Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ cảnh báo TQ gây nguy cơ tạo 'Biển Đông mới' ở Bắc Cực

Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở Bắc Cực để kiềm chế "cách hành xử hung hăng" của Nga và Trung Quốc tại khu vực giàu tài nguyên.

"Khu vực đang trở thành đấu trường cho những cường quốc và cạnh tranh toàn cầu", Ngoại trưởng Mike Pompeo đề cập đến khu vực Bắc Cực và biển Bắc Băng Dương với trữ lượng khổng lồ dầu thô, khí đốt, khoáng sản và hải sản.

"Bắc Cực là vùng hoang dã. Điều này không đồng nghĩa rằng khu vực có thể trở thành vùng đất vô pháp vô thiên", ông khẳng định.

Phát biểu tại cuộc họp ở Phần Lan, ngày 6/5, với nhóm Hội đồng Bắc Cực, ngoại trưởng Mỹ công kích những kế hoạch mà Nga và Trung Quốc đang theo đuổi tại vùng Bắc Cực.

Ông cảnh báo cách hành xử hung hăng của Trung Quốc ở những nơi khác "đủ giúp ta hình dung họ sẽ đối xử với vùng Bắc Cực như thế nào", theo AFP.

Bac Cuc thanh Bien Dong moi anh 1
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Pompeo lo ngại kịch bản các nước trong khu vực bị thu hút bởi các khoản đầu tư chất lượng thấp, rơi vào bẫy nợ và tham nhũng. Ông cũng cảnh báo việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng sẽ dẫn đến quân sự hóa và khai thác tài nguyên thiên nhiên vượt tầm kiểm soát.

"Liệu chúng ta mong muốn Bắc Băng Dương trở thành một Biển Đông mới với quân sự hóa và tranh chấp chủ quyền", ngoại trưởng Mỹ cảnh báo các thành viên tại cuộc họp. 

Điểm cực bắc của Trung Quốc nằm cách vùng Bắc Cực đến 1.450 km, nhưng chính phủ Bắc Kinh vẫn muốn định vị Trung Quốc là "quốc gia gần Bắc Cực".

Bắc Kinh cũng đầu tư mạnh tay vào khu vực với gần 90 tỷ USD từ 2012 - 2017, với hy vọng khai thác được những lợi ích từ Tuyến đường biển phương Bắc (NSR). Khi băng tan ngày một nhiều ở Bắc Cực, lộ trình vòng qua phía bắc nước Nga giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Bac Cuc thanh Bien Dong moi anh 2
Hệ thống phòng không tích hợp Pantsir S1 của Nga đặt tại căn cứ quân sự trên đảo Kotelny, thuộc quần đảo New Siberia. Ảnh: CNN

Trung Quốc và Nga muốn đưa NSR vào dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Chính phủ Moscow thời gian qua cũng tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực, mở lại một số căn cứ quân sự bị bỏ hoang sau khi Liên Xô sụp đổ.

Ngoại trưởng Pompeo cho rằng các hành động của Nga tại Bắc Cực mang tính khiêu khích. Ông khẳng định, nhằm đối phó với tham vọng của những nước đối thủ tại Bắc Cực, Mỹ sẽ tiếp tục tổ chức diễn tập quân sự, tăng cường hiện diện, tu sửa lại hạm đội tàu phá băng và tăng quỹ hoạt động cho lực lượng tuần duyên.

Lầu Năm Góc sẽ công bố chiến lược quốc phòng cho khu vực Bắc Cực vào ngày 1/6.

Lầu Năm Góc cảnh báo nguy cơ tàu ngầm Trung Quốc ở Bắc Cực

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các hoạt động ngày càng sâu rộng của Trung Quốc ở khu vực Bắc Cực có thể mở đường cho sự hiện diện quân sự gia tăng.

Căn cứ quân sự của Nga đặt trên hòn đảo khổng lồ ở Bắc Cực

Căn cứ trên đảo Kotelny, nơi có diện tích gấp 32 lần Singapore, được trang bị tên lửa phòng thủ bờ biển tầm bắn 300 km, hệ thống phòng không tích hợp Pantsir-S1 cùng 250 binh sĩ.


Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm