7 thủy thủ thiệt mạng sau vụ va chạm giữa tàu khu trục USS Fitzgerald (DDG-62), lớp Arleigh Burke và tàu container ACX Crystal trên biển Philippines. Đây là một trong những vụ đâm tàu nghiêm trọng nhất đối với Hải quân Mỹ kể từ những năm 1990.
Tàu chiến Mỹ được vận hành như thế nào?
USS Fitzgerald là cỗ máy chiến tranh nên mọi hoạt động của tàu trên biển được giám sát 24/24. Thủy thủ đoàn 300 người trên tàu sẽ thay nhau trực nhiệm vụ, đảm bảo cho tàu luôn sẵn sàng trong mọi tình huống.
Ở mọi thời điểm, tháp chỉ huy có từ 6-10 sĩ quan và thủy thủ chịu trách nhiệm về điều hướng và đảm bảo an toàn cho hải trình của tàu. Họ làm việc dưới sự điều khiển của sĩ quan boong, người chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp cho thuyền trưởng.
Bên dưới tháp chỉ huy là trung tâm thông tin chiến đấu (CIC). Ở đây luôn có 6-10 sĩ quan và thủy thủ làm việc. CIC kiểm soát hoạt động của hệ thống radar, theo dõi các mục tiêu xung quanh tàu, tính toán giải pháp điều khiển hỏa lực và sẵn sàng khai hỏa vũ khí theo lệnh thuyền trưởng. CIC luôn báo cáo cho sĩ quan điều hướng hàng hải về các vật thể khả nghi xung quanh tàu, hỗ trợ cho quá trình điều hướng.
CIC trên tàu khu trục USS Stethem (DDG-63). Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Ngoài ra, trên tàu luôn có ít nhất 2-3 thủy thủ chuyên quan sát mặt biển xung quanh tàu bằng ống nhòm, để phát hiện những vật thể như tàu thuyền nhỏ di chuyển vào điểm mù của radar. Như vậy USS Fitzgerald được giám sát liên tục bằng hệ thống cảm biến tinh vi và con người.
Câu hỏi đang được dư luận quan tâm, tại sao một tàu container tải trọng tới 29.000 tấn lại có thể đâm vào mạn phải của chiến hạm Mỹ, gây thiệt hại nặng. Cuộc điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ va chạm có thể kéo dài hàng tháng.
Yếu tố con người?
John Kirby, cựu đô đốc Hải quân Mỹ, bày tỏ quan điểm với CNN về vụ va chạm: “Tôi không biết liệu hệ thống radar trên tàu có hoạt động đúng hay không. Quyết định của ê kíp trực lúc xảy ra tai nạn như thế nào vẫn chưa được biết đến”.
Tàu khu trục USS Fitzgerald được trang bị hàng loạt hệ thống cảm biến tinh vi nhưng vẫn có sai số trong việc phát hiện và nhận dạng mục tiêu. “Nhiều khi các bức ảnh từ radar có thể thuyết phục bạn về một điều gì đó mà bạn thấy không phù hợp. Bạn cần một thông tin tham khảo từ nguồn khác mà chỉ có thể nhận được từ những gì bạn quan sát thấy”, cựu đô đốc Kirby nói.
Ở mọi thời điểm, tàu chiến Mỹ luôn có các thủy thủ quan sát mặt biển bằng ống nhòm. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Trong năm 2012, tàu khu trục USS Porter va chạm với tàu chở dầu Otowasan khi đi qua eo biển Hormuz, một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp của thế giới. Martin Arriola, sĩ quan chỉ huy của tàu Porter được yêu cầu rẽ trái để tránh va chạm. Nhưng vị sĩ quan đã không làm như vậy khi còn thời gian, thậm chí ông còn không ra lệnh tăng tốc vào những phút cuối để tránh tối đa thiệt hại cho chiến hạm Mỹ.
Tàu chở dầu Otowasan đâm trúng mạn phải của tàu khu trục Porter, tương tự vị trí mà tàu khu trục Fitzgerald vừa bị đâm. Philip Ewing, nhà phân tích quốc phòng, biên tập viên Đài phát thanh Công cộng quốc gia (NPR) nhận xét, nếu thủy thủ đoàn tàu Fitzgerald đang theo dõi những gì tiến về phía họ, con tàu có thể đã đổi hướng để tránh va chạm.
Tuy nhiên, ê kíp trực hôm đó có vẻ như đã không nhận ra tàu container đang tiếp cận mạn phải của tàu. Một khả năng khác là tàu khu trục Fitzgerald muốn vượt lên phía trước, cắt qua trước mũi tàu Crystal để tiến về phía bắc.
Tàu khu trục giống như một người đang cố băng qua con phố đông đúc xe cộ và nghĩ rằng có thể vượt qua chiếc xe đang tiến lại gần. Trong trường hợp này, đó là một tính toán sai lầm.
Theo quy định của Hải quân Mỹ, thuyền trưởng phải có mặt trên tháp chỉ huy khi tàu ra vào cảng, khu vực có nguy cơ an ninh cao, hoặc những khu vực có mật độ giao thông hàng hải nhộn nhịp. Trong trường hợp có tàu lạ tiếp cận gần chiến hạm Mỹ, thuyền trưởng sẽ được thông báo để lên đài chỉ huy trực tiếp điều khiển mọi hoạt động.
Thuyền trưởng của tàu DDG-62 ở trong buồng riêng khi xảy ra vụ va chạm. Điều đó cho thấy rằng, ê kíp trực hôm đó đã không báo cho thuyền trưởng về tàu lạ đang tiếp cận gần chiến hạm Mỹ. Trong một đêm yên tĩnh với rất ít công việc để làm, thủy thủ đoàn có thể đã chủ quan và giao phó hoạt động của tàu cho hệ thống lái tự động.
Năm 2009, tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân USS Hartford va chạm với tàu đổ bộ trực thăng USS New Orleans trên eo biển Hormuz. Cuộc điều tra sau đó cho thấy, ê kíp trực đã lơ là nhiệm vụ. Thuyền trưởng tàu ngầm Hartford đã không ở trong phòng chỉ huy như quy định, khi tàu di chuyển qua vùng biển có giao thông hàng hải nhộn nhịp.
Hải quân Mỹ đang thu thập thông tin từ thủy thủ trên tàu container để điều tra nguyên nhân dẫn đến tai nạn với tàu USS Fitzgerald. Các điều tra viên sẽ phỏng vấn từng thủy thủ trên chiến hạm Mỹ, kiểm tra các thiết bị liên quan. Các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để kết luận về vụ va chạm nhưng nguyên nhân có thể đến từ một chuỗi sai lầm của thủy thủ đoàn 2 bên.