Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ tiến sát chiến hạm Nga

Ngày 14/12, kênh RT cho biết một tàu ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến gần tàu đổ bộ Caesar Kunikov của Nga khi nó đi qua eo biển Bosphorus gần thành phố Istanbul hồi đầu tuần.

Theo báo Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ), tàu Nga đến Bosphorus sau khi nó vừa đi qua biển Địa Trung Hải và eo Dardanelles hồi cuối tuần.

Cách đây 8 ngày, tàu Caesar Kunikov cũng từng đi qua eo Bosphorus và có hành động mà Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ lên án là "sự khiêu khích". Khi đó, Ankara cáo buộc thủy thủ Nga trên tàu đã giương tên lửa đất đối không.

Trong sự việc ngày 14/12, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết binh sĩ trên tàu Nga không còn giương vũ khí, thay vào đó họ mang máy ảnh và máy quay phim để ghi hình.

Trước đó, vào cuối tuần qua, tàu khu trục Nga đã nổ súng cảnh cáo tàu cá của Thổ Nhĩ Kỳ do nó cố tình tiếp cận chiến hạm Nga mà không phản hồi tín hiệu cảnh báo. Sự việc xảy ra ở biển Aegean, cách đảo Lemnos (Hy Lạp) hơn 20 km.

Cùng ngày, Moscow cáo buộc Washington thất bại trong việc ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga bất chấp thỏa thuận nhằm đảm bảo an toàn trên không mà hai phía đã ký kết.

Trong thông báo ngày 14/12, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc: “Mặc dù bộ Quốc phòng hai nước (Mỹ và Nga) đã ký kết bản ghi nhớ về an toàn hàng không quân sự trên không phận Syria nhưng Mỹ, quốc gia chịu trách nhiệm cho hành động của các quốc gia trong liên minh chống IS, không thể đảm bảo đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ các quy định”.

Theo RT, thỏa thuận đảm bảo an toàn hàng không giữa Mỹ và Nga trên bầu trời Syria được ký ngày 20/10, 3 tuần sau khi Nga bắt đầu dội bom khủng bố ở Syria. Nội dung của bản ghi nhớ yêu cầu hai bên duy trì các kênh liên lạc 24/7 nhằm ngăn các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra giữa chiến đấu cơ của hai bên khi cùng thực hiện chiến dịch không kích ở Syria.

Cũng theo nội dung của bản ghi nhớ, Mỹ có trách nhiệm thúc ép các đồng minh tuân thủ thỏa thuận mà Washington và Moscow đã ký kết.

Phía Nga nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng hợp tác mang tính xây dựng với Washington nhưng việc hợp tác “cần dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”. Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực mà hai nước cùng chú trọng. Tuy nhiên, lợi ích riêng của Nga cần được đảm bảo, bao gồm việc tăng cường an ninh nội địa và quốc tế, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Moscow cũng cáo buộc Washington không cho thấy sự sẵn sàng hợp tác toàn diện trong cuộc chiến chống lại IS ngay cả khi máy bay chở khách của Nga bị tấn công khủng bố hôm 31/10 ở bán đảo Sinai, Ai Cập làm 224 người thiệt mạng.

Ngày 24/11, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hai chiến đấu cơ F-16 tuần tra dọc biên giới nước này đã bắn rơi một máy bay chưa rõ quốc tịch vì nó vi phạm không phận. Các thông tin tiếp theo cho thấy máy bay bị bắn rơi là Su-24 của Nga, đang thực hiện nhiệm vụ không kích khủng bố. Phía Nga khẳng định chiếc Su-24 hoạt động trong không phận Syria.

Trước khi Nga phát động chiến dịch dội bom IS ở Syria, quan hệ Ankara – Moscow được đánh giá khá tốt. Mọi chuyện xấu đi kể từ cuối tháng 9 và tiếp tục tụt dốc sau khi máy bay Nga bị bắn rơi. Nó gây tác động nghiêm trọng tới cả hai quốc gia, đặc biệt về kinh tế.

Không có bằng chứng cho thấy máy bay Nga bị khủng bố

Nhà chức trách Ai Cập thông báo, không có bằng chứng về hành động khủng bố trong vụ việc máy bay chở khách của Nga rơi trên bán đảo Sinai hôm 31/10.

Hồng Duy - Minh Anh

Bạn có thể quan tâm