Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu Trung Quốc áp sát đảo tranh chấp với Nhật lâu kỷ lục

Tàu hải cảnh Trung Quốc đã di chuyển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 4/6, đánh dấu 112 ngày liên tiếp xuất hiện trên vùng biển tranh chấp với Nhật Bản.

Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản cho biết các tàu Trung Quốc đã đi qua vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo này trong gần bốn tháng liên tục, vượt qua thời gian kỷ lục trước đó là 111 ngày vào năm 2020, theo Nikkei Asia.

“Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các biện pháp có thể để giám sát và thu thập thông tin tình báo một cách thận trọng", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết.

tau Trung Quoc quanh dao Dieu Ngu/Senkaku anh 1

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với tần suất ngày càng nhiều. Ảnh: Tân Hoa xã.

Ông Nobuo Kishi khẳng định hành động của tàu Trung Quốc "là không thể chấp nhận được".

Các tàu Trung Quốc đã đi qua vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo này mỗi ngày kể từ giữa tháng 2. Không chỉ vậy, lực lượng này còn trực tiếp tiến vào lãnh hải Senkaku/Điếu Ngư 20 ngày trong 5 tháng đầu năm.

Ngày 29/5, bốn tàu tuần duyên Trung Quốc còn áp sát ba tàu đánh cá của Nhật Bản, buộc lực Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản phải can thiệp.

Bên cạnh đó, các tàu chiến của hải quân Trung Quốc cũng được phát hiện ở các khu vực quanh vùng biển Nhật Bản.

Ngày 31/5, một tàu khu trục tên lửa cùng hai tàu khác đã đi qua bờ biển phía nam tỉnh Kagoshima. Trước đó, tàu sân bay Liêu Ninh đã đi qua đảo Okinawa và đảo Miyako hai lần vào tháng 4.

"Trung Quốc đang tập trung vào các vấn đề chủ quyền để thể hiện sức mạnh. Vì vậy, quốc gia này có thể thường xuyên hoạt động trên quần đảo Sensaku (Điếu Ngư) để kiểm soát (lực lượng) Nhật Bản", giáo sư Rumi Aoyama, tại Đại học Waseda ở Tokyo, nhận định.

"Nhật Bản phải nỗ lực để được nhìn nhận về vai trò của mình. Sự hợp tác với Mỹ và châu Âu có thể đóng vai trò ngăn chặn (Trung Quốc)", nhà nghiên cứu từ Đại học Waseda cho biết.

Trong khi đó, ông Masafumi Iida, học giả tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản, cho biết: “Các tàu hải cảnh (Trung Quốc) đã được trang bị vũ khí mạnh hơn trước và Lực lượng Phòng vệ (Nhật Bản) cần được triển khai để đối phó".

Quần đảo Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) hay Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản) cách Đài Loan khoảng 170 km về phía đông bắc, được cả Trung Quốc và Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Tokyo đang kiểm soát quần đảo này.

tau Trung Quoc quanh dao Dieu Ngu/Senkaku anh 2

Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền giữa hai nước. Ảnh: Reuters.

Vào cuối tháng 1, Trung Quốc đã ban hành luật hải cảnh mới, cho phép hải cảnh nước này sử dụng "mọi biện pháp cần thiết" để phòng ngừa hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài.

Các chuyên gia nhận định hành động của Trung Quốc có thể dẫn đến leo thang quân sự giữa lực lượng của hai bên.

Trong khi đó, Nhật Bản đặt mục tiêu hợp tác với Mỹ và châu Âu nhằm thúc giục Trung Quốc kiềm chế các hoạt động của mình.

Trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 sắp tới, lãnh đạo các quốc gia sẽ thảo luận về mối đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông nhằm tìm kiếm cơ chế đa phương để giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ tăng cường hợp tác an ninh với Anh và Pháp, bên cạnh nỗ lực thắt chặt khuôn khổ Đối thoại An ninh Bốn Bên (QUAD), hay nhóm Bộ Tứ, bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ.

Không chỉ vậy, Nhật Bản cũng không loại trừ khả năng đối thoại trực tiếp với Trung Quốc để tìm giải pháp chung.

Hôm 3/5, các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến để trao đổi song phương, nỗ lực này được tiến hành sau cuộc gặp trước đó vào tháng 3.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết: "Chúng tôi sẽ liên hệ với Trung Quốc và tiếp tục theo dõi tình hình".

NHK: Lực lượng Mỹ từng tập trận, thả hàng xuống gần Senkaku/Điếu Ngư

Một máy bay vận tải Mỹ đã thả một số kiện hàng ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong cuộc tập trận, một số nguồn tin cho biết.

Ngư dân Hàn tố hàng trăm tàu cá phi pháp Trung Quốc vơ vét mọi thứ

Một loạt tàu đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, làm bùng phát tranh chấp hàng hải đã có từ lâu.

Kỳ Sơn

Bạn có thể quan tâm