Người đứng đầu Roscosmos Dmitry Rogozin cho rằng việc Mỹ đang lên kế hoạch phóng tên lửa có người lái lên Mặt Trăng không đơn thuần chỉ là mục tiêu chính trị mà còn là vỏ bọc cho các hoạt động mờ ám của nước này.
"Tại sao họ (người Mỹ) muốn đến đó một lần nữa? Họ có lợi ích gì?", ông Rogozin đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga khi thảo luận về chương trình Mặt Trăng của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
"Giống như trong những thập kỷ trước, những hành động như vậy nhằm che đậy cho một số hoạt động mờ ám. Không gian vũ trụ không đơn thuần chỉ dành cho mục đích hòa bình", ông nói.
Đồng thời, ông Rogozin tin rằng Washington không có các lợi ích quân sự trên Mặt Trăng nhưng các chuyên gia Mỹ có thể tiến hành các thí nghiệm trong điều kiện bức xạ tăng và trọng lực thấp. "Những thí nghiệm như vậy có thể mang lợi ích quân sự", ông giải thích.
Phi hành gia người Mỹ John Young - người thứ 9 đi bộ trên Mặt Trăng. Ảnh: NASA. |
Đầu tháng 3, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố rằng chính quyền Trump đã chỉ thị cho NASA đẩy nhanh tiến độ cho "cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng". Chương trình này đã được lên kế hoạch từ năm 2018 - 2024 trong cuộc cạnh tranh không gian với Nga và Trung Quốc.
Năm 2018, Roscosmos đã công bố chương trình nghiên cứu không gian của mình trong thập kỷ tiếp theo, bao gồm chương trình thám hiểm Mặt Trăng. Moscow đang xem xét đặt ít nhất hai đài quan sát trên Mặt Trăng như một phần của chương trình này.
Vào tháng 1, ông Rogozin cho biết nhiệm vụ đổ bộ Mặt Trăng (Luna-25) của nước này sẽ được thực hiện vào năm 2021 để tìm kiếm băng ở cực Nam của nó, đồng thời cũng sẽ thử nghiệm công nghệ đổ bộ nhẹ nhàng.