Chị Kiều Phương Anh (Văn Quán, Hà Đông)- nhân viên một công ty liên doanh của Hàn Quốc bán online hoa quả miền Tây được nửa năm nay. Chị cho biết, có người cậu là chủ vườn quả trong Tiền Giang nên chị nhờ chuyển hàng ra Hà Nội bán.
Hiện một quả bưởi da xanh miền Tây trọng lượng 1,2 - 1,4kg bán tại Hà Nội có giá 110.000 đồng, đu đủ 30.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn 50.000 đồng/kg, sầu riêng RI6 giá 65.000 đồng/kg, ...Trong khi đó, sầu riêng bán ngoài chợ giá 50.000 đồng/kg, đu đủ 15.000 đồng/kg, mãng cầu 30.000 đồng/kg...
Theo chị Phương Anh, giá quả miền Tây đắt do chất lượng quả tại các vùng miền hoàn toàn khác nhau. "Quả miền Tây mùi thơm, vị đậm, nhiều chất dinh dưỡng hơn so với cùng loại quả trồng ở nơi khác. Khách mua chủ yếu là những gia đình có điều kiện, người kỹ tính. Có gia đình quanh năm chỉ ăn quả đặc sản miền Tây này", chị nói. Ngoài ra, do tính không phổ biến, phí vận chuyển và công bảo quản tốn kém nên giá các loại quả cũng tăng cao. Theo chị Phương Anh, mua tại vườn Tiền Giang, 1kg chôm chôm nhãn là 20.000 đồng nhưng để chuyển ra Hà Nội thì giá lên đến 30.000 đồng/kg.
Dù giá cao nhưng khách hàng của shop online này luôn đông. Mỗi lần nhập hàng 1 - 2 tấn hoa quả, chị Phương Anh chỉ bán khoảng 1 tuần là hết. Chị cho biết, hoa quả miền Tây dễ bán. Nhiều lần khách đặt số lượng lớn ăn tiệc, sắp cỗ hay dự trữ mà chị không còn hàng.
Dù có giá cao hơn so với hoa quả vùng miền khác, trái cây miền Tây vẫn được dân thủ đô ưa chuộng. Ảnh: Ngọc Lan. |
Giá quả miền Tây đắt hơn so với giá thị trường do chi phí bảo quản hoàn toàn tự nhiên nên tốn kém. Chị Phương Anh cho biết, để bảo quản hoa quả tươi trong quá trình vận chuyển, chủ vườn thường sử dụng ống đá làm mát trong bao bì và hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản.
Chị Nguyễn Phương Mai (Xuân Thuỷ, Cầu Giấy), một khách hàng quen tại cửa hàng cho biết: "Quả gốc miền Tây ăn vào biết liền vì mùi thơm, khi ăn vị đậm. Còn những hàng bán ngoài vỉa hè, được quảng cáo đặc sản miền Tây thì 90% không phải quả chính gốc", chị nói.
Cũng tham gia bán online hoa quả theo mùa, chị Hương Giang ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, mấy năm gần đây hoa quả miền Tây bán được. Khách hàng thường đặt trước, khi số lượng lớn từ 50 tạ đến 1 tấn chị Giang mới đặt mua tại vườn để chuyển ra Hà Nội bán. Do quả mới hái còn tươi nên ra Hà Nội giao hàng cho khách không bị héo.
Chị Giang chia sẻ, so mức giá với hoa quả bên ngoài, loại có nguồn gốc từ miền Tây đắt hơn hẳn, gấp 2 - 3 lần. "Do đó, nó dần trở thành thứ quả cao cấp ở Hà Nội”, chị nói. Khách mua thường là gia đình, người có thu nhập cao. Là dân buôn lâu năm nên chị Giang khẳng định, hoa quả miền Tây không có giá bán rẻ như các sạp đổ đống vỉa hè đường Hà Nội. Theo chị, hoa quả trái mùa bán tại Hà Nội thường có nguồn từ miền Tây hoặc Trung Quốc. “Tuy nhiên, quả Trung Quốc ăn không ngon và đặc biệt giá rất rẻ”, chị nói.
Một điều chị chia sẻ, hoa quả miền Tây đắt khách, nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, hoa quả ít để được lâu do hái tự nhiên, không chất bảo quản nên phải bán nhanh, bán gấp, khó dự trữ bán lâu dài như các loại hoa quả khác. Một số loại quả không phổ biến ở miền Bắc như sầu riêng, bơ, xoài cát, măng cụt, bòng boong, ... về Hà Nội thường đội giá lên khá cao.
Bưởi da xanh miền Tây tại Hà Nội có giá hơn 100.000 đồng/quả chỉ hơn 1 kg nhưng vẫn được nhiều khách hàng chuộng. |
Chị Hường, chủ cửa hàng hoa quả ở Nhổn (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hoa quả cửa hàng chị thường nhập từ các vùng Sơn La, Lào Cai, Bắc Giang và một số mặt hàng trong miền Tây. "Riêng quả miền Tây giá đắt nhưng khách hàng chuộng mua hơn so với đặc sản các vùng miền Bắc", chị cho biết.
Tại cửa hàng chị, đặc sản quả miền trong luôn đắt gấp 3 - 4 lần loại thường nhưng vẫn đông khách. Bơ sáp có giá 70.000 - 75.000 đồng/kg trong khi bơ Sơn La chỉ 35.000 đồng/kg. Sầu riêng RI6 giá 75.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn 60.000 đồng/kg, mãng cầu xiêm 100.000 đồng/kg, bưởi da xanh 200.000 đồng/quả... thì hoa quả vùng Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, Lạng Sơn chỉ có giá chưa bằng một nửa.
Lý giải về sự chênh lệch giá cả quả giữa các vùng, chị Hường cho biết, phí vận chuyển, thời gian bảo quản hoa quả miền Tây tốn kém và lâu hơn, chất lượng dinh dưỡng cao nên có giá nhỉnh hơn. Trong khi đó, trái cây xuất xứ ở các vùng khác phổ biến hơn và chi phí rẻ. Theo chị, giống như tại thị trường miền Nam và miền Tây, những loại quả đặc trưng miền Bắc, trong đó có vải thiều, khá ít, nên cũng được ưa chuộng. Yếu tố phân phối, vùng miền tương đối quan trọng, người bán này lý giải.