Tàu khu trục USS Fitzgerald của Hải quân Mỹ vừa va chạm với một tàu buôn trên biển Nhật Bản. Vụ va chạm khiến mạn phải của tàu bị hỏng nặng, 7 thủy thủ mất tích. Trong tháng 5, tuần dương hạm USS Lake Champlain cũng va chạm với một tàu đánh cá Hàn Quốc. Việc tàu chiến va chạm với tàu dân sự là điều hiếm khi xảy ra trên thế giới.
Theo Naval Technology các tàu chiến của Hải quân Mỹ đều là những tinh hoa công nghệ hàng hải thế giới. Chúng được trang bị các công nghệ tinh vi cho nhiệm vụ tác chiến và di chuyển trên biển. Mỗi tàu chiến của Hải quân Mỹ được trang bị ít nhất 4 loại radar khác nhau cho nhiệm vụ phát hiện mục tiêu trên biển, trên không, điều khiển hỏa lực và điều hướng hàng hải.
Trong đó hệ thống điều hướng hàng hải là thành phần quan trọng giúp tàu di chuyển an toàn và đúng hải trình trên biển. Theo Marine Insight hiện có ít nhất 30 loại thiết bị khác nhau dùng cho nhiệm vụ điều hướng hàng hải, trong đó có những loại vận hành thủ công và tự động hoàn toàn bằng máy tính.
Các tàu chiến hiện đại đều được trang bị WECDIS. Ảnh minh họa: Sainsel. |
Đối với các tàu chiến Mỹ sử dụng song song loại vận hành thủ công và tự động như vẽ hải đồ trên giấy, la bàn và hệ thống hiển thị thông tin và hải đồ điện tử dùng cho tàu chiến (WECDIS). Đây là phiên bản dành riêng cho tàu chiến được phát triển từ hệ thống tương tự dùng cho tàu thương mại.
Ưu điểm của WECDIS là tất cả thông tin được xử lý và hiển thị trong thời gian thực. Nó giúp giảm bớt quá trình lập kế hoạch. Thông tin cảnh báo và chỉ dẫn được lập trình để làm nổi bật những mối nguy hiểm đối với tàu.
Hải trình của tàu được chỉnh sửa dễ dàng hơn so với hải đồ giấy. WECDIS có thể tích hợp các thiết bị điều hướng khác như hệ thống nhận dạng tự động (ASI) và các hệ thống khác để loại trừ các mối nguy cơ về va chạm với tàu khác, hoặc đá ngầm trong khu vực.
Đặc biệt, các tàu chiến hiện đại của Mỹ cũng như các nước khác đều được trang bị hệ thống cảnh báo va chạm tự động (ARPA). Radar của hệ thống ARPA sẽ theo dõi và tự động hiển thị thông tin vị trí của tàu và các tàu khác trong khu vực. Máy tính của hệ thống sẽ dựa trên tốc độ, hướng đi của tàu so với tàu khác để đưa ra thông tin cảnh báo va chạm.
Các kỹ thuật viên điều hướng hàng hải trên tàu chiến Mỹ đối chiếu thông tin giữa hải đồ giấy và điện tử. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Sự phát triển của ARPA bắt đầu sau vụ tai nạn hàng hải thảm khốc giữa tàu chở khách SS Andrea Doria của Italy, với tàu MS Stockholm vào năm 1956 khiến 46 người thiệt mạng. Sự ra đời của ARPA và các hệ thống phát hiện và nhận dạng tự động khác đã giúp giảm tối đa số vụ va chạm giữa các tàu trên biển.
Tuy nhiên, ngay cả những hệ thống điều hướng hàng hải tối tân cũng tồn tại nhược điểm. Cảm biến của hệ thống WECDIS hay ARPA đều có sai số. Các hệ thống điều hướng tự động được kết nối để bổ trợ cho nhau, tăng sự chính xác của thông tin.
Chỉ cần một cảm biến trong hệ thống gặp sự cố, thông tin hiển thị có thể sẽ không còn chính xác, khi đó vị trí của tàu hiển thị trên WECDIS có thể không đúng so với vị trí thực tế. Điều này có thể dẫn đến tai nạn nếu thủy thủ đoàn quá phụ thuộc vào WECDIS.
Các hệ thống như WECDIS, ASI, ARPA là những trợ thủ đắc lực đối với sĩ quan điều hướng hàng hải. Chúng giúp giảm gánh nặng và khối lượng công việc nhưng không thể thay thế con người trong việc đảm bảo an toàn cho hoạt động của tàu trên biển.
Bên cạnh các hệ thống điều hướng hàng hải tự động, sự kết hợp giữa sĩ quan điều hướng và lái tàu cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc tránh các tai nạn.
Các tàu chiến của Mỹ đều có kích thước và khối lượng rất lớn. Việc cơ động để tránh va chạm phải được thực hiện ở khoảng cách vài trăm, thậm chí cả nghìn mét.