Theo Reuters, Tây Ban Nha thông báo về quyết định trên hôm 14/5 trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực gia tăng, với lo ngại về một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran.
Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha chưa cho biết nguyên nhân của việc rút tàu khu trục Mendez Nunez với 215 thủy thủ khỏi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln do Mỹ chỉ huy. Quyền bộ trưởng Margarita Robles dự kiến sẽ tổ chức họp báo tại Brussels, trụ sở EU, để lý giải cho quyết định này trong ngày 14/5.
Tàu khu trục Menez Nunez của Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters. |
Quyết định của Tây Ban Nha được cho là dấu hiệu cho thấy sự bất đồng giữa Madrid nói riêng và EU nói chung đối với Washington về cách giải quyết vấn đề Iran.
Trong khi EU chia sẻ một số quan ngại của Mỹ về các hoạt động của Tehran, trong đó có sự dính líu quân sự tại Syria, nhóm này vẫn khẳng định lập trường ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân 2015. Đây là văn kiện Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi tháng 5/2018.
Mỹ bắt đầu tăng cường sức mạnh quân sự xung quanh Iran từ hôm 5/5, bằng việc đưa nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, nhiều máy bay chiến đấu và tên lửa tới khu vực. Chỉ huy Hạm đội 5 của Mỹ tuyên bố hạm đội có thể băng qua eo biển Hormuz, vị trí chiến lược nhạy cảm ngoài khơi Iran, "nếu thấy cần thiết".
Máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ hạ cánh xuống căn cứ không quân Al Udeid hôm 9/5. Ảnh: AFP. |
Ngày 13/5, kế hoạch triển khai tới 120.000 binh sĩ đã được các quan chức quốc phòng Mỹ trình lên Tổng thống Trump. Việc triển khai có thể mất vài tuần, hoặc vài tháng để hoàn thành.
Washington tuyên bố động thái tăng cường sức mạnh quân sự là biện pháp nhằm răn đe mối đe dọa tiềm tàng từ Iran đối với các các mục tiêu và lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Trong khi đó, Iran cho biết Mỹ đang thực hiện cuộc chiến tâm lý, Tehran coi sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ là một mục tiêu, chứ không phải là “mối đe dọa” và tuyên bố xuất khẩu dầu mỏ của họ sẽ không bị dừng lại.