Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu sân bay Mỹ trở lại Biển Đông

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan trở lại Biển Đông hôm 14/8, gần một tháng sau cuộc tập trận chung với một hàng không mẫu hạm khác của Mỹ tại vùng biển chiến lược.

Nhóm tác chiến bao gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan, tuần dương hạm USS Antietam cùng hai khu trục hạm USS Mustin và USS Rafael Peralta. Nhóm đã "tiến hành các hoạt động bay với máy bay cánh cố định và cánh xoay, cũng như các hoạt động và bài tập ổn định biển cao cấp", theo thông báo trên website của Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Mỹ.

Đây là lần thứ hai nhóm tác chiến tàu sân bay Reagan tập luyện ở Biển Đông trong vòng chưa đầy một tháng. Hôm 17/7, nhóm này đã cùng nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz "thực hiện các bài tập phòng không chiến thuật" giúp cải thiện năng lực phản ứng của Hải quân Mỹ trước "các tình huống bất ngờ tại khu vực".

tau san bay my tro lai bien dong anh 1

Một tiêm kích F/A-18E cất cánh từ tàu sân bay Ronald Reagan hôm 14/8. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trước đó chưa tới hai tuần, hai nhóm tàu sân bay này cũng đã tập trận ở Biển Đông từ ngày 4 đến 7/7, trong lúc Trung Quốc ngang ngược tổ chức tập trận tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này chiếm đóng phi pháp.

Sau cuộc tập trận hôm 17/7, hai tàu Reagan và Nimitz đã tách ra và rời Biển Đông theo các hướng khác nhau.

Tàu Reagan hôm 20/7 ra biển Philippines và tập luyện với khu trục hạm JS Teruzaki của Nhật Bản. Trong khi đó, tàu Nimitz ra Ấn Độ Dương thông qua eo biển Malacca để diễn tập liên lạc và xếp đội hình với 4 tàu chiến Ấn Độ.

Sau đó, nhóm tác chiến tàu sân bay Regan cũng tham gia huấn luyện tích hợp ở ngoài khơi bờ biển phía bắc Nhật Bản. Gần đây nhất, tàu phối hợp tập luyện với máy bay ném bom B-1B Lancer xuất phát từ đảo Guam.

"Việc phối hợp với các đối tác chung của chúng tôi là cần thiết để đảm bảo khả năng phản ứng nhanh và sát thương của lực lượng chung, cũng như duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở", chỉ huy Joshua Fagan, sĩ quan phụ trách hoạt động bay của Lực lượng Đặc nhiệm 70 trên tàu Reagan, nói.

"Cuộc huấn luyện tích hợp gần đây giữa nhóm tác chiến tàu sân bay của chúng tôi và máy bay B-1 của Không quân là ví dụ mới nhất về cách chúng tôi liên tục làm việc để duy trì sự đồng bộ với tất cả đối tác chung của chúng tôi và sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào trong toàn bộ khu vực".

Theo Hải quân Mỹ, các hoạt động của họ ở Biển Đông "tiếp tục thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ với các đồng minh và đối tác, cũng như cách tiếp cận mang tính hợp tác về sự ổn định của khu vực và tự do trên biển".

Nhóm tàu sân bay Ronald Reagan là nhóm tác chiến tàu sân bay duy nhất được triển khai ở tiền phương của Hải quân Mỹ. Nhóm tác chiến được triển khai tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 trực thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

Mỹ không phải là bên tranh chấp tại Biển Đông, nhưng thường xuyên điều tàu chiến và chiến đấu cơ đến vùng biển để thể hiện quyền tự do hàng hải và hàng không, thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Lập trường của Washington lâu nay là tàu và máy bay của Mỹ và các nước có thể di chuyển ở bất cứ đâu luật quốc tế cho phép. Chính quyền Trump đã thúc đẩy điều này thông qua việc tiến hành các "hoạt động tự do hàng hải" (FONOP).

Hải quân Mỹ công bố video tập trận trên Biển Đông Các hoạt động tập trận của nhóm tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông xuất hiện trong video mừng quốc khánh do Hải quân Mỹ công bố ngày 4/7.

Bộ đôi tàu sân bay Mỹ lại tập trận ở Biển Đông

Hải quân Mỹ cho biết hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz tiếp tục tập trận ở Biển Đông từ ngày 17/7, lần thứ 2 trong vòng hai tuần.

Phi cơ ném bom Mỹ đến Biển Đông, tập trận với tàu sân bay

Hai máy bay ném bom siêu thanh B-1B Lancer Mỹ cất cánh từ căn cứ Andersen trên đảo Guam đến Biển Đông làm nhiệm vụ trong khuôn khổ chương trình Biệt đội Ném bom chiến lược tầm xa.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm