Chiều 17/3 ở sân Thống Nhất, Sở VHTT TP.HCM đồng ý triển khai môn teqball ở thành phố và các địa phương lân cận. HFF xây dựng kế hoạch phát triển chiến lược nhằm đạo tạo VĐV để chuẩn bị tầm nhìn cho Olympic 2028.
Ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở VHTT, nói: "Teqball là môn thể thao phù hợp với người Việt Nam vì nó đòi hỏi sự khéo léo, ít có ảnh hưởng hay tác động từ trọng tài bên ngoài. Môn này dễ chơi, không có va chạm và phù hợp để phát triển ở Việt Nam".
Một chiếc bàn chơi teqball của LĐBĐ TP.HCM. Ảnh: Quang Thịnh. |
Đối tác của HFF gửi tặng cho cơ quan này hai bộ bàn teqball và bóng thi đấu. Trị giá mỗi bàn từ 650-1.200 USD. Trong thời gian tới, Liên đoàn Teqball thế giới ở Việt Nam sẽ cử nhiều chuyên gia, HLV đến Việt Nam để đào tạo VĐV, HLV cho môn thể thao này.
Lộ trình của những nhà tổ chức là đưa teqball đến gần với người dân tập luyện thể thao, VĐV, học sinh - sinh viên trong 20 trường đại học, xây dựng nhiều hội, nhóm, CLB thể thao teqball trong tương lai.
Teqball không xa lạ với các cầu thủ thế giới. Cựu danh thủ Ronaldinho còn là đại sứ của môn thể thao gồm một quả bóng và chiếc bàn cong. Neymar và các đồng đội ở PSG vẫn thường giải trí với môn teqball.
Teqball ra đời năm 2012 ở Hungary bởi 3 người sáng lập là cựu cầu thủ Gabor Borsanyi, doanh nhân Gyorgy Gattyan và nhà khoa học máy tính Viktor Huszar. Dụng cụ đơn giản là một quả bóng và chiếc bàn bóng bàn được thiết kế cong theo quy chuẩn của FITEQ.
Các trọng tài và VĐV thử sức với môn chơi mới mà Sở VHTT TP.HCM phát triển. Ảnh: Quang Thịnh. |
Ngay sau buổi lễ ký kết phát triển môn teqball, những cầu thủ của đội năng khiếu TP.HCM đã có dịp thử sức với môn chơi mới du nhập vào Việt Nam. Các trọng tài, trợ lý trọng tài của HFF cũng hào hứng tham gia và trải nghiệm trong buổi chiều 17/3.
Trong tương lai, những nhà tổ chức sẽ nỗ lực đưa công nghệ sản xuất bàn thi đấu teqball về Việt Nam khi phong trào lan rộng. Mục tiêu xa của những người làm thể thao TP.HCM là có VĐV dự Olympic môn teqball nếu môn này được thông qua.