Tàu sân bay Type-001A do Trung Quốc tự đóng mới dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh đang trong quá trình thử nghiệm và hiệu chỉnh hệ thống trước khi được đưa vào sử dụng, có thể là cuối năm nay.
Tuy chưa được đưa vào sử dụng, các chuyên gia đã chỉ ra những hạn chế của tàu sân bay này trong hoạt động chiến đấu, đặc biệt là vấn đề nhiên liệu, Asia Times cho biết. Tàu sân bay Type-001A sử dụng hệ thống động lực nồi hơi và truyền động tương tự tàu sân bay Liêu Ninh.
Type-001A mang theo tối đa khoảng 13.000 tấn nhiên liệu. Mỗi ngày tàu tiêu thụ khoảng 1.100 tấn nhiên liệu khi chạy ở tốc độ 20 hải lý/giờ, khoảng 1.500 tấn/ngày khi hoạt động chiến đấu tích cực. Ngoài ra, phi đội tiêm kích trên hạm J-15 cũng cần cung cấp đầy đủ nhiên liệu và các loại dầu bôi trơn.
Tàu sân bay Type-001A bên cạnh tàu hỗ trợ chiến đấu nhanh Type-901. Ảnh: Weibo. |
Vấn đề đáng quan tâm là tàu cần phải bổ sung nhiên liệu bất kỳ lúc nào tiêu thụ hết một phần ba lượng nhiên liệu mang theo. Giới phân tích quân sự ước tính tàu sân bay Type-001A chỉ có thể hoạt động liên tục 6 ngày giữa các lần tiếp nhiên liệu.
Thời gian giữa các lần tiếp nhiên liệu quá ngắn dẫn đến những hạn chế trong hoạt động chiến đấu xa bờ. Mỗi khi tàu sân bay Type-001A, hay Liêu Ninh thường hoạt động trên biển cùng với 6-8 tàu hộ tống, việc tiếp tế nhiên liệu, đạn dược và thực phẩm sẽ do tàu hậu cần Type-903, tải trọng 23.500 tấn đảm nhận.
Type-903 có thể chở theo 10.500 tấn nhiên liệu, 250 tấn nước ngọt, 680 tấn hàng hóa và đạn dược. Hạn chế trong năng lực chuyên chở của tàu hậu cần, đồng nghĩa với việc hải quân Trung Quốc khó có thể tiếp tế cho toàn bộ nhóm tàu sân bay trong 2 lần.
Trong khi đó, tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân nên không cần tiếp nhiên liệu cho động cơ.
Nhận thấy hạn chế này, Trung Quốc đã đóng mới 2 tàu hỗ trợ chiến đấu nhanh Type-901, tải trọng 45.000 tấn để tăng cường khả năng tiếp tế cho nhóm tàu sân bay hoạt động trên biển.