Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Tết này, mỗi người cần hy sinh một chút'

Đó là lời động viên của những người Trung Quốc quyết định không về quê ăn Tết năm nay. Chính quyền các cấp ở nước này cũng thực thi nhiều biện pháp để hỗ trợ họ.

Tet Nguyen dan Trung Quoc anh 1

Thông thường, vào thời điểm này trong năm, hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ đổ ra đường cao tốc, lên tàu hỏa và máy bay để về quê ăn Tết Nguyên đán cùng gia đình.

Nhưng năm nay, theo lời kêu gọi của chính phủ, cuộc di cư hàng năm với quy mô lớn nhất thế giới - hay còn được gọi là "xuân vận" - đã giảm đáng kể để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Đối với nhiều người Trung Quốc rời quê hương để tìm việc làm ở các thành phố lớn, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là dịp duy nhất trong năm họ có thể về nhà đoàn tụ cùng gia đình.

Nhưng năm nay, họ sẽ không được gặp người thân. Nhất là với những cha mẹ để con ở quê và ra thành phố làm việc, có thể phải 12 tháng nữa họ mới được gặp lại con.

Nhiều người tự động viên nhau cần hy sinh để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Trong khi đó, chính quyền cũng đưa ra một số chính sách hỗ trợ lao động xa quê bị ảnh hưởng bởi đại dịch, theo CNN.

Tet Nguyen dan Trung Quoc anh 2

Sảnh khởi hành vắng vẻ ở ga tàu hỏa Triều Dương, Bắc Kinh, vào ngày đầu tiên của xuân vận hôm 28/1. Ảnh: Getty.

Quy định chống dịch nghiêm ngặt

Suốt nhiều tháng qua, truyền thông Trung Quốc ca ngợi thành công chống dịch Covid-19 của nước này. Khi so sánh với các quốc gia phương Tây, họ cho rằng Bắc Kinh phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, năm 2021 đến mang theo những thách thức mới, theo CNN.

Vào tháng 1, hơn 2.000 ca mắc Covid-19 được phát hiện ở các tỉnh phía bắc Trung Quốc. Đây là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất kể từ tháng 3/2020.

Với tốc độ lây lan nhanh chóng của virus, Bắc Kinh nhận thấy cả chính phủ và người dân cần phải phản ứng nhanh chóng.

Để khuyến cáo người dân không đổ về quê ăn Tết, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc áp dụng các quy định mới, yêu cầu những người từ thành phố trở về nông thôn phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Xét nghiệm này phải được thực hiện trong 7 ngày trước đó. Khi về quê, người dân cũng phải "tự theo dõi tại nhà" trong 14 ngày tiếp theo.

Một số chính quyền địa phương thêm vào các quy tắc riêng và nghiêm ngặt hơn. Ví dụ, ở một số nơi, người từ nơi khác trở về phải cách ly trong khách sạn thay vì ở nhà cùng gia đình.

Theo quy định của chính phủ, những người có lịch sử đi lại đến các khu vực bùng dịch thì không được về quê.

Người dân ở những khu vực có nguy cơ trung bình cũng không được phép, trừ khi họ được sự chấp thuận đặc biệt của cơ quan kiểm soát dịch bệnh ở địa phương; đồng thời phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 được thực hiện trong 72 giờ trước đó.

Cư dân trong các khu vực có nguy cơ thấp được khuyến cáo nên ở lại trong kỳ nghỉ, nhưng không bị cấm di chuyển về quê hay đi nơi khác.

"Tết Covid" thứ hai ở Trung Quốc

Đây là năm thứ hai liên tiếp người dân Trung Quốc đón Tết Nguyên đán trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành.

Vào năm 2020, ga tàu chính ở Bắc Kinh vẫn còn chen chúc người về quê trước Tết, vì chính quyền Trung Quốc chưa công bố SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm từ người sang người.

Tại thời điểm đó, Bắc Kinh cũng chưa thừa nhận Covid-19 đã vượt ra ngoài Vũ Hán - điểm khởi phát của đại dịch.

