Ngoài cựu thủ hiến Carles Puigdemont, Tây Ban Nha còn đề nghị Liên minh Châu Âu (EU) phát lệnh bắt giữ 4 cựu bộ trưởng của vùng tự trị Catalonia sau khi họ không về nước để hầu tòa, theo Guardian.
Ông Puigdemont, được cho là đang ở tại Brussels, Bỉ, trước đó đã được tòa án quốc gia ở Madrid triệu tập cho phiên tòa diễn ra vào ngày 2 và 3/11. Ông và 13 thành viên chính quyền cũ có thể bị cáo buộc các tội chống chính quyền, xúi giục nổi loạn và sử dụng ngân quỹ sai mục đích trong vụ nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập cuối tuần trước.
Cựu thủ hiến Carles Puigdemont trong cuộc họp báo tại Bỉ hôm 31/10. Ảnh: Getty. |
Đầu ngày 2/11, luật sư của ông Puigdemont nói thân chủ của ông muốn hợp tác với tòa án nhưng không có ý định về nước. Trong khi đó, cơ quan công tố Tây Ban Nha đã đề nghị tòa án tống giam tất cả 9 thành viên của chính quyền Catalonia xuất hiện tại tòa. Tòa hiện chưa đưa ra quyết định.
Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi đến Bỉ vào hôm 31/10, cựu thủ hiến Puigdemont nói cơ quan tư pháp Tây Ban Nha hành động không phải vì "khát khao công lý" mà là vì "ý muốn trả thù". Tuy nhiên, ông nói sẽ tôn trọng kết quả cuộc bầu cử tại Catalonia dự kiến diễn ra vào tháng 12.
Vùng tự trị Catalonia nằm ở đông bắc Tây Ban Nha. Đồ họa: Washington Post. |
"Chúng tôi muốn tố cáo việc chính trị hóa hệ thống tư pháp Tây Ban Nha, sự thiếu công bằng, truy lùng các tư tưởng hơn là tội phạm và để giải thích cho thế giới những thiếu sót về dân chủ nghiêm trọng của Tây Ban Nha", ông nói.
Ông Puigdemont phủ nhận việc muốn xin tị nạn nhưng cho biết ông và một số cựu bộ trưởng khác đi cùng sẽ chỉ quay trở lại nếu được đảm bảo rằng thủ tục tố tụng sẽ công bằng.
Nếu bị tòa án Tây Ban Nha tuyên có tội, ông Puigdemont có thể phải đối diện mức án 30 năm tù.
Sau một thời gian sôi sục, phong trào đòi độc lập tại Catalonia có dấu hiệu dịu lắng. Dù Madrid áp đặt kiểm soát trực tiếp lên chính quyền khu vực Catalonia từ hôm 30/10, tình trạng bất tuân đã không xảy ra như đe dọa của các nhóm ủng hộ ly khai trước đó.