Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu phá băng Rồng Tuyết 2 của Trung Quốc sắp đi chuyến đầu đến Nam Cực

Tàu phá băng đầu tiên do Trung Quốc sản xuất sẽ đi chuyến đầu tiên đến Nam Cực vào năm nay, bước tiến lớn của Trung Quốc trong cuộc chạy đua khai thác vùng cực với các cường quốc.

Tàu Rồng Tuyết 2 nặng 13.996 tấn được bàn giao cho Viện Nghiên cứu Địa cực Trung Quốc (thuộc bộ tài nguyên) ở Thượng Hải ngày 11/7 sau 16 ngày chạy thử vào tháng trước ở biển Hoa Đông, theo South China Morning Post.

Con tàu dài 122 m sẽ phục vụ các nghiên cứu đại dương học cũng như đa dạng sinh vật, theo Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc. Đây là tàu phá băng thứ hai của Trung Quốc, con tàu đầu tiên không phải do Trung Quốc sản xuất.

Theo truyền thông Trung Quốc, Rồng Tuyết 2 chở được 99 thuyền viên, bao gồm 49 nhà khoa học, và hai trực thăng. Hệ thống điện có thể duy trì 60 ngày, và con tàu có thể phá băng dày 1,5 m.

khai thac Bac Cuc anh 1
Rồng Tuyết 2 nặng 13.996 tấn là tàu phá băng đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Tân Hoa xã.

Các chuyên gia cho rằng Rồng Tuyết 2 sẽ mở đường để Trung Quốc tự xây dựng tàu phá băng dùng điện hạt nhân, bước tiến tiếp theo sẽ có ảnh hưởng lớn tới cục diện toàn cầu, theo South China Morning Post.

Việc đưa vào khai thác tàu Rồng Tuyết 2 diễn ra giữa đối đầu địa chính trị nhiều mặt giữa Mỹ và Trung Quốc, bao gồm ở khu vực Bắc Cực.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng gọi các hoạt động của Trung Quốc, hợp tác với Nga, là “các hành động gây hấn” đã biến vùng cực thành “nơi tranh chấp và cạnh tranh toàn cầu”. Đô đốc James Foggo III, tư lệnh hải quân Mỹ ở châu Âu, nói trên trang tin quốc phòng Defense One rằng Trung Quốc đang cố tăng ảnh hưởng ở Bắc Cực, và Mỹ cần phải “chủ động hiện diện” ở Bắc Cực khi vùng này càng trở nên dễ tiếp cận do hiện tượng băng tan.

Chỉ một tuần trước, tàu ngầm tên lửa đạn đạo USS Alaska của Mỹ đã tới thăm căn cứ của Hải quân Anh ở Faslane, Scotland, cửa ngõ chiến lược vào Bắc Băng Dương.

khai thac Bac Cuc anh 2
Một giàn khoan khai thác dầu của Nga ở biển Pechora, phía đông nam biển Barents, tháng 5/2016. Ảnh: AFP.

Không tuyên bố chủ quyền ở Bắc Cực hoặc Nam Cực, nhưng Bắc Kinh vẫn đang cụ thể hóa tham vọng hiện diện ở các khu vực nhiều khoáng sản này, lấy lý do nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu, vấn đề thế giới đều quan tâm. Trung Quốc đã có bốn trạm nghiên cứu ở Nam Cực và một trạm ở Bắc Cực.

Các công ty Trung Quốc cũng đang tích cực hợp tác với các đối tác Nga để xây dựng cảng dọc Biển Bắc của Nga, một phần của “Con đường Tơ lụa Vùng cực”, nằm trong sáng kiến lớn hơn mang tên "Vành đai và Con đường" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng.

Nga cũng đang thận trọng thu hút đầu tư từ Trung Quốc để phát triển khu vực, nhằm bù lại những thiệt hại mà các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014.

Mỹ cảnh báo TQ gây nguy cơ tạo 'Biển Đông mới' ở Bắc Cực

Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở Bắc Cực để kiềm chế "cách hành xử hung hăng" của Nga và Trung Quốc tại khu vực giàu tài nguyên.

Lầu Năm Góc cảnh báo nguy cơ tàu ngầm Trung Quốc ở Bắc Cực

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các hoạt động ngày càng sâu rộng của Trung Quốc ở khu vực Bắc Cực có thể mở đường cho sự hiện diện quân sự gia tăng.



Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm