Xe điện Tesla sạc nhanh bằng Tesla Superchargers tại một trung tâm du lịch và trạm xăng Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Việc chấm dứt khoản hỗ trợ trị giá 7.500 USD đối với xe điện có thể gây tác động nghiêm trọng đến quá trình chuyển đổi sang xe điện vốn đang gặp khó khăn tại Mỹ. Tuy nhiên, đại diện của Tesla - nhà sản xuất xe điện lớn nhất tại Mỹ - cho biết hãng ủng hộ việc hủy bỏ khoản trợ cấp này trong cuộc họp với ủy ban chuyển giao của ông Trump, theo Reuters.
Hiện tại, cổ phiếu của Tesla đã giảm 5,8% xuống còn 311,18 USD/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu các hãng xe điện khác như Rivian giảm mạnh 14,3% xuống còn 10,31 USD và Lucid giảm 4,6% xuống 2,08 USD/cổ phiếu.
Tesla là nhà sản xuất xe điện lớn nhất nước Mỹ và có thể hưởng lợi từ việc loại bỏ chính sách này. CEO Tesla Elon Musk, cũng là một trong những người ủng hộ lớn nhất của Trump, từng cho rằng việc hủy bỏ trợ cấp sẽ có tác động tiêu cực đến các đối thủ cạnh tranh của Tesla nhưng lại có lợi cho công ty này.
Thay đổi chính sách về xe điện
Theo Reuters, một nhóm chuyển giao chính sách năng lượng do tỷ phú Harold Hamm và Thống đốc Doug Burgum dẫn đầu đã tổ chức nhiều cuộc họp về việc bãi bỏ khoản trợ cấp - một biện pháp đặc biệt trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Tổng thống Joe Biden.
Elon Musk cũng đã tham gia các cuộc thảo luận về chính sách năng lượng này.
Harold Hamm, một người ủng hộ từ lâu của ông Trump và là người sáng lập Continental Resources, đã thúc đẩy các chính sách bảo vệ ngành dầu khí, bao gồm việc khôi phục sản xuất dầu mỏ trong nước và giảm bớt các quy định về năng lượng sạch.
Những chính sách này có thể tạo ra lợi ích lớn cho các công ty năng lượng truyền thống nhưng cũng có thể khiến quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch gặp khó khăn.
Trước đó, Liên minh Đổi mới Ôtô (Alliance for Automotive Innovation) đã gửi một bức thư đến quốc hội Mỹ vào ngày 15/10, yêu cầu giữ lại khoản tín dụng thuế cho xe điện.
Liên minh này nhấn mạnh các khoản hỗ trợ này là “công cụ quan trọng để củng cố vị thế của Mỹ trong ngành sản xuất ôtô tương lai”. Các nhà sản xuất ôtô của Mỹ cần các khoản trợ cấp này để giảm chi phí và thúc đẩy sản xuất xe điện, giúp Mỹ duy trì vị thế cạnh tranh trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu.
Nhóm chuyển giao của ông Trump không đưa ra bình luận về tương lai của khoản hỗ trợ tín dụng thuế này nhưng trong một tuyên bố phát đi, đại diện nhóm chuyển giao cho biết tổng thống đắc cử sẽ thực hiện “những lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử”.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ chấm dứt “khoản trợ cấp xe điện” của ông Biden.
Một số nguồn tin cho biết đội ngũ chuyển giao của ông Trump tin rằng khoản hỗ trợ cho xe điện này có thể dễ dàng bị loại bỏ và nhận được sự đồng thuận rộng rãi từ quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Tuy vậy, một số chính sách khác của ông Biden có thể khó bãi bỏ hơn do được nhiều người dân và các bang Cộng hòa ủng hộ, đặc biệt là khi những chính sách đã giúp tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy đầu tư vào các bang do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Ông Trump có thể sử dụng khoản tiết kiệm từ việc hủy bỏ hỗ trợ tín dụng thuế xe điện để bù đắp cho việc gia hạn các khoản cắt giảm thuế trị giá hàng nghìn tỷ USD từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông, các nguồn tin của Reuters cho biết thêm.
Ngoài cổ phiếu của các hãng xe điện giảm mạnh sau báo cáo của Reuters, cổ phiếu của các nhà sản xuất pin Hàn Quốc cũng đã giảm mạnh. Trong đó, cổ phiếu LG Energy Solution đã giảm tới 12%, trong khi Samsung SDI giảm gần 7%.
Tesla vẫn sẽ hưởng lợi
Dù Tesla là công ty hưởng lợi lớn từ các chính sách hỗ trợ ngành xe điện của ông Biden nhưng việc loại bỏ khoản trợ cấp 7.500 USD này lại tạo cơ hội để công ty của Elon Musk duy trì ưu thế trên thị trường.
Theo dữ liệu từ Cox Automotive, Tesla hiện nắm gần một nửa thị phần xe điện tại Mỹ. Các đối thủ cạnh tranh như General Motors (GM), Ford và Hyundai, dù có sản phẩm xe điện đáng chú ý, vẫn chưa thể bắt kịp. Dù vậy, các đối thủ đã dần dần làm suy giảm thị phần của Tesla, vốn từng chiếm hơn 80% trong quý I/2020.
Một số nhà phân tích cho rằng việc hủy bỏ khoản tín dụng thuế với xe điện sẽ khiến những đối thủ này gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với Tesla. Điều này có thể giúp công ty của Elon Musk duy trì ưu thế về doanh số trong khi các đối thủ phải vật lộn với chi phí sản xuất cao.
Nicholas Mersch, người quản lý danh mục đầu tư tại Purpose Investments, cho biết Tesla có thể chịu được tác động tiêu cực của việc hủy bỏ khoản trợ cấp nhờ “khả năng kỹ thuật và sản xuất” của hãng giúp giảm chi phí.
Elon Musk và Tesla cũng có thể hưởng lợi từ các chính sách mà ông Trump dự kiến giữ lại hoặc tăng cường. Một trong những chính sách đó là các rào cản thương mại lớn đối với xe điện Trung Quốc, bao gồm cả việc áp thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hiện nay, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, đặc biệt là BYD đang phát triển mạnh mẽ và chiếm lĩnh thị trường nội địa - cũng là thị trường ôtô lớn nhất thế giới với sự hỗ trợ từ các khoản trợ cấp của chính phủ.
Tesla cũng là một "gã khổng lồ" tại Trung Quốc nhưng giống như tất cả nhà sản xuất ôtô nước ngoài khác, hãng đang dần mất thị phần vào tay các đối thủ nội địa - những công ty bán xe điện với giá chỉ từ 10.000 USD.
Việc ông Trump giữ lại các biện pháp bảo vệ thương mại có thể giúp Tesla tận dụng các chính sách này để giữ vững thị phần tại Mỹ.
Tương lai của Detroit
Trong khi đó, Mike Murphy, một chiến lược gia đảng Cộng hòa lâu năm và là người điều hành EV Politics Project - một nhóm vận động hỗ trợ xe điện lưỡng đảng - mô tả động thái này là “rất xấu cho các nhà sản xuất ôtô Mỹ” đang cố gắng bắt kịp ngành công nghiệp xe điện được trợ cấp mạnh mẽ của Trung Quốc.
Hiện tại, các nhà sản xuất ôtô tại Mỹ đang chuẩn bị cho những thay đổi trong chính sách dưới thời chính quyền ông Trump.
Một số thay đổi có thể tạo ra sự linh hoạt lớn hơn để sản xuất thêm các loại xe SUV và xe tải chạy xăng - những mẫu xe mang lại lợi nhuận cao cho “Big 3” gồm GM, Ford và Stellantis - công ty mẹ của Jeep - tại Detroit, trung tâm sản xuất ôtô hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, các thay đổi khác, như mất đi khoản tín dụng thuế cho xe điện có thể làm suy yếu các nỗ lực trong việc chuyển đổi sang xe điện.
Mẫu xe điện F-15 Lightning của Ford đã phải ngừng sản xuất hết năm nay bởi khó khăn về chi phí. Ảnh: Reuters. |
Các công ty như GM, Ford và Hyundai hiện đầu tư lớn vào việc sản xuất xe điện, nhưng nhiều công ty vẫn phụ thuộc vào các khoản trợ cấp thuế để giảm thiểu chi phí sản xuất và giảm giá bán.
Ford dự báo lỗ khoảng 5 tỷ USD từ hoạt động kinh doanh xe điện và phần mềm năm nay. Dù các khoản hỗ trợ cho xe điện đã giúp nhà sản xuất này hạ giá một số mẫu xe như F-150 Lightning, công ty vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì đà tăng trưởng và phải ngừng sản xuất mẫu xe này đến hết năm nay.
Liên minh các công đoàn công nhân Ôtô (UAW), đại diện cho công nhân tại 3 hãng lớn không bao gồm Tesla ở Detroit đã lên tiếng ủng hộ các chính sách xe điện của chính quyền ông Biden, bao gồm cả khoản trợ cấp 7.500 USD. Tháng trước, Chủ tịch UAW, Shawn Fain cũng đã chỉ trích những đe dọa của ông Trump về việc hủy bỏ các chính sách này, cho rằng “hàng trăm nghìn” việc làm trong ngành ôtô đang bị đe dọa.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.