Là hãng taxi lớn nhất thị trường phía Nam, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cũng giống như nhiều hãng taxi truyền thống khác phải chịu nhiều tác động từ việc bùng nổ ứng dụng gọi xe công nghệ từ Uber (đã bị Grab sáp nhập) cho tới Grab.
Sau nhiều năm chịu tác động tiêu cực khiến hoạt động kinh doanh đi xuống, hoạt động của hãng taxi này đã dần ổn định trở lại.
Năm 2019, Vinasun cho biết, tuy doanh thu hoạt động vẫn sụt giảm so với năm trước nhưng công ty đã cắt được đà suy giảm lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp trước đó.
Cụ thể, doanh thu hợp nhất hãng taxi này ghi nhận năm vừa qua đạt hơn 1.991 tỷ đồng, giảm 4% so với năm liền trước. Tuy nhiên, hãng đã cải thiện được biên lãi gộp từ mức gần 20% lên 21,3% giúp số lợi nhuận gộp từ mảng kinh doanh taxi thu về gần 425 tỷ.
Vinasun là một trong những hãng taxi truyền thống chịu ảnh hưởng nặng nhất từ khi Grab xuất hiện. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Cùng với việc cắt giảm bớt chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) và tiết kiệm chi phí bán hàng, Vinasun ghi nhận gần 47 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh taxi, gấp gần 5 lần năm 2018.
Với gần 100 tỷ đồng thu nhập khác đến từ hoạt động thanh lý tài sản cố định, xe cũ và quảng cáo trên taxi, hãng này thu về khoản lợi nhuận trước thuế cả năm trên 139 tỷ đồng, tăng 21%.
Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp của Vinasun cũng tăng tương ứng, đạt 109 tỷ đồng.
Khoản lợi nhuận ròng tăng trưởng trong năm vừa qua cũng chấm dứt đà sụt giảm 3 năm liên tiếp của chỉ số này tại Vinasun.
Trước đó, giai đoạn 2014-2015, mỗi năm doanh nghiệp này đều thu về trên 300 tỷ đồng lãi ròng. Nhưng sau khi thị trường xuất hiện và bùng nổ các ứng dụng gọi xe như Uber và Grab, Vinasun đã chịu ảnh hưởng tiêu cực về mặt thị phần.
Trong nhiều năm liền khi mảng vận tải hành khách đi xuống, Vinasun phải trông cậy vào nguồn thu từ thanh lý xe cũ và hoạt động quảng cáo trên taxi.
Nếu so với giai đoạn hoàng kim trước khi có taxi công nghệ, lợi nhuận hiện tại của hãng taxi truyền thống này mới tương đương khoảng 1/3.
Grab lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2015. |
Ngoài việc chịu ảnh hưởng về kết quả kinh doanh, Vinasun cũng đã phải thay đổi cơ cấu vận hành doanh nghiệp khi đã cắt giảm hơn 11.000 nhân viên từ năm 2017 đến nay.
Trong đó, số cắt giảm riêng năm 2017 là trên 10.000 người. Theo lãnh đạo của Vinasun, nguyên nhân của đà sụt giảm nhân sự này đến từ sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của các ứng dụng gọi xe công nghệ, một số tài xế công ty cũng đã chuyển sang chạy loại hình dịch vụ này.
Ngoài ra, Vinasun cũng phải thay đổi loại hình từ thuê nhân viên sang nhượng quyền thượng mại để giảm bớt chi phí. Theo đó, các tài xế sẽ không còn là nhân viên của công ty mà sẽ tự chịu chi phí xăng xe và trả lại một khoản tiền thuê nhất định cho Vinasun.
Tính đến cuối năm 2019, số lượng nhân viên của hãng taxi này còn lại 5.790 người, giảm thêm gần 1.000 người so với năm trước.
Vinasun cũng là hãng taxi truyền thống tập trung theo đuổi vụ kiện kéo dài với Grab từ năm 2018. Vụ kiện sau đó được TAND TP.HCM tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun và Grab bị yêu cầu phải bồi thường 4,8 tỷ đồng cho hãng taxi Việt.
Sau đó, cả Vinasun và Grab đều kháng án. Vinasun yêu cầu tòa cấp phúc thẩm buộc Grab phải bồi thường thêm số tiền 36,3 tỷ đồng. Trong khi Grab đề nghị hủy bản án sơ thẩm. VKSND Cấp cao cũng đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Vụ kiện đến nay chưa được mở lại.