Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco), chủ sở hữu thương hiệu máy hát karaoke Arirang, vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2019 đã kiểm toán với doanh thu thuần 793 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, gần 80% doanh thu đến từ hoạt động bán ôtô. Đây là ngành nghề mới được ban lãnh đạo công ty triển khai trong 6 tháng cuối năm sau khi chấm dứt kinh doanh hàng điện tử. Với việc chỉ kinh doanh phân phối ôtô trong nửa cuối năm, công ty chưa bù lại khoản thu sụt giảm sau khi rút lui khỏi mảng điện tử.
Với ngành hàng mới, Maseco chỉ thu về lợi nhuận gộp 222 triệu đồng, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận gộp gần như bằng 0 trong năm vừa qua.
Trong năm 2019, công ty không phát sinh hoạt động đầu tư tài chính cũng như đã tất toán hầu hết khoản nợ vay cuối 2018 nên doanh thu và chi phí tài chính trong kỳ không đáng kể.
Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng vọt từ 25 tỷ cùng kỳ năm trước lên 42 tỷ trong năm qua do Maseco phải tuyển dụng nhiều nhân sự bán hàng để đáp ứng cho hoạt động mới là kinh doanh ôtô.
Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm đi đáng kể từ 52 tỷ xuống còn 7 tỷ đồng khi Maseco đã thu gọn bộ máy quản lý và hoàn nhập một số khoản trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi của năm tài chính trước đó.
Sau cùng, Maseco báo lỗ sau thuế 50 tỷ đồng năm qua. Cùng kỳ 2018, cha đẻ hãng karaoke Arirang lỗ ròng 164 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, Maseco đang lỗ lũy kế 213 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Maseco tại thời điểm 31/12/2019 là 303 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp là 132 tỷ đồng, phần lớn trong đó là khoản phải trả người bán ngắn hạn 108 tỷ đồng.
Từng dẫn đầu thị trường máy hát karaoke Việt Nam trong nhiều năm nhưng giữa năm 2019, Maseco đã phải tuyên bố chuyển nhượng thương hiệu Arirang sau thời gian khó khăn.
Theo đó, Maseco tìm đối tác để thanh lý toàn bộ hàng điện tử tồn kho của công ty với giá chuyển nhượng không thấp hơn 25 tỷ đồng, chưa gồm thuế giá trị gia tăng.
Công ty cũng sẽ chuyển giao quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu Arirang và quyền bản ghi, quyền tác giả các bản ghi âm midi karaoke cho bên mua để tiếp tục sản xuất và duy trì dịch vụ cho khách hàng.
Từ vị trí số một trong ngành công nghiệp karaoke, Arirang dần thua lỗ và phải rời bỏ thị trường mà nguyên nhân chính là việc đánh mất thị phần vào tay các nhà sản xuất nội địa và các đại gia ngoại. Từ năm 2016, công ty gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản về cả giá thành và công nghệ sản xuất.
Lãnh đạo Maseco từng thừa nhận hàng hóa của công ty đã lạc hậu kỹ thuật, lỗi thời, chậm luân chuyển, không còn phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Kienlongbank bán hạ giá 176 triệu cổ phiếu Sacombank để thu hồi nợ
Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) vừa thông báo chào bán lần 2 lô cổ phiếu Sacombank là tài sản bảo đảm của một số cá nhân để thu hồi nợ.
Vốn hóa Sabeco bốc hơi hơn 1 tỷ USD, xuống thấp nhất 2 năm qua
Giá cổ phiếu của Sabeco đã tụt xuống mức thấp nhất từ khi về tay người Thái. So với thời điểm trước kỳ nghỉ Tết, vốn hóa doanh nghiệp đã giảm hơn 27.000 tỷ đồng.
TP.HCM muốn sử dụng hiệu quả 5 tỷ USD kiều hối mỗi năm
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị cần xây dựng đề án định hướng đầu tư, phát huy nguồn lực với lượng kiều hối lớn mà TP.HCM tiếp nhận hàng năm.