Những ngày cuối thu là mùa đu đủ xuống phố, ra chợ. Từ đầu tháng 8 Âm lịch, vợ chồng chị Lê Thị Mười (làng Thu Quế, xã Song Phượng, Đan Phương, Hà Nội) tất bật trẩy đu đủ, giấm hương mang vào nội thành bán. Sạp hàng của chị Mười tại sân chợ nhà thờ làng Vạn Phúc (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) rộng chỉ khoảng 1 m. Tại đây, chị Mười bán đủ loại rau quả nhưng riêng đu đủ sạch do nhà trồng là loại quả bán nhanh nhất, số lượng lớn nhất mỗi ngày.
Chị Mười chia sẻ, trung bình mỗi ngày chị bán hết từ 70 đến 100 kg đu đủ với giá 13.000 đồng/kg trong chưa đầy 2 tiếng buổi sáng. “Chở bằng xe máy lại ôm thêm các loại rau củ khác nên vợ chồng tôi không có sức lai thêm chứ mang ra bán bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Bà con quanh chợ ăn quen, biết chất lượng, có nhà ngày nào cũng trực giờ tôi bán là ra mua về ăn, nhiều nhà ra muộn thì hẹn tới hôm sau”, chị Mười nói. Giá bán đu đủ tại sân chợ này có nhiều mức, dao động 12.000 - 15.000 đồng/kg. Nhưng theo chị chủ, giá hợp lý và chất lượng ngon, an toàn giúp hàng nhà chị nhanh hết, có nhiều khách quen.
Trung bình mỗi năm, 4 sào đu đủ nhà chị Mười cho thu hoạch khoảng hơn 5 tấn, doanh thu 40 triệu đồng. Ảnh: Diệp Sa. |
Làng Thu Quế nổi tiếng là đất trồng đu đủ, cho hiệu quả kinh tế cao của huyện Đan Phượng, Hà Nội. Tuy nhiên, cách đây vài năm, nhiều thông tin phản ánh việc một số hộ dân trong làng sử dụng hóa chất độc hại để giấm chín đu đủ siêu nhanh khiến khách hàng quay lưng, không ít gia đình trồng đu đủ an toàn gặp cảnh lao đao. Gia đình chị Mười mới trồng đu đủ được 3 năm nay nhưng cũng như nhiều hộ trồng có tâm khác, chị Mười trồng đu đủ và giấm quả theo phương pháp ủ hương an toàn. “Muốn có khách lâu dài thì phải làm ăn tử tế. Khách hàng bây giờ tinh lắm, chỉ cần một lần sai phạm, bán hoa quả không đảm bảo cho khách là đi tong cả vườn, cả vụ!”, chị Mười tâm sự.
Gia đình có 4 sào đu đủ (hơn 1.400 m2), trồng được 415 cây theo phương pháp gieo hạt. Chị Mười mua giống đu đủ Đài Loan, cho năng suất khá cao. Trung bình mỗi cây thu hoạch được 10 - 30 quả, mỗi quả nặng 0,8 - 1 kg. Tổng kết trung bình một vụ thu hoạch khoảng hơn 5.000 tấn đu đủ, số lượng khá lớn nhưng chủ vườn cho biết, chỉ đủ cho khách mua lẻ. Tổng thu nhập hàng năm từ đu đủ của chị Mười là 40 triệu đồng, chưa kể các loại hoa màu khác. Mùa thu hoạch đu đủ kéo dài gần 3 tháng. Các cây ra hết quả, thu hoạch xong được nông dân phá bỏ, gieo hạt mới cho vụ kế tiếp.
Dân làng Thu Quế chờ đu đủ trên cây xuất hiện 4 khía chín vàng sẽ trẩy xuống để giấm hương an toàn. Ảnh chụp tại vườn hộ nhà anh Thịnh, chị Hường (Thu Quế, Đan Phượng, Hà Nội). |
Theo chị Mười, đu đủ là loại cây trồng nhàn, ít sâu bệnh nên không nhất thiết phải phun thuốc. Để đảm bảo phương pháp trồng an toàn 100%, chị Mười phòng sâu bệnh cho cây bằng vôi bột và bón phân gà ủ với trấu. Tuy nhiên, để đu đủ an toàn đến tay người dùng, chủ vườn tiết lộ, quan trọng nhất là khâu giấm quả. “Đu đủ nếu để chín hết trên cây sẽ bị rỗ, hỏng nên các nhà thường chờ tới khi có 4 khía vàng đỏ xuất hiện trên quả là thu hoạch luôn sau đó cho vào giấm”.
Nhà chị Mười và phần lớn các hộ trồng đu đủ tại làng Thu Quế hiện chọn phương pháp giấm ủ hương (còn gọi là vào hương) do cha ông truyền lại. Đu đủ thu hoạch được tập kết quanh những bát hương to, tỏa khói nghi ngút, sau đó trùm tải kín cho tới khi nóng ấm, hương cháy hết, chờ tới 3 - 4 ngày sau sẽ chín. Theo dân trong nghề, cách giấm này tuy tốn thời gian nhưng rất an toàn, giữ được độ ngọt đậm và mùi thơm của trái. “Loại đu đủ quả to, đẹp mã nhưng xanh được giấm chín bằng thuốc sẽ có vị nhạt nhẽo, thậm chí hơi đắng chứ không thể ngon như đu đủ chín cây giấm hương được”, một dân làng cho biết.
Hiện sản phẩm đu đủ sạch của làng Thu Quế được chính người dân trong làng ủng hộ. Những người con đi xa cũng liên hệ về làng mua đu đủ sạch làm quà cho người thân, bạn bè. Tiếng lành đồn xa, đu đủ Thu Quế được nhiều khách hàng ủng hộ. Chị Đào Mai Trinh (Lê Duẩn, Hà Nội) nhờ người quen nhập buôn đu đủ sạch, mẫu mã đẹp từ làng Thu Quế bán trên mạng khá đắt hàng. Trung bình mỗi ngày chị Trinh bán ra khoảng 30 kg đu đủ với giá 27.000 đồng/kg. “Đu đủ bán khá chạy nhưng không lãi nhiều do giá nhập hàng tuyển cao, lại phải trừ chi phí hư hao do vận chuyển và phí làm mác, đóng gói. Tuy nhiên, tôi rất vui khi đu đủ sạch của làng được khách hàng ủng hộ nhiệt tình”, chị Trinh chia sẻ.