Trung Quốc đã đưa vào hoạt động tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Sơn Đông. Việc tàu sân bay Sơn Đông đi vào vận hành đưa hải quân Trung Quốc trở thành lực lượng thứ 2 trên thế giới có 2 tàu sân bay cùng với Hải quân Hoàng gia Anh, South China Morning Post cho biết.
Tàu sân bay Sơn Đông nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới phân tích quân sự trong và ngoài Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, tàu sân bay Sơn Đông sẽ có ít tiêm kích trên hạm hơn so với dự kiến. Con tàu cần nhiều thời gian để trau dồi hoạt động để đáp ứng tiêu chuẩn triển khai tối thiểu.
Mới chỉ bước vào giai đoạn vận hành ban đầu
Khoảng 30 phi công tiêm kích trên hạm có mặt vào ngày 17/12, khi Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì lễ bàn giao tàu Sơn Đông tại quân cảng Tam Á, đảo Hải Nam, theo đoạn phim được đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng.
Giới quan sát cho rằng số phi công này đủ cho 2 phi đội, hoặc 24 tiêm kích trên hạm J-15, có biệt danh "cá mập bay", thay vì 36 chiếc như tuyên bố trước đây.
Li Jie, chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, cho biết tỷ lệ tiêu chuẩn giữa máy bay chiến đấu và phi công là 2:3. Sơn Đông sẽ không có nhiều tiêm kích trên hạm, vì nó mới chỉ bước vào giai đoạn vận hành ban đầu.
Trong tháng 8, CCTV đưa tin rằng tàu sân bay Sơn Đông có thể mang theo 36 tiêm kích trên hạm J-15, hoặc nhiều hơn 50% so với Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.
J-15 là tiêm kích trên hạm nặng nhất thế giới. Ảnh: AP. |
Zhou Chenming, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, cho biết tuy tàu sân bay Sơn Đông có nhà chứa máy bay lớn hơn Liêu Ninh, nhưng rất khó để mang theo được 36 tiêm kích J-15 trên tàu. “J-15 là một máy bay chiến đấu có kích thước lớn và rất khó cho một tàu sân bay như Sơn Đông có thể mang theo nhiều máy bay”, ông Zhou nói.
Hải quân Trung Quốc có kế hoạch vận hành 4 nhóm tác chiến tàu sân bay. Bắc Kinh cũng đã tăng cường huấn luyện phi công tiêm kích trên hạm và chọn các ứng viên phi công từ các trường đại học hàng không hải quân, thay vì chỉ tuyển các phi công có kinh nghiệm từ không quân.
J-15 quá nặng nề
Chuyên gia Li cho biết tàu sân bay Sơn Đông vẫn chưa đạt được khả năng hoạt động ban đầu (IOC), tiêu chuẩn cơ bản để đưa vào vận hành. “Con tàu cần nhiều thời gian hơn”, ông nói.
Tàu sân bay Liêu Ninh mới chỉ đạt được IOC vào tháng 5/2018, 6 năm sau khi được đưa vào hoạt động trong hải quân Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng tiêm kích trên hạm J-15 là một trong những nguyên nhân.
Trung Quốc đã dành hơn 10 năm để phát triển tiêm kích trên hạm J-15, dựa trên nguyên mẫu của tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga, một thiết kế hiện đã hơn 30 năm.
J-15 đang là tiêm kích trên hạm nặng nhất thế giới, là máy bay chiến đấu duy nhất của Trung Quốc có thể hoạt động trên tàu sân bay.
Kích thước và trọng lượng nặng nề của J-15 đã hạn chế số máy bay mà tàu sân bay Liêu Ninh (ảnh) và Sơn Đông có thể mang theo. Ảnh: Reuters. |
Tàu sân bay Sơn Đông và Liêu Ninh có thiết kế đường băng kiểu nhảy cầu, kết hợp với trọng lượng nặng nề của J-15 nên thời gian cất cánh cần thiết gấp 3 lần so với tiêm kích trên hạm F/A-18 của Mỹ.
Máy phóng hơi nước trên tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ mất khoảng 45 giây để phóng máy bay lên không trung, nhưng đường băng kiểu nhảy cầu cần 1-2 phút để cất cánh, ông Li cho biết.
Một nguồn tin thân cận với hải quân Trung Quốc cho biết tàu sân bay Liêu Ninh chỉ có thể cất cánh 14 tiêm kích J-15 trong một thử nghiệm bay, cùng khoảng thời gian đó, một tàu sân bay lớp Nimitz có thể phóng 40 tiêm kích trên hạm.
Giới phân tích cho rằng Sơn Đông và Liêu Ninh chỉ có thể sử dụng cho mục đích phòng thủ, vì tàu sân bay lớp Kuznetsov được thiết kế với hệ thống tên lửa mạnh mẽ, thay vì chỉ tập trung vào triển khai máy bay.
Tính năng phóng tên lửa chống hạm đã được loại bỏ trên 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc, nhưng bản chất thiết kế của tàu ít nhiều vẫn không thay đổi.
Chuyên gia Zhou và Li cho rằng tổng cộng Sơn Đông có thể mang theo 48 máy bay, trong đó có khoảng 20 tiêm kích J-15 còn lại là trực thăng. Sơn Đông không thể triển khai máy bay cánh cố định tải trọng lớn nên trực thăng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp khả năng cảnh báo sớm.
Các trực thăng trên tàu sẽ hỗ trợ cảnh báo sớm, theo dõi máy bay cất cánh, tìm kiếm cứu nạn, vận chuyển binh lính và trang thiết bị.