Theo CNN, đây được coi là động thái chiến lược có khả năng thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực Đông Á.
Đơn hàng này bao gồm một số chiếc F-35 phiên bản B có khả năng cất cánh từ đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL). Đây là một trong những nhân tố quan trọng tạo điều kiện để Nhật Bản có thể cải tạo một số tàu chiến của họ trở thành tàu mang máy bay chiến đấu mà không cần đầu tư phát triển tàu sân bay. Nhật vẫn chưa có chiếc tàu nào có khả năng này kể từ Thế chiến 2.
Sự nâng cấp cần thiết
Một nguồn tin liên quan đến chương trình phát triển F-35 chia sẻ với CNN: “Với khả năng cất cánh và hạ cánh đường băng ngắn, bạn sẽ có khả năng hoạt động trên biển và cũng có thể thâm nhập các khu vực từ khoảng cách ngắn hơn, đây là một yếu tố rất quan trọng”.
Những chiếc F-35B hạ cánh thẳng đứng trên tàu đổ bộ USS Wasp của quân đội Mỹ. Ảnh: US Navy. |
Bộ Quốc phòng Nhật chưa thể xác nhận bản hợp đồng, nhưng cho biết họ đang tìm cách sở hữu “loại máy bay chiến đấu có năng lực cao” khi “kế hoạch bảo trì năng lực quốc phòng giữa kỳ” được đệ trình lên nội các của Thủ tướng Shinzo Abe vào tháng 12 tới.
Bộ này cũng cho biết gần một nửa những chiếc F-15J đang được biên chế trong lực lượng phòng vệ Nhật Bản đều không thể nâng cấp, khiến cho việc mua máy bay mới trở nên cần thiết. Văn phòng báo chí của Bộ Quốc phòng khẳng định: “Tới nay, chưa có mẫu máy bay cụ thể nào được lựa chọn”.
Tuy nhiên, một nguồn thạo tin khẳng định với CNN loại máy bay được chọn sẽ là F-35, 40 trên 100 chiếc trong hợp đồng sẽ là những chiếc F-35B. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ông Takeshi Iwaya cũng cho biết Tokyo đang nghiêm túc cân nhắc cải tạo lại ít nhất một tàu sân bay trực thăng lớp Izumo để phục vụ những chiếc máy bay mới.
Phát biểu trước các phóng viên trong một cuộc họp nội các, ông Iwaya nhận định: “Vì chúng ta đang sở hữu một phương tiện rất có giá trị, tôi nghĩ chúng ta nên sử dụng chúng để phục vụ nhiều mục đích nhất có thể”.
Hãng tin Nikkei News định giá thương vụ này vào khoảng 8,8 tỷ USD, tương đương với mỗi chiếc máy bay có giá trung bình 88 triệu USD. Một số ý kiến đã chỉ trích động thái này của chính phủ Nhật Bản, cho rằng nó đi ngược lại với hiến pháp hoà bình của nước này.
Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh khu vực, quyết định của chính phủ Nhật là có thể hiểu được vì Trung Quốc đang tăng cường gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng quân đội ở Thái Bình Dương. Báo cáo quốc phòng của Nhật vào tháng 8 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường an ninh đang thay đổi ở châu Á.
Báo cáo có đoạn viết: “Việc Trung Quốc hiện đại hoá nhanh chóng lực lượng quân đội, tăng cường năng lực hoạt động và đơn phương leo thang các hành vi quân sự gần Nhật Bản đang tạo ra mối quan ngại sâu sắc ở khu vực và trong cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nhật Bản”.
Trả lời CNN,chuyên gia phân tích quân sự Timothy Heath của RAND Corp tại Californina nhận định tham vọng của Trung Quốc ở khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ mang tới “những hậu quả to lớn” đối với Nhật Bản.
Ông Heath cho biết Nhật Bản có lợi ích chiến lược để xây dựng lực lượng quân đội có khả năng ngăn chặn Trung Quốc thực hiện những hành động liều lĩnh, và để giúp đỡ những nước khác trong khu vực cân bằng cán cân chính trị và quân sự với Bắc Kinh.
