Trong báo cáo được công bố ngày 2/5, Lầu Năm Góc cho biết dù là một quốc gia không thuộc Bắc Cực nhưng Trung Quốc ngày càng hoạt động mạnh ở khu vực cực Bắc và trở thành thành viên quan sát của Hội đồng Bắc Cực vào năm 2013.
Điều đó đã gây lo ngại từ các quốc gia Bắc Cực về các mục tiêu chiến lược dài hạn của Bắc Kinh, bao gồm cả việc triển khai quân sự.
Một tàu ngầm có thể mang vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý rằng Đan Mạch đã bày tỏ lo ngại về mối quan tâm của Trung Quốc đối với Greenland, bao gồm các đề xuất thành lập trạm nghiên cứu, thiết lập trạm vệ tinh mặt đất, cải tạo sân bay và mở rộng khai thác.
"Nghiên cứu dân sự có thể hỗ trợ sự tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Bắc Băng Dương, có thể bao gồm việc triển khai các tàu ngầm đến khu vực này như biện pháp ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân", Reuters trích dẫn báo cáo.
Báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý rằng quân đội Trung Quốc đã ưu tiên việc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của mình. Hải quân nước này đã vận hành bốn tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, sáu tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công sử dụng nhiên liệu thông thường.
"Tốc độ tăng trưởng của lực lượng tàu ngầm đã chậm lại và có thể sẽ tăng lên từ 65 đến 70 tàu ngầm vào năm 2020", báo cáo dự đoán.
Về phần mình, Mỹ và các đồng minh cũng đang mở rộng triển khai các hoạt động hải quân chống tàu ngầm trên khắp Đông Á, bao gồm tăng cường tuần tra bằng các máy bay săn ngầm tiên tiến P-8 Poseidon ở Singapore và Nhật Bản.