Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã có bài phát biểu ca ngợi kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng trên boong tàu sân bay tiên tiến nhất của Mỹ USS Gerald R.Ford, trị giá 13 tỷ USD. Tổng thống Trump tuyên bố, tàu sân bay thế hệ mới lớp Ford là chiến hạm đắt nhất từng được chế tạo, sẽ là trung tâm sức mạnh của Mỹ ở nước ngoài.
Tổng thống ca ngợi siêu hàng không mẫu hạm lớp Ford được chế tạo chắc chắn và không dễ bị tấn công. Ông Trump cam kết sẽ tăng số lượng tàu sân bay từ 10 chiếc hiện tại lên 12 chiếc trong tương lai. Ngoài ra, ông cũng hứa giảm chi phí đóng mới 3 siêu hàng không mẫu hạm tiếp theo mà chi phí đã tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua, từ 27 lên 36 tỷ USD.
Kế hoạch mở rộng hạm đội tàu sân bay của tân tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh kẻ thù tiềm năng đã chế tạo các loại vũ khí chống tàu mới có khả năng phá hủy phần lớn hạm đội vận chuyển đắt tiền của Washington. Đặc biệt, các siêu hàng không mẫu hạm rất dễ bị tổn thương bởi tàu ngầm đối phương.
Mối đe dọa từ tàu ngầm
Trong cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển Florida vào năm 2015, tàu ngầm tấn công hạt nhân Saphir của Pháp đã lén lút vượt qua hệ thống phòng thủ chống ngầm nhiều lớp và mô phỏng đánh chìm thành công tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, cùng một nửa đội tàu hộ tống.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt lọt vào tầm ngắm của tàu ngầm Pháp trong cuộc tập trận. Ảnh: Fathom |
Trong các cuộc tập trận hải quân khác, tàu ngầm điện - diesel thế hệ cũ cũng dễ dàng tiếp cận và mô phỏng đánh chìm được tàu sân bay Mỹ. Các thống kê cho thấy, từ năm 1980 đến nay, tàu sân bay Mỹ và Anh đã bị đánh chìm 14 lần trong các cuộc tập trận mô phỏng tấn công.
Ngày nay, Mỹ là quốc gia duy nhất có căn cứ chiến lược của hải quân trên các tàu sân bay. Hạm đội 10 hàng không mẫu hạm của Mỹ có quy mô gấp 10 lần so với đối thủ chính là Nga và Trung Quốc, mỗi quốc gia chỉ có một tàu sân bay.
Roger Thompson, nhà phân tích quốc phòng, giáo sư tại Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc, cho biết các quốc gia đối thủ tiềm năng của Mỹ như, Nga, Trung Quốc và Iran đang phát triển mạnh lĩnh vực vũ khí chống tàu trong những năm gần đây mà có thể gây tổn thương cho hạm đội tàu sân bay Mỹ.
Các loại vũ khí mới như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc có tầm bắn khoảng 1.700 km và bay với tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh (khoảng 12.000 km/h). Một số tàu ngầm Nga và Trung Quốc có thể phóng loạt tên lửa hành trình chống hạm dẫn đường chính xác tầm xa có thể áp đảo hệ thống phòng thủ trên tàu sân bay Mỹ.
Nga, Trung Quốc và Iran được cho là có loại ngư lội siêu khoang. Loại ngư lôi đặc biệt này di chuyển bên trong một bong bóng khí cho phép đạt tốc độ hàng trăm kilomet mỗi giờ. Loại ngư lôi này không có dẫn hướng nhưng nếu bắn thẳng vào tàu thì rất khó tránh.
Trong báo cáo năm 2015 của Tổng công ty RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc) cảnh báo mối đe dọa lớn từ đội tàu chiến mặt nước của Trung Quốc, nếu xảy ra tình trạng chiến tranh, nguy cơ đối với tàu sân bay Mỹ là rất lớn.
“Đằng sau cái bóng của sự nghi ngờ, mỗi tàu sân bay chỉ là một mục tiêu”, nhà phân tích quốc phòng Pierre Sprey, người từng làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ giai đoạn 1966-1986, hiện là nhà phê bình lâu năm các chương trình vũ khí của Lầu Năm Góc nói.
Phòng thủ hạn chế
Trong cuộc phỏng vấn vào cuối năm 2016, đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương ca ngợi sự linh hoạt của các tàu sân bay. Đô đốc Swift nói rằng tàu sân bay vẫn rất khả thi, đủ khả năng để xâm nhập những vùng chiến sự.
Tàu sân bay trị giá 13 tỷ USD gần như bất lực trước các loại ngư lôi hiện đại. Ảnh:
US Navy |
Đô đốc Swift cho biết sẽ điều tàu sân bay vào vùng chiến sự trong tích tắc, tuy nhiên, sự phát triển của các loại vũ khí chống tàu mới, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương nói rằng các tàu sân bay không còn khả thi như 15 năm trước.
Các nhà phê bình quốc phòng, trong đó có các cựu nhân viên cấp cao của Lầu Năm Góc nói rằng, Washington dành quá nhiều tiền vào các tàu sân bay đắt đỏ và dễ bị tổn thương. Tổng thống Trump ca ngợi siêu hàng không mẫu hạm lớp Ford nhưng dường như ông chưa nắm rõ các vấn đề trong quá trình đóng mới.
Tàu sân bay Ford được hạ thủy hơn 3 năm trước những vẫn chưa thể đi vào hoạt động trong Hải quân Mỹ vì các thiếu sót kỹ thuật nghiêm trọng. Jerry Hendrix, giám đốc chương trình Chiến lược và Đánh giá quốc phòng, thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ nhấn mạnh: “Kẻ thù có thể sản xuất nhiều tên lửa chống tàu và tạo thế áp đảo khả năng phòng thủ của chúng ta”.
Các chuyên gia cảnh báo, tàu ngầm đối phương mang theo tên lửa chống hạm không cần đội tàu hộ tống có thể tấn công tàu sân bay Mỹ từ khoảng cách hàng trăm kilomet. Để đảm bảo an toàn, Mỹ buộc phải duy trì tàu sân bay từ ngoài tầm bắn của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, khoảng 2.300 km.
Trong khi đó, tiêm kích trên hạm F/A-18 có bán kính chiến đấu khoảng 700 km, tiêm kích tàng hình sắp đưa vào sử dụng F-35C có bán kính chiến đấu khoảng 1.000 km. Như vậy, siêu hàng không mẫu hạm Mỹ khó lòng triển khai năng lực tấn công sâu vào bên trong bờ biển đối phương.
Bên cạnh đó, các siêu hàng không mẫu hạm đắt đỏ gần như bất lực trước mối đe dọa từ ngư lôi hiện đại. Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà phê bình liên tục đỗ lỗi cho Hải quân Mỹ vì không thể phát triển hệ thống bảo vệ hiệu quả chống lại ngư lôi hiện đại.
Tàu sân bay Mỹ buộc phải triển khai gần bờ hơn để thực hiện nhiệm vụ tấn công, khi đó, nguy cơ bị đánh chìm trở nên rõ ràng hơn. Ông Hendrix cho rằng lỗ hổng chết người trên tàu sân bay Mỹ khiến cho hạm đội đắt tiền của Mỹ trở nên lãng phí, kém hiệu quả.