Làm ấm mối quan hệ với Mỹ
Cùng thời điểm đó, cách tiếp cận khác thường của Tổng thống Trump với các vấn đề quốc tế so với những người tiền nhiệm, khiến cho Tokyo đôi khi không thể yên tâm về sự ủng hộ của đồng minh lâu năm. Ông Trump từ lâu đã thúc giục các đồng minh châu Á và cả châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng, đặc biệt là việc tăng cường các hợp đồng quân sự với vũ khí của Mỹ.
Ông Trump nhiều lần nhắc đến F-35 như sản phẩm chiến lược và cho rằng chính phủ của ông đóng vai trò quan trọng trong doanh số của dòng máy bay này trên toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AP. |
Vì vậy việc mua những chiếc F-35 của chính phủ Abe được đánh giá không chỉ là một kế hoạch nâng cao năng lực phòng thủ mà còn là động thái làm ấm mối quan hệ đồng minh lâu năm giữa Mỹ và Nhật Bản.
Các nguồn tin cho biết hợp đồng này giữa chính phủ hai nước sẽ bao gồm 2 dòng máy bay F-35 thuộc mẫu A và mẫu B. Nhật Bản đã sở hữu 10 chiếc F-35B và đã có thoả thuận mua thêm 32 chiếc nữa từ trước. Đây là dòng máy bay chiến đấu truyền thống, cần có sân bay để cất cánh và hạ cánh.
Trong khi đó những chiếc F-35B có khả năng cất cánh từ đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, cho phép chúng có thể được sử dụng trên một số tàu sân bay loại nhỏ. Bù lại bình nhiên liệu của một chiếc F-35B chỉ bằng khoảng 2/3 so với một chiếc F-35A.
Lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ hiện có thể cất và hạ cánh những chiếc F-35B trên một số tàu tấn công đổ bộ của hải quân. Những tàu này thường được gọi là tàu sân bay baby vì chúng có chiều dài bằng một nửa các tàu sân bay lớp Nimitz.
Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản đang có hai chiếc tàu loại này, một chiếc có tên Izumo và chiếc còn lại có tên Kaga, được sử dụng với mục đích phát hiện tàu ngầm. Hiện mỗi chiếc có khả năng mang theo 14 máy bay trực thăng và sẽ phải được cải tạo để sử dụng với những chiếc F-35B.
Ông Corey Wallace, nhà phân tích an ninh châu Á tại đại học Freie Berlin, cho rằng động thái này của Nhật Bản sẽ “đẩy phòng tuyến hoạt động hàng hải ra xa hơn” và sẽ khiến Trung Quốc phản ứng .
Tờ Hoàn cầu Thời báo nhận định kế hoạch của Nhật Bản cải tạo các tàu lớp Izumo để phục vụ máy bay F-35B hoạt động đã “thay đổi bản chất của các tàu này từ phòng thủ thành tấn công”.
Trung Quốc cũng có câu trả lời riêng với F-35, đó là dòng máy bay chiến đấu J-20 được sản xuất trong nước và đang được sử dụng bởi quân đội nước này. Hiện số lượng J-20 phục vụ trong biên chế Quân Giải phóng Nhân dân vẫn đang là bí ẩn.
Ông Wallace cho rằng không nên nhấn mạnh quá mức tầm ảnh hưởng của việc Nhật Bản cải tạo tàu sân bay để sử dụng những chiếc F-35B. Theo lời chuyên gia này, một chiếc tàu lớp Izumo sẽ chỉ phục vụ được từ 6-8 chiếc F-35B, và chúng sẽ không thể đe doạ lãnh thổ Trung Quốc vì khả năng phòng thủ của nước này là rất mạnh. Thêm vào đó, sẽ phải mất từ 3 đến 4 năm để Lockheed Martin hoàn thành sản xuất những chiếc F-35B và đưa đến tay lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Bên cạnh Nhật Bản, F-35 cũng được sử dụng trong biên chế quân đội hai nước khác trong khu vực là Hàn Quốc và Australia.