Ngày 9/3, Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM lại gửi một bản kiến nghị lên Thủ tướng về chủ trương cho phép tiếp tục thí điểm xe hợp đồng điện tử theo quyết định 24/2015 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Mở đầu văn bản, hiệp hội taxi 3 miền đã cho biết không đồng tình với báo cáo đánh giá sau 2 năm thí điểm xe hợp đồng điện tử (nhiều người gọi tắt là thí điểm Uber, Grab) của Bộ GTVT. Ngoài ra việc Bộ GTVT đề xuất tiếp tục gia hạn hoạt động mà không có biện pháp quản lý chặt chẽ, không sửa chữa những sai sót, điều này gây xáo trộn thị trường vận tải, tạo nhiều hệ lụy, bất ổn cho xã hội.
Do đó, các hiệp hội gửi tới Thủ tướng một bản báo cáo độc lập để tổng kết 2 năm thí điểm Uber, Grab và khẳng định là “trung thực, thẳng thắn”.
Theo 3 hiệp hội, kế hoạch thí điểm của Quyết định 24 đã tạo điều kiện cho các hoạt động sai trái của Uber, Grab. Ngoài ra, việc thí điểm Uber, Grab có những sai sót, bất cập trong quản lý thuế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, không giới hạn phương tiện, không quản lý logo nhận diện phương tiện, sai sót trong việc quy định về chất lượng dịch vụ….
Ví dụ về việc Grab vẫn ngang nhiên tiếp tục dịch vụ GrabShare bất chấp lệnh cấm của Bộ GTVT được hiệp hội taxi 3 miền nêu ra như một hành động bất chấp pháp luật của Grab tại Việt Nam. Về phía Uber, ví dụ được nêu ra là UBND TP. Đà Nẵng đã cấm nhưng hãng này vẫn ngang nhiên tuyển lái xe, quảng cáo rầm rộ…
Lái xe Grab tập trung phản đối hãng hồi đầu tháng 1. Ảnh: Việt Hùng. |
Vấn đề thất thu thuế cũng được hiệp hội taxi 3 miền nhấn mạnh trong văn bản gửi Thủ tướng. Các hiệp hội này tính toán hiện nay có 60.000 xe thí điểm, doanh thu trung bình 30 triệu đồng/xe/tháng. Như vậy, tổng doanh thu khoảng 1.800 tỷ đồng/tháng. Nếu phải nộp thuế 4,5% (3% thuế VAT và 1,5% thuế TNCN) thì tổng phải nộp một năm khoảng 972 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều số thuế mà các doanh nghiệp taxi đang đóng (1.963 tỷ đồng/năm).
Hiệp hội taxi 3 miền cũng nhấn mạnh 25% doanh thu phía Uber và Grab được hưởng mỗi năm đang chảy ra nước ngoài. 25% được Hiệp hội taxi 3 miền tính toán vào khoảng 5.400 tỷ đồng/năm. Nghĩa là cứ mỗi ngày có 15 tỷ đồng được Uber, Grab chuyển ra nước ngoài.
Các hiệp hội còn thẳng thắn cho rằng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, là đơn vị chủ quản ngành vận tải chưa lắng nghe và tiếp nhận các khuyến cáo, đề nghị từ các doanh nghiệp, hiệp hội taxi, thậm chí từ các bộ ngành, sở GTVT, UBND tỉnh thành phố. “Đây là điều đáng tiếc, ngành taxi có thể chết không phải do Uber, Grab mà chết vì chính sách”, văn bản nêu.
Hiệp hội taxi than khó về việc bị đối xử không công bằng so với Uber, Grab. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Từ đó, 3 hiệp hội cho rằng tiếp tục kéo dài thí điểm Uber, Grab sẽ làm cho các hậu quả thêm trầm trọng hơn. Một nửa đơn vị taxi thành viên của Hiệp hội taxi TP.HCM đã tan rã, số xe giảm 30%. Tại Hà Nội, số đầu xe taxi cũng giảm 35%.
Các hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT có quy định tạm thời thay quyết định 24, trong thời gian chờ đợi Nghị định mới. Theo đó, đề xuất dừng gia tăng số lượng phương tiện đang hoạt động thí điểm vì đã quá nhiều. Không mở rộng các tỉnh, thành phố ngoài phạm vi hoạt động thí điểm. Uber, Grab phải ký hợp đồng với lái xe, không thông qua các hợp tác xã.
Hiệp hội cũng cũng kiến nghị có quy định về nhận diện cho Uber, Grab, chế độ báo cáo, thống kê, đặt máy chủ ở Việt Nam và các quy định xử phạt nếu làm sai.
“Tình hình hiện nay là các doanh nghiệp vận tải, người lao động, lái xe taxi rất bức xúc, đòi hỏi cấp bách sự điều chỉnh quy định của pháp luật để an tâm kinh doanh cũng như hành khách được hưởng dịch vụ vận tải an toàn, các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở quản lý minh bạch, công bằng”, văn bản của hiệp hội taxi 3 miền kiến nghị Thủ tướng.