Cuối cùng, ngay Tết Nguyên đán 2020, Vũ Hán bị phong tỏa. Nhưng khi đó, hàng triệu người ở thành phố này đã về quê nghỉ Tết, làm tăng tốc độ lây lan của virus.

Sau kỳ nghỉ lễ, nhiều người bị mắc kẹt ở quê nhà, không thể quay lại thành phố làm việc vì quy định hạn chế đi lại.

Tet Nguyen dan Trung Quoc anh 3

Nhân viên phun thuốc khử trùng ở ga tàu Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 1/2. Ảnh: Getty.

Đến năm nay, ga tàu hỏa Bắc Kinh vắng vẻ hơn. Khuyến cáo của chính phủ rõ ràng là có hiệu quả.

Vào ngày đầu tiên của đợt cao điểm "Xuân vận", tức ngày 28/1, sân bay quốc tế Bắc Kinh chứng kiến ​​lượng hành khách khởi hành giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, trên cả nước, lượng hành khách đi máy bay trong ngày 28/1 giảm 71% so với năm 2020.

Bộ Giao thông Vận tải ước tính khoảng 1,15 tỷ lượt hành khách di chuyển trong kỳ "Xuân vận" kéo dài 40 ngày vào năm nay, giảm 61% so với năm 2019 và giảm 22% so với năm 2020.

Nếu dự đoán nói trên chính xác, đây sẽ là số lượt hành khách đi lại thấp nhất trong dịp Tết Nguyên đán kể từ năm 2003.

Cảnh tượng vắng vẻ ở các ga tàu, sân bay và địa điểm du lịch tại thời điểm này ở Trung Quốc trái ngược hoàn toàn so với hồi tháng 10/2020.

Khi đó, người dân đổ xô du lịch trong nước để hưởng ứng Tuần lễ Vàng. Trung Quốc chưa ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng nào kể từ tháng 8/2020. Cả chính phủ và người dân đều tin tưởng rằng đại dịch đã được kiểm soát.

Tuần trước, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng tải thông điệp về Tết Nguyên đán trên tài khoản Weibo.

"Mỗi người Trung Quốc đều có những kỷ niệm đặc biệt về 'Xuân vận'. Nhưng lễ hội mùa xuân năm nay sẽ khác trước. Hàng chục nghìn người đã chọn ở lại đón Tết Nguyên đán. Việc họ không chọn về quê là để có thể đoàn tụ trong tương lai", tờ này viết.

"Mỗi người đều cần hy sinh một chút"

Trên mạng xã hội Trung Quốc, một số người bày tỏ ý kiến rằng chính quyền địa phương áp đặt thêm các quy định mới nghiêm ngặt hơn nhưng không cần thiết.

Dan Di, sinh viên 21 tuổi đến từ thành phố Quảng Châu, nói: “Tôi nghĩ chính sách này quá nghiêm ngặt".

Sau khi trở về từ Hong Kong, anh phải cách ly 21 ngày, bao gồm hai tuần trong khách sạn ở thành phố Chu Hải và một tuần cách ly tại nhà ở Quảng Châu.

Dan Di tự nhận mình là người may mắn khi có đủ thời gian và tiền bạc để đáp ứng đủ các quy định. Nhưng anh cho rằng không phải ai cũng có điều kiện như vậy.

"Xuân vận là cơ hội duy nhất, và là dịp quan trọng nhất để người dân trở về nhà, đoàn tụ với gia đình", sinh viên này nói.

Tet Nguyen dan Trung Quoc anh 4

Người dân chen chúc trên Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc vào tháng 10/2020. Ảnh: Getty.

Ngoài việc áp đặt thêm các quy định cách ly nghiêm ngặt, một số tỉnh thành ở Trung Quốc cũng trợ cấp cho người dân để tuân thủ quy định, theo CNN.

Ví dụ, thành phố Hàng Châu tài trợ khoản tiền mặt 1.000 nhân dân tệ (khoảng 155 USD) cho mỗi lao động nhập cư chọn ở lại vào dịp Tết này.

Một số địa phương khác cũng tài trợ phiếu mua hàng, giảm giá tiền thuê nhà và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận sớm với vaccine Covid-19, theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc.

Ngày 5/2, Bộ Nội vụ Trung Quốc ban hành hướng dẫn cho các quan chức địa phương, nhằm tăng cường hỗ trợ "chăm sóc và phục vụ" 7 triệu trẻ em không được gặp cha mẹ trong dịp Tết Nguyên đán.

Cơ quan này khuyến khích các bậc cha mẹ "gọi điện thoại và gọi video để 'tâm sự' với con cái" ở quê nhà.

Tian Qimeng, giám đốc công ty tư vấn kỹ thuật ở thành phố cảng Thiên Tân, cho biết công ty của ông tặng 300 nhân dân tệ (46 USD) tiền mặt cho những nhân viên không phải người địa phương chọn ở lại đây nghỉ lễ.

"Ban đầu tôi cũng muốn về nhà, nhưng cuối cùng quyết định từ chối vì tôi muốn làm gương tốt cho mọi người", ông nói.

Đây là năm thứ hai ông Tian ăn Tết xa nhà. Năm 2020, giám đốc 49 tuổi này cũng không về quê ở tỉnh Thiểm Tây do lo ngại Covid-19 lây lan.

Lần cuối cùng ông ăn Tết xa nhà hai năm liên tiếp là cách đây hơn 20 năm, khi ông vừa tốt nghiệp đại học.

Tian cho biết ông "tôn trọng và hiểu" ý nghĩa của những quy định hạn chế đi lại trong bối cảnh này.

"Họ đều là những chuyên gia (y tế) chuyên nghiệp. Nếu là tôi thì cũng không thể đưa ra những chính sách hiệu quả hơn. Vậy tại sao không làm theo họ? Tốt nhất là mọi người nên làm đúng chuyên môn của mình", ông nói.

Tet Nguyen dan Trung Quoc anh 5

Công nhân treo đèn lồng đỏ ở một khu du lịch ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 1/2 để chuẩn bị cho lễ hội mùa xuân. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, nhiều người khác cũng đang tuân thủ quy định do chính quyền ban hành.

Thông thường khoảng một tuần trước Tết Nguyên đán, Vicky Wang - nhân viên công ty công nghệ ở Thượng Hải - sẽ bay về quê với cha mẹ ở tỉnh Thiểm Tây.

Nhưng năm nay, cô gái 25 tuổi này sẽ đón Tết tại Thượng Hải, cùng với ít bánh gạo và chocolate cô mới mua.

Wang cho biết cô hiểu những đề xuất và lo ngại của chính phủ.

"Chúng ta phải tìm cách sống nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Chúng ta phải hạn chế mọi khả năng lây lan của virus. Vì vậy, Tết này, mỗi người cần hy sinh một chút để đảm bảo an toàn cho mọi người", cô nói.

Người dân Trung Quốc trở lại làm việc giữa đại dịch corona Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, Trung Quốc đang cố gắng đưa nhân viên trở lại làm việc trong khi quốc gia này đang chống lại sự bùng phát của virus corona gây chết người.

Nhà ga, sân bay Trung Quốc thưa khách dịp 'xuân vận'

Giữa lúc Trung Quốc siết chặt biện pháp chống dịch, số chuyến vận chuyển khách về quê dịp "xuân vận" năm nay chỉ khoảng 17,58 triệu lượt - giảm gần 75,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc sẽ tiêm chủng Covid-19 cho 50 triệu người trước 'xuân vận'

Trung Quốc đang chạy đua để tiêm vaccine Covid-19 cho 50 triệu người trước khi mùa "xuân vận" bắt đầu với hàng triệu lượt di chuyển mỗi ngày trên khắp cả nước.

Hương Ly

Bạn có thể quan tâm