Các nhà khoa học từ lâu đã nghi ngờ rằng Mặt Trăng có một lớp phủ (mantle) dưới lớp vỏ (crust) của nó, giống như Trái Đất. Nhưng trong 60 năm qua, các cuộc thám hiểm Mặt Trăng, bao gồm các sứ mệnh của tàu Apollo của Mỹ, đã không thể tìm ra bằng chứng chứng minh điều này, mà chỉ tìm được các manh mối.
"Bây giờ chúng ta đã có điều đó", giáo sư Li Chunlai, Phó giám đốc Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Trung Quốc, tuyên bố. Ông cũng là người lãnh đạo sứ mệnh Hằng Nga 4, đưa xe tự hành Thỏ Ngọc lên Mặt Trăng.
Các phát hiện được công bố trên tạp chí khoa học Nature vào hôm 16/5, trả lời một số câu hỏi cơ bản về Mặt Trăng, cấu trúc địa chất và lịch sử hình thành của hành tinh này.
Xe tự hành Yutu (Thỏ Ngọc) đang thực hiện nhiệm vụ trên bề mặt Mặt tTăng. Ảnh: Xinhua. |
Trong nhiệm vụ đầu tiên hôm 3/1, Thỏ Ngọc đã phát hiện quặng olivine trong các mẫu đất đá bề mặt được thu thập gần nơi nó đáp xuống. Olivine là một loại khoáng chất kết tinh màu xanh lá cây thường được tìm thấy rất sâu dưới lòng đất - ở tầng lớp phủ trên (upper mantle) của Trái Đất.
Các phân tích sâu hơn cho thấy olivine không bắt nguồn từ địa điểm đó, mà đến từ một hố sâu có bán kính 72 km ở bên cạnh khu vực.
Vùng tối của Mặt Trăng có nhiều miệng hố hơn vùng sáng đối diện với Trái Đất, và một thiên thạch rơi xuống Mặt Trăng nhiều khả năng đã xuyên qua lớp phủ, đưa vật chất lên bề mặt.
Ông Li cho biết bãi đáp của xe Yutu từng là nơi có nhiều đá, nhưng các tia vũ trụ và gió Mặt Trời đã phong hóa và biến những tảng đá thành bụi.
"Những gì chúng tôi tìm thấy là bằng chứng trực tiếp đầu tiên của các vật chất từ sâu bên dưới lớp vỏ Mặt Trăng, mặc dù độ sâu vẫn chưa được xác định", chuyên gia này nhận định.
Các nhà khoa học tin rằng Mặt Trăng từng được bao phủ bởi các đại dương đá nóng chảy. Các chất nhẹ hơn nổi lên bề mặt và tạo thành một lớp vỏ trong khi vật chất nặng hơn chìm xuống để tạo thành lớp phủ và lõi. Những phát hiện của xe Thỏ Ngọc đang ủng hộ lý thuyết đó.
Trung Quốc là nước đầu tiên đưa tàu vũ trụ lên vùng tối của Mặt Trăng, và họ cũng có kế hoạch gửi một tàu vũ trụ lớn hơn lên đó vào cuối năm nay để mang về các mẫu vật.
Các phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc sẽ hạ cánh trên Mặt Trăng trong khoảng thời gian từ 2025 đến 2030, theo lịch trình mới nhất của Bắc Kinh.
Tàu Apollo của Mỹ cũng đã mang về Trái Đất nhiều mẫu đá, một trong số đó có chứa olivine, nhưng các nhà khoa học nghi ngờ rằng chúng có thể đến từ một vụ phun trào núi lửa.
Trung Quốc, Mỹ và một số quốc gia khác đều công bố kế hoạch khởi động việc khai thác tài nguyên trên Mặt Trăng trong vòng một hoặc hai thập kỷ tới.
Các nhà nghiên cứu cho biết khám phá của Thỏ Ngọc có thể giúp giới khoa học vẽ ra một bản đồ chính xác hơn về các tài nguyên này, bao gồm khối lượng và sự phân bổ khoáng sản.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng ngân sách dành cho NASA thêm 1,6 tỷ USD để cơ quan này đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng vào năm 2024.
Ông Li cho biết các nhà khoa học Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các đồng nghiệp Mỹ, nhưng Washington đã ngăn chặn tất cả các sự hợp tác như vậy.
"Cánh cửa của chúng tôi vẫn mở", ông nói.