Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/2, giá giao dịch cổ phiếu của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), giảm 2% so với cuối tuần trước, xuống mốc 186.000 đồng. Đây là vùng giá thấp nhất của cổ phiếu Sabeco tính từ tháng 7/2017.
Kể từ sau khi thị trường chứng khoán mở cửa lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020, giá cổ phiếu của Sabeco liên tục sụt giảm trong hầu hết phiên giao dịch. So với vùng giá tại thời điểm trước Tết, cổ phiếu Sabeco đã sụt giảm 19% giá trị. Vốn hóa doanh nghiệm giảm tương ứng hơn 27.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.
Nếu so với mức giá 320.000 đồng/cổ phần mà ThaiBev của tỷ phú Charoen Cirivadhanabhakdi chi ra để mua lại Sabeco vào tháng 12/2017, cổ phiếu Sabeco đã mất 42% giá trị.
Hiện 53,6% cổ phần Sabeco mà ThaiBev đang nắm giữ có giá trị gần 64.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,75 tỷ USD, chỉ bằng 55% so với con số gần 5 tỷ USD mà người Thái chi ra để thâu tóm thương hiệu Bia Sài Gòn.
Biến động giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu Sabeco từ đầu năm đến nay. Ảnh: VnDirect. |
Cổ phiếu của một đại gia khác trong ngành bia đang niêm yết trên sàn chứng khoán là Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng chứng kiến nhiều phiên giảm giá sau Tết. Chốt phiên giao dịch ngày 17/2, cổ phiếu Habeco giao dịch ở vùng giá 62.300 đồng, giảm 13% so với phiên giao dịch cuối trước kỳ nghỉ Tết.
Trong báo cáo phân tích mới đây, các chuyên gia của chứng khoán SSI cho rằng ngành bia sẽ chịu tác động kép từ dịch bệnh Covid-19 trong ngắn hạn và các quy định xử phạt với người lái xe sau khi uống rượu, bia của Nghị định 100.
Từ khi Nghị định 100 bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2020, sản lượng tiêu thụ bia đã sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trước giai đoạn Tết vốn dĩ là cao điểm tiêu thụ bia rượu của mọi năm, nhiều siêu thị và cửa hàng tạp hóa phải khuyến mãi để giảm hàng tồn kho.
Theo các chuyên gia phân tích của SSI, mức phạt nặng hơn nhiều so với trước đây của Nghị định 100 sẽ khiến người tiêu dùng sản phẩm bia, rượu thay đổi hành vi ít nhất trong ngắn hạn. Cùng với dịch Covid-19, khách hàng có xu hướng ít tụ tập cùng bạn bè bên ngoài hơn, qua đó ảnh hưởng tiêu cực lên ngành bia.
Báo cáo của SSI cho biết doanh tiêu thụ bia của Sabeco tại các kênh bán hàng và đại lý cấp 1 trong tháng 1 rất yếu. Sabeco đã hạ chỉ tiêu doanh số với các nhà máy bia của mình trong quý I. Habeco cũng ghi nhận doanh số bia tháng 1 giảm 30% so với cùng kỳ.
Với tác động của Nghị định 100 cũng như dịch bệnh Covid-19 trong ngắn hạn, SSI nhận định chiến lược cắt giảm chi phí sẽ trở thành ưu tiên quan trọng với Sabeco. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết giá mạch nha và hoa bia dự kiến tiếp tục giảm trong năm nay, qua đó khả năng cao chi phí nguyên liệu sẽ giảm thêm.
Sabeco gần đây cũng đã phát triển hệ thống chuỗi cung ứng và quản lý giúp tăng hiệu suất và cắt giảm chi phí vận hành. Điều này phản ánh qua biên lợi nhuận ròng của Sabeco được cải thiện trong năm qua. SSI cho rằng Sabeco vẫn còn nhiều việc có thể làm nhằm tiếp tục cắt giảm chi phí trong những năm tới.
Chuyên gia của SSI dự đoán doanh thu thuần của Sabeco năm 2020 có thể đạt 37.300 tỷ đồng, thấp hơn 2% so với 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của Sabeco được SSI kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng, đạt 5.640 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 5,1%.