*Bài viết được Zing.vn lược dịch theo câu chuyện của phóng viên Celia Chen từ tờ SCMP.
Hơn 10 ngày qua, kể từ khi Vũ Hán, quê hương của tôi bị phong tỏa và cách ly với thế giới bên ngoài do sự bùng phát của virus corona, mẹ tôi chỉ bước ra ngoài một lần duy nhất để đổ rác.
Mọi năm, vào khoảng thời gian này, mẹ tôi thường khá bận rộn với công việc chuẩn bị đồ ăn cho những ngày Tết âm lịch hoặc chơi mạt chược (một trò chơi phổ biến tại Trung Quốc) cùng các thành viên khác trong gia đình.
Đường phố không một bóng người do sự bùng phát của virus corona. Ảnh: SCMP. |
Theo truyền thống hàng năm của gia đình tôi, Tết là thời gian mà mọi người có thể đoàn tụ, sum họp. Tuy nhiên, năm nay, mẹ tôi đã phải đón mừng năm mới trong sự cô độc khi phải ở nhà một mình bởi lệnh phong tỏa thành phố từ ngày 23/1.
Tình hình tại nơi đây ngày càng trở nên tồi tệ, điều đó khiến tôi buộc phải hủy chuyến bay về nhà từ Thâm Quyến, thành phố mà tôi đang sinh sống. Cha tôi làm việc tại một công ty khí đốt ở khu vực khác trong thành phố. Ông không thể về nhà vì các phương tiện giao thông công cộng tại Vũ Hán đã ngừng hoạt động. Ông cũng nói với tôi rằng điều quan trọng nhất mà ông cần làm vào thời điểm này là đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt an toàn cho tất cả cư dân trong thành phố.
Điều đó khiến gia đình tôi không được đoàn tụ, mỗi người phải ở một nơi riêng biệt. Chúng tôi chỉ có thể giữ liên lạc với nhau thông qua các cuộc gọi và nhóm trò chuyện trên nền tảng WeChat.
Là một phóng viên công nghệ, tôi từng nghĩ rằng mình luôn cập nhật những tin tức mới nhất về tình hình bùng phát của dịch corona. Tuy nhiên, bố mẹ tôi, những người tiếp cận với Internet không lâu, đã gửi cho tôi nhiều tin tức về dịch bệnh trước khi tôi đọc được chúng.
Các nền tảng mạng xã hội trở thành nơi cập nhật tin tức về virus corona của người dân Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Mẹ nói rằng bà theo dõi thông tin vào mỗi buổi sáng thông qua các ứng dụng tin tức của Baidu và WeChat. “Mẹ cũng xem TV, nhưng hiện tại nó không còn là kênh chính để cập nhật các thông tin mới nhất. Các ứng dụng này có thể đưa ra cảnh báo ngay khi có tin tức mới, trong khi TV không thể làm điều này. Chúng cũng liên tục cập nhật thông tin hàng giờ”, bà nói với tôi.
Không chỉ cập nhật thông tin qua các ứng dụng tin tức, cả bố và mẹ tôi đều nhận được nhiều nguồn tin khác nhau từ các nhóm của đồng nghiệp và bạn bè họ. Điều này làm tôi cảm thấy khá lo lắng vì họ có thể bị lừa bởi một số tin tức giả mạo và các tin đồn lan truyền trên mạng về sự bùng phát của virus corona.
Để mẹ quên đi những thông tin về virus corona, tôi đã rủ bà ấy chơi mạt chược trực tuyến cùng mình. Có vẻ như, bà đã khá quen với điều này khi có thể tự mình tạo một phòng chơi và gửi lời mời tham gia đến các thành viên khác trong gia đình. Như vậy, chúng tôi đã có thể làm điều mà gia đình vẫn thực hiện hàng năm, nhưng không thể làm nó một cách trực tiếp vào năm nay.
Ở nhà một mình, mẹ tôi cũng đã tìm ra những cách khác nhau để giải trí trên Internet. “Mẹ nghĩ rằng điều có thể làm lúc này là giữ cho sức khỏe của mình đảm bảo cả về thể chất lẫn tinh thần để không gây thêm nhiều gánh nặng cho các bác sĩ”, bà chia sẻ trong một cuộc trò chuyện với tôi.
“Thật không đúng nếu mẹ nói rằng không cảm thấy sợ chút nào, nhưng mẹ vẫn phải tìm các để duy trì sức khỏe và tinh thần cho đến khi lệnh phong tỏa hết hiệu lực”, bà nói.
Để duy trì thể lực, bà đã cố gắng luyện tập theo bài hướng dẫn nhảy trên các nền tảng video trực tuyến như Kuaishou và Douyin vào mỗi buổi sáng. “Những đồng nghiệp trẻ tuổi hơn đã giúp mẹ cài đặt các ứng dụng phổ biến nhất hiện tại và dạy mẹ sử dụng chúng”, bà nói.
Người dân tại Vũ Hán hạn chế ra ngoài, chỉ có thể giải trí trên Internet. Ảnh: SCMP. |
Bà ấy cũng gửi cho tôi nhiều đoạn video hài hước trên Douyin (một phiên bản khác của TikTok tại thị trường Trung Quốc). Những video này chứa hình ảnh vui nhộn về việc người dân Vũ Hán làm khi họ không thể ra ngoài trong thời gian dịch corona bùng phát. Một số người hóa trang để biểu diễn múa rồng, múa lân tại nhà, mừng năm mới. Trong khi đó, một số khác lại câu cá từ bể cá của họ.
Khác với mẹ, trong những ngày qua, tôi liên tục dán mắt vào kênh truyền hình trực tiếp của CCTV về quá trình xây dựng không ngừng nghỉ 2 bệnh viện dã chiến Huoshenshan và Leishenshan ở Vũ Hán.
Tôi không phải là người duy nhất quan tâm điều này. Tại thời điểm cao nhất, có hơn 50 triệu người dùng Internet tại Trung Quốc theo dõi cùng lúc video về hành trình của khoảng 190 công nhân xây dựng bệnh viện trong suốt ngày đêm.