“Cảm ơn Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin - người bạn, người đồng nghiệp Mỹ của tôi - vì các công cụ mạnh mẽ này”, ông Reznikov chia sẻ trên Twitter.
Tuyên bố của ông Reznikov được đưa ra hơn ba tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận nước này sẽ gửi tên lửa HIMARS cho Ukraine để Kyiv có thể nhắm tới các "mục tiêu quan trọng" trên chiến trường.
Một hệ thống HIMARS của Mỹ tham gia tập trận. Ảnh: Quân đội Mỹ. |
“Chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa và đạn dược tiên tiến hơn để giúp họ tấn công chính xác hơn mục tiêu quan trọng trên chiến trường”, ông Biden tuyên bố hôm 31/5, theo New York Times.
Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hôm 9/6 cho biết Washington đã lên kế hoạch huấn luyện một trung đội Ukraine về cách sử dụng hệ thống vũ khí tiên tiến này.
“Sẽ chẳng ích gì nếu chỉ ném hệ thống vũ khí này vào cuộc giao tranh. Bạn phải được đào tạo để khai thác tối đa hiệu quả của nó như một hệ thống chính xác”, ông nhận định.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố việc Mỹ tăng cường cung cấp vũ khí cho Kyiv sẽ tạo thêm rủi ro.
Theo ông Ryabkov, Mỹ quyết tâm "chiến đấu (với Moscow) tới người Ukraine cuối cùng để gây ra một thất bại chiến lược đối với Nga, như họ đã nói", AFP đưa tin.
“Đây là điều chưa từng có, điều này thật nguy hiểm”, ông Ryabkov nói.
Hệ thống tên lửa HIMARS có nhiều tính năng vượt trội so với các vũ khí mà Ukraine đang sở hữu. Với tầm bắn xa hơn, HIMARS có thể giúp Kyiv tấn công sâu vào vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, đe dọa các đơn vị pháo binh hay các kho hậu cần của Nga.