Trong cuộc họp báo ngày 22/11, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc và Philippines ký biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông.
Bà Nguyễn Phương Trà nói: "Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông bao gồm vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền và lợi ích hợp pháp trên biển rất rõ ràng, nhất quán và đã được nêu nhiều lần. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác trên biển, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, phù hợp với lợi ích các bên và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, cũng như quan hệ hữu nghị của các quốc gia".
"Hợp tác khai thác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông chỉ có thể tiến hành tại các khu vực mà hai nước có chủ quyền và quyền chủ quyền theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982", bà Nguyễn Phương Trà nói.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà. Ảnh: Việt Linh. |
Philippines và Trung Quốc hôm 20/11 đồng ý hợp tác phát triển nguồn năng lượng ở Biển Đông, với cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ làm việc với Manila để "xử lý các vấn đề bất đồng" tại vùng biển tranh chấp.
Hai nước đã ký kết 29 thỏa thuận vào tối 20/11, bao gồm bản ghi nhớ về việc hợp tác khai thác dầu khí. Theo nguồn thạo tin, thỏa thuận này chứa đựng "các nguyên tắc cơ bản" và không chỉ ra vị trí mà hai nước dự định hợp tác khai thác chung ở Biển Đông.
Hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc là vấn đề gây tranh cãi tại Philippines khi có những cảnh báo rằng một thỏa thuận như vậy có thể giúp củng cố yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines, vốn là đồng minh truyền thống của Mỹ tại khu vực, đã xích lại gần hơn với Trung Quốc dưới thời ông Duterte để đổi lấy các lợi ích kinh tế.
Hai bên đã ký các thỏa thuận trị giá 24 tỷ USD nhân chuyến thăm Bắc Kinh của tổng thống Philippines tháng 10/2016. Tuy nhiên đến nay, chỉ một phần nhỏ (khoảng 140 triệu USD) trong 24 tỷ USD này được triển khai.