Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngành thuế bác đề nghị của Vinasun về nhượng quyền taxi cho tài xế

Cơ quan thuế TP.HCM cho biết đã bác đề xuất nhượng quyền kinh doanh taxi cho tài xế mà Vinasun đề xuất.

Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản trả lời Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) về việc đề nghị triển khai loại hình kinh doanh nhượng quyền thương mại và khai thác dịch vụ taxi với đối tác là các cá nhân. Qua đó, Cục thuế TP.HCM đã bác đề nghị này vì không phù hợp với các quy định hiện hành.

Nêu rõ trong văn bản, Cục Thuế TP.HCM cho biết đã báo cáo lên Tổng Cục Thuế, đồng thời đã có văn bản trao đổi ý kiến với Bộ Giao thông - Vận tải về đề xuất này. Tuy nhiên, Bộ Giao Thông - Vận tải không đồng ý vì hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Trong đó, chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện mới được cấp phép kinh doanh vận tải bằng xe taxi.  

Do vậy, cơ quan quản lý không cấp phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi cho đối tượng là cá nhân, hộ kinh doanh cá thể.

vinasun nhuong quyen taxi cho ca nhan anh 1
Đề nghị nhượng quyền taxi cho tài xế của Vinasun đã bị ngành thuế bác bỏ.

Ngoài ra, hiện nay việc nhượng quyền thương mại cho cá nhân kinh doanh vận tải taxi chưa được Bộ Giao thông - Vận tải hướng dẫn, nên cơ quan thuế chưa có cơ sở hướng dẫn việc lập hoá đơn cho khách hàng của cá nhân kinh doanh vận tải taxi. Vinasun là đơn vị được cấp phép kinh doanh vận tải taxi nên phải kê khai, nộp thuế theo quy định hiện hành.

Liên quan đến tình hình kinh doanh hiện tại, Vinasun đang ghi nhận mức thấp nhất từ năm 2014 đến nay. Doanh thu từ kinh doanh trong quý III/2017 giảm hơn 50%, khiến lãi ròng của Vinasun giảm mạnh, thêm 1.900 nhân viên tại Vinasun phải nghỉ việc tiếp sau 8.000 người nửa đầu năm.

Số lượng nhân viên giảm mạnh một phần do nhiều tài xế phải chuyển sang hoạt động theo mô hình kinh doanh nhượng quyền thương mại, không được xem là nhân viên chính thức tại Vinasun. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp do tài xế nghỉ việc để chuyển sang chạy Uber, Grab.

Đó cũng là lý do để Vinasun đâm đơn kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hơn 41 tỷ đồng kể từ khi loại hình taxi công nghệ này xuất hiện. Phiên tòa sơ thẩm được đưa ra xét xử ngày 6/2 sau đó tạm dừng để tòa án yêu cầu Grab Taxi bổ sung danh sách các hợp tác xã là đối tác của đơn vị này cũng như một số vấn đề pháp lý liên quan.

Sau gần 1 tháng gián đoạn, hôm nay (7/3) TAND TP.HCM thông tin tiếp tục hoãn phiên xử sơ thẩm để thu thập thông tin theo quy định. Tòa sơ thẩm cho biết sẽ gửi quyết định thu thập thông tin cần thiết đến Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM theo thẩm quyền.


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm