Ngày 26/4, Hải quân Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên. Quá trình hạ thủy diễn ra tại nhà máy đóng tàu Đại Liên. Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tham dự lễ hạ thủy.
Theo SCMP, tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc được gọi là Type-001A, dài 315 m, rộng lớn nhất 75 m, lượng choán nước toàn tải khoảng 70.000 tấn, lớn hơn một chút so với tàu sân bay Liêu Ninh mua và tân trang lại từ Ukraine.
Kém xa về năng lực và kích thước
Trung Quốc bắt đầu đóng mới tàu sân bay nội địa từ tháng 11/2013 và đưa vào ụ tàu từ năm 2015. Bắc Kinh chỉ mất 5 năm để đóng mới tàu sân bay nội địa đầu tiên. Hàng không mẫu hạm mới có thiết kế rất giống với tàu bay Liêu Ninh nhưng được cho là có một số cải tiến và khái niệm hoạt động tiên tiến hơn.
Việc Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên có giúp nước này thu hẹp khoảng cách về năng lực tác chiến so với Hải quân Mỹ?
Giới phân tích quân sự nhận xét, tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc vẫn tụt hậu nhiều so với hàng không mẫu hạm của Mỹ. Hai công nghệ quan trọng là máy phóng thủy lực và động cơ chạy năng lượng hạt nhân không được áp dụng cho thiết kế mới. Lượng giãn nước của tàu mới khoảng 70.000 tấn, nhỏ hơn 30% so với tàu sân bay lớp Nimitz với lượng choán nước hơn 100.000 tấn.
Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc được các tàu lai dắt ra khỏi ụ tàu. Ảnh: Sina. |
Đóng mới siêu hàng không mẫu hạm tương tự của Mỹ là nhiệm vụ dài hơi và đầy thách thức với Trung Quốc. Căn cứ vào tình hình hiện tại, Trung Quốc cần nhiều thập kỷ nữa để có thể đóng mới tàu sân bay tương tự của Mỹ.
Công nghệ những năm 1980
Ji Lie, chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, thừa nhận trong khi Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay với đường băng kiểu “nhảy cầu” theo công nghệ những năm 1980 thì Mỹ đã chuyển sang đóng mới siêu hàng không mẫu hạm với máy phóng điện từ.
Trung Quốc được cho là đang đóng mới tàu sân bay nội địa thứ 2 mang tên Type-002, dự kiến hạ thủy vào năm 2021 nhưng nó không phải là hàng không mẫu hạm với hệ thống động lực hạt nhân và máy phóng điện từ, ông Li nhận xét.
Ông Li cho rằng, tàu sân bay Type-002 có thể không được trang bị máy phóng hơi nước, vì Trung Quốc khó lòng phát triển tàu sân bay thế hệ mới hoàn toàn chỉ trong vài năm.
“Ở một chừng mực nào đó, chúng ta nên nhận ra rằng khoảng cách các công nghệ chính dùng cho tàu sân bay giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng mở rộng và không có dấu hiệu thu hẹp”, ông Li nói với SCMP.
Bên cạnh đó, tàu sân bay đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn so với thời điểm Thế chiến II khi chúng là những “vị vua của biển”. Ngày nay, tên lửa chống hạm, vũ khí dẫn đường phóng từ trên không, ngư lôi từ tàu ngầm là những mối đe dọa lớn với hàng không mẫu hạm và gây khó khăn cho đội tàu hộ tống.
Tàu sân bay Type-001 được thiết kế với đường băng kiểu “nhảy cầu”, tương tự Liêu Ninh nên không thể triển khai hoạt động các máy bay cánh cố định tải trọng lớn. Ngoài ra, các máy bay chiến đấu buộc phải giới hạn tải trọng vũ khí, nhiên liệu mang theo nên hiệu suất chiến đấu không cao.
Hình thành hải quân nước xanh
Juliette Genevaz, nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc, thuộc Học viện Quân sự Pháp, nhận xét việc hạ thủy tàu sân bay mới chỉ là sự kiện mang tính tượng trưng, vì phải mất khoảng 2 năm để lắp đặt thêm thiết bị, vũ khí cũng như tiến hành các hoạt động thử nghiệm, đánh giá, hiệu chỉnh hệ thống.
Tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu hộ tống trong một đợt diễn tập trên biển. Ảnh: SCMP. |
Nhà nghiên cứu Zhang Junshe, thuộc Viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân Trung Quốc, thì nói rằng tàu sân bay Type-001 có thiết kế bình thường và quy mô nhỏ hơn nhiều so với Mỹ.
Ông Zhang lập luận: "Tàu sân bay mới có thể giúp Trung Quốc bảo vệ tốt hơn hòa bình và ổn định trên thế giới, thể hiện vai trò là một quốc gia có trách nhiệm. Là quốc gia đi sau, Trung Quốc cần đóng mới các tàu sân bay thông thường trước để tích lũy kinh nghiệm, sau đó sẽ đóng mới hàng không mẫu hạm hạt nhân".
Quá trình thiết kế và đóng mới tàu sân bay đều dựa trên các công nghệ trong nước mà không có sự trợ giúp từ nước ngoài. Ông Zhang cho biết thêm, tương lai hàng không mẫu hạm Trung Quốc sẽ được trang bị máy phóng, nhưng quá trình này phải thực hiện từng bước vì liên quan đến nhiều công nghệ phức tạp.
So với Liêu Ninh, tàu sân bay mới hạ thủy sẽ có công nghệ và hiệu suất tốt hơn. Trong khi tàu đầu tiên chỉ phục vụ cho hoạt động thử nghiệm và đào tạo, hàng không mẫu hạm thứ 2 của Trung Quốc sẽ có khả năng thực hiện một số hoạt động chiến đấu, cứu trợ nhân đạo.
Các nhà phân tích kết luận, năng lực tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách khá xa so với Hải quân Mỹ, song việc hạ thủy tàu sân bay tự đóng bước khởi đầu trong nỗ lực xây dựng lực lượng “hải quân nước xanh” có khả năng tác chiến trên khắp các đại dương.