mong một năm dịch bệnh sớm qua và bình an, sức khỏe cho mọi người", cô chia sẻ.

"Người Việt đi đâu cũng nhớ về quê hương, gia đình cả. Năm nay cũng là năm cuối của chương trình mình học, chắc chắn Tết năm sau, mình sẽ có mặt cùng gia đình đoàn viên", Sa nói thêm.

Chỉ quây quần bên gia đình, hạn chế thăm hỏi ngày Tết vì sợ dịch

Tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhiều bạn trẻ làm việc xa quê xác định ưu tiên về đoàn tụ gia đình, đón cái Tết Nguyên đán giản dị, ít hoạt động hơn mọi năm để đảm bảo an toàn.

Ánh Hoàng - Phương Thảo

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm