Theo AFP, cơ quan vũ trụ Nga cho biết tên lửa giai đoạn 2 Fregat-SB vốn được sử dụng để đưa vệ tinh hoa học Spektr-R của Nga lên quỹ đạo vào năm 2011.
"Sự việc xảy ra vào ngày 8/5, giữa khoảng 5h-6h giờ GMT, ở khu vực phía trên Ấn Độ Dương", cơ quan vũ trụ Nga cho biết trong một thông báo.
"Hiện tại chúng tôi đang làm việc để thu thập dữ liệu và xác nhận số lượng cũng như quỹ đạo của các mảnh vỡ (từ lên lửa)", thông báo cho biết thêm.
Việc tên lửa Fregat-SB tan rã được báo cáo lần đầu vào hôm 9/5, bởi tài khoản Twitter của Phi đội Kiểm soát Không gian số 18, một đơn vị của không quân Mỹ chuyên theo dõi các mảnh vỡ trong không gian.
Tên lửa Fregat-SB đưa vệ tinh Spektr-R lên vũ trụ vào ngày 12/12 năm 2015. Ảnh: Roscomos. |
Đơn vị này cho biết tên lửa đã vỡ thành 65 mảnh nhưng không có dấu hiệu cho thấy vụ việc diễn ra do va chạm.
Kính viễn vọng vô tuyến Spektr-R của Nga đã ngừng phản hồi với cơ quan kiểm soát mặt đất vào tháng 1 năm ngoái, và nhiệm vụ được tuyên bố hoàn thành vài tháng sau đó.
Dòng động cơ đẩy gian đoạn 2 Fregat được phát triển vào thập niên 1990, sau khi Liên Xô tan rã và từng được sử dụng trong một số mẫu tên lửa Soyuz và Zenit.
Động cơ nhiên liệu lỏng của nó sử dụng hỗn hợp UDMH và N2O4. Tỷ lệ thành công của nó là 97,6% với chỉ 2 lần thất bại trong 83 lần được sử dụng, khiến nó trở thành một trong những động cơ đẩy giai đoạn 2 đáng tin cậy nhất trên thế giới.
Các động cơ Fregat đã đưa thành công hơn 300 kiện hàng vào các quỹ đạo khác nhau, và nó vẫn là động cơ giai đoạn 2 duy nhất trên thế giới có thể đưa các kiện hàng lên 3 quỹ đạo khác nhau, hoặc nhiều hơn, trong một lần phóng.