Chính quyền Trump đang soạn thảo kế hoạch chi tiết về pháp lý để khai khoáng trên Mặt Trăng theo thỏa thuận quốc tế mới do Mỹ tài trợ mang tên "Hiệp định Artemis", một số nguồn thạo tin nói với Reuters.
Thỏa thuận này sẽ là nỗ lực mới nhất nhằm tập hợp đồng minh xung quanh kế hoạch đưa con người và trạm vũ trụ lên Mặt Trăng trong thập kỷ tới của NASA, giữa lúc cơ quan vũ trụ dân sự này đóng vai trò ngày càng lớn trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Mỹ.
Dự thảo hiệp ước chưa được chia sẻ chính thức với các đồng minh của Washington.
Trăng tròn hôm 16/7 nhìn từ New Jersey, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Chính quyền Trump và nhiều quốc gia khác coi Mặt Trăng là tài sản chiến lược quan trọng ngoài vũ trụ. Mặt Trăng cũng có giá trị đối với nghiên cứu khoa học dài hạn có thể cho phép thực hiện các sứ mệnh ở Sao Hỏa trong tương lai - luật vũ trụ quốc tế quy định về các hoạt động này đã bị nhiều người coi là lỗi thời.
Hiệp định Artemis, được đặt theo tên của chương trình Mặt Trăng mới mang tên Artemis của NASA, đề xuất các "khu vực an toàn" vây quanh các căn cứ ở Mặt Trăng trong tương lai để ngăn chặn thiệt hại hoặc can thiệp từ các quốc gia đối thủ, các công ty hoạt động gần nhau.
Hiệp ước này cũng tạo ra khuôn khổ theo luật pháp quốc tế cho phép các công ty sở hữu tài nguyên mà họ khai thác được, các nguồn tin cho biết.
Trong những tuần tới, các quan chức Mỹ dự định chính thức đàm phán hiệp định với các đối tác không gian như Canada, Nhật Bản và các nước châu Âu, cũng như Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), khởi động quá trình đàm phán với các quốc gia mà chính quyền Trump coi là có lợi ích "giống nhau" trong việc khai khoáng trên Mặt Trăng.
Nga, đối tác lớn với NASA trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, sẽ không trở thành đối tác sớm trong hiệp định này, các nguồn tin cho biết. Lầu Năm Góc ngày càng coi Moscow là thù địch vì cho vệ tinh di chuyển một cách "đe dọa" hướng đến vệ tinh gián điệp của Mỹ trên quỹ đạo Trái Đất.
Mỹ là thành viên của Hiệp ước Không gian Vũ trụ năm 1967 và coi các "khu vực an toàn" là việc triển khai một trong những điều khoản gây tranh cãi gay gắt của hiệp định. Điều khoản này nói rằng các thiên thể và Mặt Trăng "không phải là đối tượng để các quốc gia chiếm hữu bằng tuyên bố chủ quyền, bằng cách sử dụng hoặc chiếm đóng, hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào khác".
Hiệp định Artemis là một phần trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm từ bỏ tiến trình hiệp ước 1967 tại Liên Hợp Quốc và thay vào đó tiến đến thỏa thuận với "các quốc gia có cùng chí hướng", theo một nguồn tin.
Khi các quốc gia ngày càng coi không gian là một địa hạt quân sự mới, thỏa thuận do Mỹ lãnh đạo cũng là biểu tượng cho vai trò ngày càng tăng của NASA như công cụ của ngoại giao Mỹ. Hiệp định nhiều khả năng sẽ gây tranh cãi giữa các đối thủ không gian của Washington, như Trung Quốc.
NASA đang đầu tư hàng chục tỷ USD vào chương trình Artemis, kêu gọi đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 2024 và xây dựng "sự hiện diện bền vững" trên cực nam Mặt Trăng sau đó, với các công ty tư nhân khai thác đá Mặt Trăng và nước ngầm có thể chuyển đổi thành nhiên liệu tên lửa.