Hải quân Mỹ ngày 29/11 xác nhận đã tiến hành một hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông hồi đầu tuần. Tuần dương hạm tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville ngày 26/11 được lệnh tuần tra áp sát quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa trái phép.
"USS Chancellorsville di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa nhằm thách thức các tuyên bố (chủ quyền) trên biển phi lý và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến hàng hải được quản lý bởi luật pháp quốc tế", Nathan Christensen, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết.
Ông Christensen nói rõ tàu chiến Mỹ tuần tra nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Tàu tuần dương USS Chancellorsville. Ảnh: Getty. |
Hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết phía Trung Quốc điều động một tàu chiến bám sát USS Chancellorsville, nhưng hai tàu hành xử an toàn và chuyên nghiệp. Trung Quốc sau đó đã lên tiếng phản đối hoạt động của tàu chiến Mỹ.
Mỹ tiếp tục điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải gần 2 tháng sau vụ đụng độ nguy hiểm với tàu chiến Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tàu USS Decatur ngày 30/9 bị tàu khu trục lớp Lữ Dương của Trung Quốc chặn đầu và suýt xảy ra va chạm khi đang tuần tra gần đá Gaven.
Trong các phát ngôn chính thức lẫn không chính thức, các quan chức và giới lãnh đạo Mỹ đều khẳng định quyết tâm duy trì những cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, cảnh báo những lần va chạm với hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai.
Trong bài phát biểu ngày 4/10 tại Viện Hudson ở Washington, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định Mỹ sẽ "không bị đe dọa" bởi các hành động của tàu chiến Trung Quốc trong vụ chạm trán ở Trường Sa. Những thông điệp tương tự cũng được ông nhấn mạnh trong chuyến công du châu Á giữa tháng 11.
Ảnh chụp vụ chạm trán giữa tàu USS Decatur và tàu khu trục lớp Lữ Dương của Trung Quốc ngày 30/11. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 29/11, Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, tiếp tục lên án Trung Quốc "xem thường luật pháp quốc tế" và "tuyên bố chủ quyền chính đáng của các nước nhỏ" trong khu vực.
Hoạt động tuần tra mới nhất của Hạm đội Thái Bình Dương ở Biển Đông diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina. Hội nghị có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hai nhà lãnh đạo dự kiến có buổi ăn tối và làm việc ngày 1/12 ở Buenos Aires, ngay sau khi hội nghị kết thúc, để thảo luận về quan hệ song phương. Giới quan sát kỳ vọng hai nhà lãnh đạo sẽ tìm được giải pháp đình chiến thương mại kéo dài nhiều tháng qua.